Khi làm nhà, hầu như ai cũng quan tâm đến “cái mặt tiền”, xem hình thức thế nào, kiểu dáng ra sao… Dù đây cũng là một nhu cầu chính đáng, nhưng nếu xét về phong thủy thì lại có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà.
Vậy nên, dưới góc nhìn toàn diện hơn, một không gian sống đảm bảo phong thủy và thẩm mỹ từ trong ra ngoài không chỉ nhờ một vài mặt đứng tiếp xúc với chung quanh.
Thói quen xây nhà quá chú trọng vào mặt tiền có thể được hình thành từ sự hạn chế về kinh phí, do nhu cầu giao tiếp, kinh doanh, hoặc chỉ là muốn khẳng định dấu ấn… của thời hiện đại.
Việc “chuộng hình thức” này tuy không đến mức đáng phê phán, nhưng vô tình dẫn đến tình trạng “nhất bên trọng – nhất bên khinh” của gia chủ và cả giới chuyên môn.
Từ đó sẽ bỏ qua các điểm cốt lõi khác cần quán xuyến nhiều hơn để có được ngôi nhà đẹp và hài hòa về phong thủy.
Các tác động từ bên ngoài
Khi ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ bên ngoài ngày càng cao thì phần mái nhà, khoảng giếng trời hướng lên trên và mở cửa vào sân bên trong chính là các “mặt đứng” khác của nhà phố đô thị.
Lỗ trống cầu thang và khoảng phía sau cũng là các khoảng kết nối khí theo chiều xiên không thể xem thường. Tính chất Âm Dương, đặc rỗng mỗi ngôi nhà còn phụ thuộc vào ngoại cảnh tác động.
Nếu nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh bao bọc thì ở những hướng khí hậu tốt nên làm mặt ngoài có mảng rỗng nhiều hơn đặc để kết nối với thiên nhiên.
Gọi là rỗng nhưng thực ra vẫn có khoảng đệm (như hàng hiên, mái vươn xa, cửa chớp…) chứ không thoáng hoàn toàn nhằm giảm bớt tác động trực tiếp (mưa tạt, gió lùa, nắng xiên).
Ta có thể thấy những ngôi nhà ở miền khí hậu nóng khô (sa mạc Trung Đông, Mexico…) dù chung quanh trống nhưng vẫn phải làm rất “đặc” bằng tường bao kín chung quanh để giảm tác động xấu của môi trường khắc nghiệt. Hình thức mặt đứng của những ngôi nhà xứ đó có đặc trưng riêng, ít thay đổi đột biến được.
Những yếu tố kể trên quyết định đến hình dáng bên ngoài của ngôi nhà mà nếu chỉ căn cứ đơn thuần về mặt hình khối, tỷ lệ duy mỹ thì sẽ là một dạng “chạy theo hình thức”, thiếu hài hòa môi sinh và cảnh quan. Xét cho cùng thì đây là tương quan Âm Dương giữa không gian trong và ngoài.
Nhà hiện đại thiết kế bền vững hầu như không còn chạy theo khái niệm mặt tiền kiểu trang trí nữa, mà chỉ là sự biểu hiện ứng xử với khí hậu, cảnh quan, bao cảnh lân cận, ví dụ như nhà hướng nắng gắt thì phần “mặt tiền” chỉ toàn thấy mái che và hệ lam, nhà nhìn ra biển thì nhẹ nhàng và thoáng mở tối đa, nhà kề cận công trình di sản xưa thì cố gắng không đối lập về hình thức với công trình di sản… Tất cả đều hợp với quan niệm văn hóa truyền thống: đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Quan hệ hình thức và công năng
Không bàn đến kiểu làm nhà đi cóp nhặt mỗi nơi một kiểu, chỉ tính riêng nhóm công trình có quan tâm đến thiết kế, thi công và đầu tư bài bản thì đã có hai quan niệm trái chiều về mặt tiền: hoặc quan niệm “hình thức phải đi từ công năng bên trong”, và nhóm kia thì cho rằng “hình thức cũng là một dạng công năng”.
Nhóm thứ nhất phê phán việc chạy theo mặt tiền sẽ dẫn đến xử lý nhiều chỗ theo kiểu “đồ giả”, không khớp với công năng bên trong, chỗ cần thì không mở cửa được, hoặc kiểu tạo mảng kính lớn bất chấp bên ngoài là hướng gì, nắng gió ra sao.
Còn nhóm thứ hai lại lập luận rằng mỗi kiểu nhà đã có những cấu trúc, ký hiệu, thành phần cốt lõi để đảm bảo tính thẩm mỹ và sự nhất quán về phong cách, chấp nhận nhà cổ điển thì phải có mái tam giác, gờ chỉ, vòm cong…; còn theo gu hiện đại thì hợp với mảng miếng lớn hoặc giao khối mạnh mẽ. Những điều này làm nên trường phái, gu thẩm mỹ phổ biến mà cả thế giới đều theo đuổi lâu nay.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tham khảo phong thủy truyền thống để có cách nhìn trung hòa vấn đề. Theo Dịch Lý Đông phương, đặc điểm về phong thủy mặt ngoài nhà của cha ông ta có thể tóm tắt như sau:
– Cấu trúc bên trong thể hiện ra bên ngoài: dù nhiều chi tiết kiến trúc cổ điển còn nặng tính trang trí, nhưng không trái ngược với công năng tương ứng.
Ví dụ hàng cột hiên chống đỡ mái, tạo khoảng đệm chuyển tiếp âm dương theo nhu cầu khí hậu và giao tiếp, chứ không làm cột giả (tức là cột không có vai trò chịu lực hoặc phân chia không gian, chỉ cấy thêm vào vì nhu cầu trang trí).
- Xem thêm: Trước sau như một?
– Mặt tiền, chi tiết nhà cửa biểu hiện văn hóa trọng Âm: cũng là đặc trưng của văn hóa Đông phương qua xử lý nhà cửa như giảm nắng gắt nên mái vươn ra xa, hàng hiên rộng, vật liệu rỗng xốp giúp thông gió và che chắn tốt hơn…
Tất cả các đặc tính này được dạng “nhà Tây” xử lý rất khéo, kết hợp với kỹ thuật và kiểu dáng của họ khi du nhập vào Việt Nam khiến nhiều gia chủ thế hệ sau lầm tưởng là “nhà Tây” chuẩn mực Tây phương. Thực ra “nhà Tây” rất nhiệt đới, rất Việt Nam vì có sự tiếp biến, hòa trộn về văn hóa ăn ở để tồn tại lâu dài bên xứ ta.
– Xử lý các mặt chính – phụ tương quan và tương hỗ: Dịch Lý xem trọng thứ tự trước – sau, phải – trái, thuận – nghịch… biểu lộ quy luật vận động của vũ trụ. Nhà hướng nào thì mặt đó là chính, hai bên trái – phải tương ứng Thanh Long – Bạch Hổ thì hỗ trợ chứ không lấn át chính diện, còn mặt sau làm chỗ dựa nội bộ (Hậu Chẩm) sẽ khác với mặt chính phải giao tiếp đối ngoại nhiều hơn.
Sống chung với mặt trong và mặt trên
Đa phần thời gian con người sống với ngôi nhà trong không gian nội thất, do đó yếu tố tác động của các mảng miếng, cấu trúc, kiểu dáng nội thất thậm chí quan trọng hơn thành phần bên ngoài.
Căn hộ chung cư, hay nhà liên kế mặt tiền giống nhau xây sẵn đều không có mặt tiền riêng, mà gia chủ và giới chuyên môn chỉ tập trung vào xử lý nội thất, từ đó sẽ quyết định gia chủ giữ cái gì, bỏ kiểu gì trong quá trình chung sống mà khi mới làm nhà họ không thể hình dung ra.
Đây chính là ngôi nhà của quá trình tương tác về trường khí giữa nhà và người sẽ dẫn đến Cát Hung theo thời gian trong không gian (thuyết Thời – Không).
Người hợp với hướng A hành B, kiểu C khi Nhập Trạch vào ở sẽ được Cát hoặc gặp Hung tùy thuộc khí chất riêng và cách bố trí, chứ không phải do tác động của kiểu mặt tiền.
Nói cách khác, chính những “mặt đứng bên trong” sẽ phải thay đổi tương ứng khi một đứa trẻ lớn lên, một trung niên già đi, hay con cái ra riêng dựng vợ gả chồng… Còn ngôi nhà có mặt tiền bên ngoài thế nào thì không thể cứ vài năm lại thay đổi cho vừa với sự thay đổi của người ở.
Mặt trên của nhà (biệt thự, nhà phố) cũng là một mặt tiền quan trọng mà thường bị thiếu xử lý, không chú ý tương quan đặc rỗng.
Ngôi nhà hiện đại tích hợp mọi thứ (kỹ thuật, phụ trợ như bồn nước, giàn năng lượng, viễn thông…) nên mặt mái phải chịu nhiều sức ép và khá bừa bộn.
Làm nhà cân bằng Âm Dương chính là xử lý tỷ lệ các thành phần cho mặt trên cùng (mái, sân thượng) được hài hòa, thậm chí trở thành một không gian hướng ngoại đáng giá. Nhà càng dài, hẹp, bị vây bọc chung quanh nhiều thì “mặt tiền nhìn lên trời” này càng quan trọng.
Trong kiến trúc cổ điển (cả Tây phương lẫn Á Đông) đều lưu ý sự cân đối, hài hòa của vùng đặc và rỗng phía trên ngôi nhà, nhất là trong dạng nhà phố hình ống ở Hội An và Hà Nội.
- Xem thêm: Màu sắc mặt ngoài nhà
Trên nguyên tắc cân bằng Âm Dương, phòng ở trên cao, tính Dương nhiều thì phải mở hạn chế, có che chắn để ánh sáng không quá chói chang, giảm Dương thịnh.
Ngược lại, phòng ở dưới thấp hoặc phòng bị che chắn kín, vốn ẩm thấp tối tăm, cửa sân trời nên mở sao cho tăng cường thêm nhiều ánh sáng.
Từ sự phân bố cửa, các bề mặt mái và cả bên trong nhà (mặt giếng trời, sân trong) sẽ có các kiểu che chắn, đóng mở, thoát nước mưa khác nhau, dẫn đến hình dáng và cấu trúc đặc thù. Đó chính là điều cần quan tâm nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào các mặt tiền ra đường phố bên ngoài thuần túy.
– Ảnh Xuân Trang