Đúng là bây giờ nhiều người đi đâu nếu điện thoại quên mang dây sạc và nơi nào không có sóng wifi thì coi như… cuộc đời thảm họa. Sống… không biết làm gì. Rồi tự than thở rằng mình biến thành kẻ “ngu lâu khó đào tạo, đần… truyền kiếp”.
Cô vợ trẻ than: “Đành rằng biết kinh doanh là phải quảng cáo, nghề của họ, nhưng mà quá lắm, mở Phây ra em dành 15 phút để giết quảng cáo lia lịa, giết như ngả rạ dọn dẹp sạch chiến trường đã. Bấm cả dấu X ở góc phải quảng cáo kể cả “nhóm mua gần bạn trên FB” mà nhiều người hay chia sẻ những quảng cáo nhảm nhí”.
Rồi cô ấy thở dài: “Hy vọng thoát quảng cáo rác timeline, nhưng kiệt sức vô ích. Bởi công cuộc kiếm tiền đã buộc những người kinh doanh – cả chuyên nghiệp lẫn ất ơ, cả thương hiệu lớn lẫn đám nhí nhố, mà kể cả đám “ăn ghẹ thông tin” (công nghệ thông tin) cũng phát tán vô tội vạ trên internet. Em hết hy vọng vì họ thì “đông như quân Nguyên” còn ta chỉ có một mình”.
Chồng bảo: Em nhận thức sớm vậy là đúng. Sớm nay anh cần tra cứu tìm đọc về Capilano Univ – một đại học được xếp hạng thứ 68 ở mãi tận Canada thì thấy ngay cái anh “Phở Thìn” đã kịp chui lọt vào đó.
Còn con em chúng ta đi học đại học thì bị ám ảnh công nghệ đến nỗi chúi vào học kỹ thuật, học digital, còn quay lưng phản đối những môn như văn hóa, nghệ thuật, triết – sử. Họ không hiểu rằng kỹ thuật chỉ là phương tiện và ngày nay thiên hạ ai cũng thông minh cả, tài năng kiến thức thì na ná nhau cả thôi, ăn nhau ở cái vision tầm nhìn ý tưởng. Cái đầu phải nghĩ ra cái gì cho cái tay nó “digital ra trên mạng” chứ.
Chả thế có vị giáo sư nước ngoài bảo, đại học Việt Nam sở dĩ thất bại vì ba lý do: Một là như một ốc đảo không tương tác với xã hội và với kỹ nghệ mới, hai là lẫn lộn với dạy nghề cao đẳng và ba là coi nhẹ, có nơi không có các môn khai phóng (liberal studies) như nghệ thuật, văn hóa, văn học…
Gớm, nghe hai vợ chồng nhà ấy nói chuyện với nhau… “chả khác gì… mạng”. Mối bận tâm bây giờ là làm sao tránh được, làm sao sống sót giữa biển tin phịa và làn sóng digital bủa vây. Nghe đâu ngay văn phòng Nhà Trắng Mỹ hiện đại thế cũng có lúc dính tin giả về cơn bão năm nào. Nói gì đến các anh hùng cào bàn phím động tí nóng máu phán chửi bừa bãi ngu dốt. Biết tí nói thành trăm, thành nghìn. Sợ quá. Có người còn hài hước: nay tui thành khẩn tập trung suy nghĩ, tập trung nhận thức giựt tóc móc mắt tự kiểm rằng mỗi ngày đội quân seller của tui nhắn khoảng trung bình 14 tin bán nhà vào 20 triệu điện thoại của cư dân đô thị.
Trời ơi, kinh quá, thế làm gì mà hễ lên mạng ta chẳng xóa, giết như ngả rạ mà đâu có thoát. Thỉnh thoảng nghe máy ting ting, vớ vội xem có phải ngân hàng báo tài khoản vừa nhận tiền lương không, thì hóa ra “Em Nhàn nè”. Mắc lừa tưởng người quen nhắn bèn xem tiếp thì hóa ra “Em có bán đất nền… bla bla bla…”. Lúc biết bị lừa mới quẹt biến cái rụp. Rồi nghĩ cũng tội cho cô em nào làm nghề giữa trưa gọi điện thoại “Bên em có…” liền bị cắt và nguyền rủa. Sao các hãng không nghiên cứu là người dân không bao giờ chịu nghe như vậy đâu, mà cứ bắt các em làm cái việc biết chẳng hiệu quả gì.
Hay là giống như rải quảng cáo bán đất, cho mượn vốn… cứ đứng ngã tư đèn đỏ giúi vào tay người dừng xe. Chỉ cần khi đèn xanh bật lên, dòng xe lao đi, để lại giấy vứt trắng ngã tư, khổ người quét rác. Sao họ biết người ta vứt đi mà vẫn cứ làm nhỉ?
Em ơi, người ta nghĩ dù 10 người vứt đi mà chỉ cần một người giữ lại tò mò đọc cũng là hiệu quả rồi…
Bàn luận mãi, vợ bảo, thôi bọn mình chỉ có mỗi người một cái đầu, cứ lo nghĩ mãi như trên mạng thì chỉ có lên tăng-xông. Nhưng mà khổ quá, sao không buông máy đi, mà lại cứ lúc nào cũng thấy không có wifi là đời khủng hoảng… Chả biết có cách gì hay hơn?