Nóng giận là trạng thái tự nhiên của mỗi con người. Có thể thấy, không ai biết trước được cơn giận sẽ đến với mình như thế nào. Nhiều khi chỉ là một tình huống rất vu vơ, không giữ bình tĩnh được, cái sảy nảy cái ung. Buổi sáng đi làm, tâm hồn phơi phới, bao nhiêu kế hoạch cần phải thực hiện mà “tiết mục” nào cũng vui.
Vậy rồi, chẳng hiểu lý do gì, những chuyện “trời ơi” ập đến khiến không kiềm chế được cơn giận. Người bình tĩnh, nuốt cục giận xuống, uống ly nước, lắc đầu cho qua để làm việc. Người nóng tính, càng nghĩ càng thấy “căm” đối tượng gây ra cho mình sự phiền não. Vậy là nổ tung!
Chuyện rất nhỏ, trời nóng, đi làm về mệt, khát nước, muốn uống ly nước mát, thế nhưng mở tủ lạnh ra, chai nước nào cũng không còn một giọt; đã thế sàn nhà đầy bao bì vỏ bánh kẹo, nhà bếp một thau chén bát dơ chưa rửa… Rất dễ hình dung cơn giận sẽ như thế nào sau đó.
Tính nóng là do trời sinh. Ai cũng biết, khi nổi nóng trái tim là chỗ chịu và bị đe dọa. Các chuyên gia tâm lý còn cho rằng, sự tức giận nếu dồn nén lâu ngày có thể gây ra chứng trầm uất. Một người ở trạng thái tức giận có nghĩa là sự giao tiếp với một người nào đó hay một sự việc nào đó có vấn đề.
Vậy thì làm thế nào để hóa giải một cơn giận? Nổi nóng hoài trái tim sao chịu nổi?
Người ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt, khuyên người trong cuộc hãy bình tĩnh, bỏ qua, hít thở sâu, tập trung suy nghĩ vào hơi thở để giảm bớt cường độ căng thẳng; nhắm mắt và tưởng tượng mình đang làm một cái gì đó rất thư giãn như đi trên bãi biển, đang nằm ngửa trên mặt nước, lặp đi lặp lại trong đầu ba chữ “hãy bình tĩnh” nhiều lần…
Nói hay khuyên người khác thì dễ lắm, nhưng đến khi rơi vào mình, chưa chắc đã thực hiện được việc kiềm chế cơn giận.
Có người còn khuyên, vũ khí “hạ hỏa” tuyệt vời nhất là hãy nghĩ ra một điều gì đó khôi hài, tỉ như, nhìn thẳng vào đối tượng và tưởng tượng nếu họ không có một mảnh vải che thân trên người thì sao nhỉ? Chắc là ngoạn mục lắm đây… Tất nhiên điều này cũng chỉ là lý thuyết hay dành cho người thật bình tĩnh, biết kiềm chế. Còn thì, đúng là khó!
Lại có người khuyên, một chiếc xe chạy an toàn là một chiếc xe có thắng tốt. Người khôn ngoan biết thắng lại đúng lúc. Dừng lại, bỏ qua và tha thứ. Lẩm nhẩm trong đầu, bỏ đi, một sự nhịn, chín sự lành… Thế nhưng, đâu có dễ khi cơn nóng giận lên đến đỉnh điểm, quyết làm cho ra ngô, ra khoai luôn, cho “nó” một bài học để không lặp lại lần nữa. Quả đúng vậy, làm gì có lần sau khi cả hai cùng ngoảnh mặt, thề “quyết không đội trời chung”.
Chống đỡ với cơn giận luôn là một việc rất khó khăn với bất kỳ ai, độ tuổi nào. Việc người thì sáng, việc mình thì quáng, nói lời khuyên người khác thì dễ, đến phiên mình, có khi còn bùng nổ lớn hơn.
Thôi thì, chuyện xảy ra rồi, chỉ còn biết cách tự an ủi, rút kinh nghiệm, lần sau sẽ không vậy nữa. Nhưng rồi, không ai lường được có lần thứ hai, thứ ba, thứ n… nữa không.
Con người học bài học cuộc đời đến già vẫn chưa xong bài rút kinh nghiệm, có khi nhiều quá, không còn chỗ chứa trong ổ cứng đời người nữa mới thôi. Lúc này “thấm” rồi, biết rồi. Ngẫm lại, sao mà hồi ấy mình lại như vậy, chuyện có gì đâu…
Bao giờ cũng vậy, khi nhìn lại luôn luôn là trạng thái đôi lúc gây xấu hổ hay thậm chí muốn tìm lại “người cũ” để nói lời xin lỗi.
Nhưng thật ra, có khi “người cũ” ấy cũng đã quên và bỏ qua lâu rồi, chỉ có người gây ra chuyện là mình mới bị dằn vặt thôi!
Cuộc đời là bức tranh đầy màu sắc. Nhìn ngắm bức tranh đời mình, toàn thấy gam màu tối mà chủ yếu do mình vẽ nên; quả thật, nói lên câu làm lại thì đã không còn cơ hội. Cuộc sống có dừng lại cho mình nói điều hối tiếc đâu?