Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và hướng đến hoạt động sản xuất không tai nạn lao động là những mục tiêu được ông Trương Anh Hải, Phó tổng giám đốc của NS BlueScope Việt Nam chia sẻ nhân dịp công ty công bố triển khai chương trình nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an toàn vệ sinh lao động tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được biết sau thành công tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm đến thứ hai của chương trình. Xin ông chia sẻ thêm về những nội dung cụ thể của chương trình?
An toàn lao động là một chủ đề rất rộng nên với thời lượng chỉ 12 tháng, chúng tôi định hướng xây dựng chương trình tập trung vào hai mục tiêu chính:
– Thứ nhất là nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động của lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam có một thực tế trái ngược với các quốc gia phát triển trên thế giới. Khi tai nạn xảy ra, chủ doanh nghiệp thường nói do nhận thức của người lao động kém, nhưng thực ra đó là hệ quả của tổ chức.
Ở các nước phát triển, công tác an toàn lao động bắt đầu từ người lãnh đạo doanh nghiệp với vai trò là người định hướng, xây dựng môi trường an toàn cho doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp ở các nước này có thể ủy quyền mọi vấn đề ngoại trừ an toàn lao động, vấn đề về tính mạng con người.
Và cũng chỉ khi lãnh đạo doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của an toàn lao động thì họ mới đầu tư bài bản cho công tác này để bảo vệ người lao động, để họ cống hiến vì mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
– Nội dung thứ hai chúng tôi muốn hướng đến là xây dựng một diễn đàn chia sẻ, tương tác cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, NS BlueScope Việt Nam sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp chia sẻ những gì đã làm tốt và chưa được tốt, từ đó cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất có thể áp dụng cho doanh nghiệp mình.
Việc nâng cao nhận thức an toàn lao động của doanh nghiệp cũng là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy trong khuôn khổ chương trình này, NS BlueScope Việt Nam sẽ làm gì để nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động của lãnh đạo doanh nghiệp?
Chương trình của chúng tôi bao gồm một chuỗi các hội thảo với nhiều chuyên đề khác nhau. Trong đó, chúng tôi đưa ra những ví dụ điển hình, những mô hình mà thế giới đang áp dụng cũng như kết quả đạt được từ những mô hình này để các doanh nghiệp tham gia hội thảo cùng “mổ xẻ”, phân tích.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc thù là đại đa số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nặng – một ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động, nên chúng tôi tập trung vào các chủ đề thiết thực như: Làm sao để chống ngã cao, làm thế nào để quản lý hiệu quả công việc với các nguồn năng lượng nhằm không gây tác động có hại hay tai nạn chết người. Cuối cùng là giới thiệu các hệ thống an toàn để người lãnh đạo có thể đánh giá được độ tin cậy của hệ thống.
Nội dung chương trình sẽ được chúng tôi tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu cũng như lắng nghe ý kiến, góp ý từ phía doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Có một thực tế là các doanh nghiệp có tâm lý “ngại” chi cho hoạt động quản lý an toàn vệ sinh lao động. Vậy ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp?
Các công ty, tập đoàn nước ngoài đều hiểu khi một tai nạn xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động và kinh doanh của mình, bên cạnh các chi phí trực tiếp như chi phí điều trị bồi thường, sản xuất đình trệ, chi phí điều tra sự cố…, còn có các chi phí gián tiếp, vô hình lớn hơn như uy tín công ty, tái đào tạo, tái tuyển dụng, giá cổ phiếu giảm… Vì vậy, việc đầu tư vào hệ thống an toàn lao động sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều lần chi phí rủi ro không đáng có.
Khi người lao động được làm việc trong một môi trường sạch sẽ, thông thoáng, an toàn thì bản thân họ cũng sẽ thay đổi ý thức, phù hợp với môi trường. Hay nói cách khác, ý thức bắt nguồn từ môi trường và người lao động sẽ có ý thức khi người chủ doanh nghiệp đầu tư để họ thay đổi môi trường làm việc an toàn hơn. “Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó” đã là cách suy nghĩ ăn sâu vào máu của người sử dụng lao động Việt Nam và chúng ta cần thay đổi để hướng đến một văn hóa an toàn mang tính nhân văn và dài hạn hơn.
Xin cảm ơn ông!