Từ thành phố Sơn La, theo quốc lộ 279 mới được thảm nhựa phẳng lì, đoàn chúng tôi đi 70 cây số nữa là đến huyện lỵ của Quỳnh Nhai – huyện cực bắc tỉnh này. Đó là một thung lũng khá rộng, hai bên là vách núi cao và có nhiều con đường dẫn đến trung tâm của thị trấn.
Từ trên đỉnh núi cao nơi đặt trạm khí tượng thủy văn, mọi người nhìn bao quát toàn cảnh thị trấn đỏ một màu ngói mới với san sát nhà cửa, phố xá và dãy biệt thự khá đẹp. Cũng từ trên đỉnh núi này, quay ra sau 180 độ du khách thấy toàn cảnh sông Đà thơ mộng trong làn sương khói. Một bản người Thái nằm trên gioi đất như một bán đảo trải dài ra giữa lòng hồ. Nhiều nhà đầu tư đã lăm le lấy đất này xây resort nhưng người dân trong những nếp nhà sàn đẹp như tranh vẽ đã kiên trì đấu tranh với chính quyền để bám trụ.
Không chỉ có cảnh đẹp, dừng chân ở Quỳnh Nhai ngắm cảnh sinh hoạt của người dân trên sông Đà cũng khá thú vị. Từ ngày có thủy điện, nghề đánh cá đã phát đạt. Buổi chiều, tại cảng cá nơi xưa kia là bến phà, các thuyền đánh cá trở về mang nặng chiến lợi phẩm. Nghe kể có những con cá nặng tới ba chục ký. Còn buổi sáng thì chỉ thấy đâu đâu cũng phơi cá, loại cá bé bằng hai ngón tay nghe nói ăn hơi đắng nhưng dùng làm “lương khô” cho bà con sống trên núi cao thì tuyệt. Xa xa đi ngược về phía thượng lưu là cây cầu Pá Uôn có các cột trụ cao nhất nước, tới 105m.
Trên đường về thành phố Hòa Bình, đoàn đi ngang một vùng nước xanh. Ở đó có bến Vạn Yên cảnh sắc mê hồn nhưng dân du lịch ít biết vì bến đò không nằm trên tuyến đường chính. Chặng Hòa Bình – Sơn La người ta hay đi quốc lộ mới, qua Mai Châu, Mộc Châu đường sá mới tinh. Chúng tôi thì ham đường, qua vùng nào là cứ muốn vòng vèo hết các tỉnh lộ huyện lộ, nhờ vậy mới gặp bến nước này.
Đường tới Vạn Yên cực kỳ đẹp. Từ Sơn La xuôi quốc lộ 6 về Hòa Bình, tới ngã ba Hát Lót có quán dê núi rất ngon thì nhớ rẽ trái lên núi, lên đường đi Bắc Yên. Bắc Yên trên núi, đi quá Bắc Yên đường hạ dần xuống sông Đà. Bên phải là núi, bên trái là sông, bên kia sông lại núi, đường đi cứ quanh co dưới những tán lá xanh ngắt, lúc nắng thì lấp lánh màu lá màu vàng rơm rạ màu nước thẫm lá mạ, lúc mưa thì mù giăng kín sông dập dềnh lãng đãng. Lúc tới khúc quanh lại có xóm chài, xóm nào cũng giăng vó cá tràn mặt sông, mà vó thì ánh sắc đỏ soi bóng cả một vùng nước biếc.
Xe leo lên đồi đất nhỏ cạnh bến, tới ngôi nhà ông lái đò ngang. Chúng tôi thuyết phục mãi ông cụ mới chịu đi thuyền dọc sông, ổng bảo trước giờ toàn chở khách “sang ngang” chứ chưa bao giờ đi đò dọc. Không sao, có mỗi một đường xuôi về bến Nánh không lo lạc. Đi thuyền trôi theo sông bao giờ cũng sảng khoái, huống chi lại là một đoạn sông đẹp như thế này. Giữa mây trời non nước, sông ở trên núi, ngách nhỏ chưa chắc là ngách cụt mà nước rộng chưa chắc là nước thông. Con đò dẫn chúng tôi lạc vào đâu đó, chịu chẳng biết là đâu, đành nhìn mái nhà xa xa mà đến. Thế mà cũng đã gần chiều.
Đò tấp vào bên bờ, giữa vùng lau sậy, mọi người nhảy lên mấy gốc gỗ để rời đò. Có mấy hảo hán, chính xác là ba anh đang ngồi xổm trên một thân gỗ. Các đại hán hỏi đi đâu, đến đây hết đường rồi, có mua gỗ chúng anh bán mà có ăn cơm chúng anh nấu cho. Trên ngôi nhà sàn, lấp ló thấy bóng phụ nữ, chắc nghe thấy chuyện cơm nước bèn ra ngó. Các đại hán sơn tràng này, gấu thì vẫn gấu mà lành thì vẫn lành như đất. Chúng tôi mời các anh mấy lon bia, hỏi đường đi sao cho kịp về tỉnh lỵ trước khi trời tối. Lời chỉ đường mỗi anh nói một vài từ, chắp lại thì thành câu…