Nhiều người than rằng cuộc sống giờ đây bận rộn đến mức nhiều người về hưu mà chưa được nghỉ hưu. Thậm chí họ không có tuổi hưu khi ông bà ngày nay còn phải đi làm ôsin không chỉ trong nước, mà còn xuyên đại dương, liên lục địa!
Nói vậy có vẻ hơi quá, còn gọi một cách sang trọng hơn là “đóng mác” đi du lịch thăm con cái. Sau một thời gian đi du học, con cái xây dựng gia đình và định cư xứ người.
Tất nhiên, ít có cha mẹ nào muốn từ Việt Nam ra nước ngoài luôn với con khi đã già vì nhiều lý do mà lý do chính là không muốn rời xa quê hương.
Và thế là một số người rơi vào tình trạng “một cảnh hai quê”, ở Việt Nam thì nhớ con cháu, ở nước ngoài lại đau đáu muốn về.
Đã có quá nhiều thực tế về hoàn cảnh người già sống ở xứ lạnh gần như bị cô lập mà vẫn phải chịu đựng vì con cái, không còn lối thoát nào khác hơn.
Tuy nhiên, một số cha mẹ ngày nay cũng lại rơi vào tình trạng không lối thoát, bắt buộc phải “qua bển” khi con cái yêu cầu, nhất là những người còn khỏe.
Đôi lúc không phải con cái ép cha mẹ, mà cha mẹ tình nguyện giúp hoặc con cái tạo điều kiện cho cha mẹ đi để biết đây biết đó, mai kia yếu quá, làm sao đi được nữa! Tấm lòng thơm thảo của con cái như bát nước đầy, nhưng “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”!
- Xem thêm: Hưởng thụ tuổi già
Một nhóm bạn về hưu (ngày xưa toàn là các sếp) lâu lâu có dịp gặp nhau, náo nức lắm bởi có mấy ông bà vừa đi nước ngoài về.
Vừa gặp nhau, mọi người chưa kịp chúc mừng một ông nổ phát pháo đầu tiên: “Tôi chừa tới già không đi đâu nữa!”. Ông kể chuyện sáu tháng ròng rã ở xứ người mà ai nấy đều thấy hãi hùng, nhất là cái khoản trời lạnh.
“Cái xứ gì mà mới nắng đó, vừa cởi cái áo khoác ngoài thì trời sụp xuống, lạnh như cắt da. Buổi sáng thấy trời hưng hửng, hăng hái chạy bộ ra công viên, chưa được nửa đường bỗng có mưa lắc rắc, rồi nhiệt độ hạ xuống đột ngột, hỏi sao không bệnh? Mang tiếng ở New Zealand sáu tháng chứ tôi có biết gì đâu. Chỉ thấy ngày dài lê thê, đếm từng giờ để được trở về. Thương cháu ngoại lắm, biết là mình về thì mẹ con nó cực nhưng thực sự tôi không chịu nổi!”.
Thì ra ông vừa đi chăm cháu ngoại về. Vợ chồng con gái ông hiện sống ở New Zealand mới có con nhỏ.
Khi con gái sinh, vợ ông phải nghỉ phép sang với cháu một tháng, rồi đến phiên ông đổi ca. Không nói về những khó khăn thời tiết, khí hậu, nhưng nghe ông kể lịch sinh hoạt của già và trẻ đã thấy không phù hợp.
Ở nhà, ông có vợ lo cơm nước, sáu giờ chiều ăn cơm để tối còn ngủ sớm, còn ở nước ngoài ông phải theo con cái, không đêm nào được ngủ trước mười hai giờ.
Riêng việc phải thức khuya đã thấy mệt, chưa kể cháu ngoại bị chứng khóc đêm khiến suốt ba tháng đầu, hầu như đêm nào ông cũng phải thức thay phiên bế cháu cho mẹ nó chợp mắt một chút.
Với các bà, tuy thuận lợi là có “tay nghề” chăm sóc cháu nhưng vẫn có nhiều nỗi khổ, nhất là khi con rể là người bản xứ, khiến mẹ vợ và con rể chẳng thể có tiếng nói chung.
“Nó đi làm về, gì cũng vợ, muốn nói gì với mẹ lại quay qua nói với vợ, thậm chí không nhìn mặt mình nữa. Mình là mẹ vợ, trông con cho nó mà thấy nó lạnh lùng thế nào ấy. Mang tiếng đi Mỹ, thủ tục xin visa nhiêu khê trăm thứ, ban đầu háo hức lắm, vậy mà chỉ biết có loanh quanh trong thành phố, chỉ một lần được chúng nó đưa đi chơi Las Vegas nói là cho biết với người ta. Tôi còn may mắn ở nơi khí hậu ôn hòa, chứ có bà bạn qua New York vào đúng mùa đông phải bỏ của chạy lấy người ngay vì bà bị thấp khớp!”.
Đó là trường hợp những gia đình có điều kiện “qua bển” chăm cháu, ở Việt Nam hiện nay không thiếu những ông hay bà nuôi cháu giúp khi cha mẹ cháu đang bận học tập ở xứ người.
- Xem thêm: Lo thì lo cả đời!
Một bà than thở tết năm nay hầu như không đi đâu được vì cháu ngoại mới có sáu tháng. Con gái bà đang làm hạc sĩ ở Úc, không còn cách nào hơn là phải ôm cháu cho mẹ nó chú tâm việc học hành.
Bà không biết phải chăm đến bao giờ, vì có vẻ như mẹ nó chưa muốn dừng lại. Trong lời than vãn thấy có cả chút tự hào và sự trìu mến yêu thương gửi vào cháu ngoại nữa.
Cũng lại có trường hợp bà ngoại phải tình nguyện đi học theo con để trông cháu ngoại còn quá nhỏ…
Gì thì gì, đó vẫn là một hạnh phúc của người làm cha mẹ khi có con cái thành đạt, cho dù phải làm ôsin. Không chỉ vì tình thương yêu của quy luật “nước mắt chảy xuôi”, mà quan trọng là không ôsin nào có thể thay thế ông bà tuyệt vời hơn.
Họ quan niệm, còn khỏe ngày nào, giúp con được thì giúp, một đời con người tất thảy vì con, hết con rồi đến cháu cho đến cuối đời. Nước nguồn cứ thế xuôi mãi…