Tin một người mẹ quanh năm suốt tháng chỉ xách giỏ đi chợ, chưa hề biết một ngày du lịch, cũng không se sua chưng diện như các bà mẹ cùng thời bị vỡ nợ, chủ nợ đến nhà làm ầm ĩ khiến bạn bè ai nấy ngơ ngác hỏi nhau, bà ấy làm gì mà ra nông nỗi vậy?
Cũng may là khoản nợ không lớn lắm, chỉ 300 triệu đồng và con trai chị này có thể giúp mẹ được. Nhiều câu hỏi đặt ra, người ngoài cuộc nghiêng về giả thuyết có thể chị chơi số đề hay bị giật hụi. Chơi hụi, đánh đề dễ mê hoặc những bà nội trợ chỉ biết quanh quẩn gia đình.
Có thể thấy không ít bà mẹ hiền lành sa vào những cái bẫy đó. Người thân, bạn bè chẳng thấy họ làm ăn to lớn gì nhưng đùng một cái mang tiếng nợ nần.
- Xem thêm: Những “bà mẹ bao cấp”
Một bạn trẻ kể chuyện lần đó mẹ cậu bị vỡ nợ khi trong gia đình cha cậu là lao động chính bị thất nghiệp và hai anh em cậu chưa xong đại học.
Lý do nợ nần là mẹ vay tiền nuôi con ăn học và duy trì sinh hoạt gia đình như trước kia khi chồng làm ra tiền. Mẹ cậu không có tính tiêu xài hoang phí nhưng bà luôn muốn gia đình, con cái cơm ăn, áo mặc, học hành không thua kém bạn bè.
Thời ông chồng làm ăn khá, bà chi hơi mạnh tay hơn những bà mẹ cùng thời, cùng hoàn cảnh (không giàu nhưng ổn). Khi chồng mất việc, bà vẫn quen nếp cũ, không để con cái phải thiếu thốn.
Hai người con quen nếp có mẹ lo toan nên cứ vô tâm hưởng thụ. Lại thêm ông chồng nản chí, không thiết làm gì càng không quan tâm đến sinh hoạt hằng ngày của gia đình, lo toan cho con cái.
Người mẹ không đành nhìn chồng con thua thiệt, cuối cùng bà sa vào cảnh nợ nần mà chủ yếu chỉ để ăn và các con học hành. Lãi mẹ đẻ lãi con. Cuối cùng số tiền nợ quá lớn, không còn khả năng trả nợ, gia đình phải bán nhà.
Bán nhà xong, chồng không còn tin tưởng vợ, các con thất vọng về mẹ mà không hề nghĩ ngược lại vì sao mẹ sa vào hoàn cảnh như vậy!
Tiền bán nhà lớn, mua nhà nhỏ, chồng và các con quản chặt, người mẹ nhận tiền chợ mỗi ngày. Mãi đến khi có gia đình ra riêng, người con – là bạn trẻ kể trên – mới hiểu được nỗi oan của mẹ.
Cậu tìm cách bù đắp cho mẹ nhưng đã muộn. Nhiều năm sống trong sự coi thường của chồng và sự oán trách của con cái, bà mẹ đâm ra nhút nhát, rụt rè luôn trong tâm trạng người có lỗi.
- Xem thêm: Bữa cơm mẹ nấu
Ai cũng biết, người vợ là tay hòm chìa khóa trong gia đình. Có những người vợ cả đời chắt chiu không dám tiêu pha gì cho riêng mình, chỉ biết lo toan cho chồng con.
Cũng có những người vợ tiêu xài hoang phí, lấy tiền bạc thỏa mãn những đam mê riêng, thậm chí không lành mạnh, làm khổ chồng con.
Lại cũng có những người vợ, người mẹ như hai trường hợp trên – nợ nần mà họ gây ra chỉ vì thương chồng con một cách không tỉnh táo để rồi cái nhà cũng không giữ được.
Nhưng có những ông chồng trước hoàn cảnh đó đã thông cảm, chia sẻ, an ủi vợ, không để cho vợ mặc cảm, tủi thân hay quẫn trí.
Một bà vợ kể chuyện, cũng do vụng tính, không biết “liệu cơm gắp mắm” dẫn đến nợ nần không trả nổi. Ngày bán ngôi nhà mặt tiền mua nhà nhỏ trong hẻm để trả nợ, bà không dám nhìn mặt chồng con, chỉ muốn chết phứt cho xong vì nặng lòng với ý nghĩ do mình mà con cái phải tủi hổ.
Thế nhưng, ông chồng đã luôn bên cạnh vợ trong giai đoạn khó khăn đó. Ông hỏi ý kiến bà về mọi việc khi bắt đầu cuộc sống trong ngôi nhà mới, không một lời cay nghiệt, nhờ thế gia đình dần trở lại ấm êm.
Xem ra, tha thứ luôn là sự cứu rỗi, không chỉ cho người vợ, người mẹ mà còn cho những năm tháng sau này sẽ không hối tiếc…