Giữa những trao đổi bất tận về mua-bán-lời-lỗ, mỗi khi câu chuyện bất chợt xoay quanh vấn đề con cái thì phần lớn doanh nhân chúng tôi đều đi đến kết luận là việc quản lý hàng trăm công nhân có khi không khó bằng quản lý một hoặc hai… quý tử của mình.
Nếu trong công ty, một lời nói, một yêu cầu của chúng tôi thường được chấp hành một cách nhanh chóng và nghiêm chỉnh thì ở nhà lắm lúc mọi việc đều ngược với mong muốn của mình.
Hễ một người cộng sự làm sai quấy, chúng tôi có thể lập tức mời lên đối thoại thẳng thắn, nhưng về tới nhà mà hay tin “cu Bi” hay “bé Ti” phạm lỗi tày trời thì có khi vợ chồng phải ngồi lại to nhỏ bàn bạc kỹ lưỡng trước khi ra “nghị quyết” phải có thái độ thế nào cho thích hợp.
- Xem thêm: Ai trồng khoai đất này!
Một đồng nghiệp của tôi sau chuyến đi ký kết hợp đồng tận trời Âu, mang về cho công ty khoản lợi nhuận hứa hẹn cả trăm ngàn đôla, bước chân về đến “tổ ấm” đã hoàn toàn hụt hẫng khi được tin cậu con trai duy nhất vừa mới tốt nghiệp đại học đã bỏ nhà đi biệt dạng.
Mẹ cậu vì tương lai con em chúng ta đã lên chương trình hành động rõ ràng cho con: đi du học ở Mỹ và chỉ về nước với tấm bằng tiến sĩ trong tay cho bằng anh bằng em.
Khổ nỗi cậu đang bị trúng mũi tên của thần Cupid – thần tình yêu theo thần thoại Hy Lạp – nên không muốn xa người yêu. Không sao lay chuyển được ý định của mẹ, cậu bèn sử dụng đến chước thứ 36 mà cả bố lẫn mẹ đều cho là… hạ sách.
Chạy đôn chạy đáo, tìm kiếm khắp nơi vẫn bóng chim tăm cá. Cậu con rời nhà không mang theo tiền bạc nên bà mẹ càng hốt hoảng, lo sợ con mình túng cùng sẽ làm liều nên muối mặt nhờ đến truyền hình với câu nhắn tin quen thuộc: “Con ở đâu về gấp, ba mẹ tha thứ mọi lỗi lầm”.
Đến khi đó ông chồng đau khổ mới gầm lên với vợ: “Cô nên sửa lại là: con hãy tha lỗi cho ba mẹ!”. Thế là ngoài nỗi lo lắng về con lại bùng nổ thêm chiến tranh giữa ông bố và bà mẹ.
Trông người mà ngẫm đến ta, giật mình nhớ lại đôi khi chính mình cũng vì muốn con “nên người” mà cả vợ lẫn chồng đều dứt khoát truất quyền tự do ngôn luận và nhất quyết buộc con trẻ phải theo ý mình. Đó là bài học xương máu mà vợ chồng tôi rút ra qua kinh nghiệm của anh bạn.
Còn về việc phải dạy cho con quen lao động thì vợ chồng lại một phen cùng nhau nghiêm túc kiểm điểm. Thật ra điều này không có gì mới, ai cũng biết cả rồi, nhưng không phải ai cũng… nhớ.
Ở nhà hễ vợ sai con gái rượu xuống phụ chị Hai làm bếp thì bố lại chặc lưỡi: “Coi chừng không khéo bị phỏng dầu hay nước sôi thì chết… tôi!”. Bố sai cậu con đích tôn đi lo công việc thì mẹ lại ngăn: “Xe cộ đầy đường, để bác tài đi cho”.
Thế là cậu ấm cô chiêu cứ an tâm ôm cái máy mà chat. Quả thật trách nhiệm của mình sờ sờ ra đó, thế mà lâu nay cứ than phiền bọn nhóc lười biếng, ỷ lại, trong khi rõ ràng mình ít quan tâm dạy cho con yêu lao động!