Ở một đất nước có rất nhiều thần thánh, có thể nói là vạn vật hữu linh, người Nhật đặt rất nhiều lòng tin vào những biểu tượng sẽ mang lại cho mình sự may mắn, phú quý và tài lộc. Đặc biệt những hộ kinh doanh luôn tìm kiếm bằng được những linh vật giúp buôn may, bán đắt, thu hút nhiều khách hàng- tiền của.
Có những nhà chỉ trưng ở trong tiệm một vài hình ảnh tốt lành, song cũng có nhà bày la liệt chúng tùy theo diện tích. Do đó, vào những ngày xuân- lễ Tết, đi dọc các phố phường, trung tâm mua sắm, làng nghề ở đây, chỗ nào cũng thấy tầng lớp những đồ vật cát tường đẹp mắt.
Đại thể ở trong mỗi gia đình Nhật Bản thường trưng một số biểu tượng sau: Con thuyền châu báu Takarabune, thường có hình rồng, chim nước, rùa biển cho sự hanh thông, nhất là buôn bán – giao dịch trôi chảy như nước. Hơn thế, đây còn là một con thuyền vô cùng rực rỡ, chất đầy vàng ngọc, lụa là, gạo thóc…, song hơn cả là bảy phúc thần mang các pháp bảo takaramono, ban phước và sự như ý cho mọi người.
Dân gian tin rằng, vào ba ngày đầu năm, các vị sẽ hạ phàm trong một cái thuyền thần kỳ, Takarabune, và cập vào một trong các thương cảng Nhật Bản, tới đâu tiền của chảy lênh láng tới đấy. Chưa hết, mỗi vị còn bảo hộ cho một nghề hoặc một lĩnh vực riêng, mà quan trọng nhất là nghề cá, nghề vải và nghề trà/rượu.
Ngoài ra, có ba Ông Phúc, Lộc, Thọ – mỗi ngài còn cho con người được sự vui vẻ, hạnh phúc, có ý trung nhân, con cháu đầy nhà, hoặc nhiều của cải, tiền bạc, ruộng đất, quanh năm không phải lo đến cái ăn cái mặc hoặc là trẻ trung, khỏe mạnh, vô bệnh vô tật, sống tới đầu bạc răng long.
Vì thế, người dân cực kỳ tôn kính các ngài, và nhà nào cũng có ít nhất một bộ tượng, tranh vẽ phúc thần, và vào mồng một, mồng hai Tết, ai nấy đều đặt hình tượng các ngài cưỡi thuyền dưới gối để mơ thấy thần, đặng cho cả năm may mắn, phát đạt.
Búp bê Bồ Đề Đạt Ma Daruma lại là hình tượng của một vị Phật, Bồ Tát và đại sư trong dân gian. Ngài là thiền sư đã lập nên phái thiền, với tâm khảm vô ưu, kiên định và bền bỉ, nên làm gì cũng dễ dàng. Và từ việc ngài tọa thiền, mở mắt ra cuộc sống luôn tươi đẹp hơn, người ta đã nặn tượng ngài, để chừa hai con mắt chưa tô, ngụ ý những điều tốt lành đang tới, và vào dịp Tết hay một sự kiện trọng đại như vừa mới đi làm, thi cử xong hoặc mua bán một thứ gì, mọi người lại tô một mắt và ước nguyện cho mọi việc thuận lợi, và khi lời ước trở thành hiện thực, họ sẽ tô nốt con mắt còn lại, như thể Phật đã chứng giám.
Búp bê Daruma nói chung rất linh thiêng, khi đã tô mắt, thì vạn sự tiến triển kỳ diệu. Vì ngoài ý nghĩa về một vị Phật từ bi- hỷ sả, pho tượng còn được cấu tạo rất đặc biệt, không bao giờ ngã, chỉ có ngả nghiêng rồi đứng dậy, thân tượng cũng sơn màu đỏ rực, vốn là màu áo cà sa thể hiện sự đắc đạo và giờ chuyển sang ngọn lửa thành công.
Tranh tượng thần tài Fukusuke cũng là biểu vật cho sự giàu có, vận hội cùng danh tiếng. Chuyện kể rằng, vào khoảng 250 năm trước trong thời Edo, ở Kyoto, có một chàng trai tên là Fugu suke, hay Phú hoặc Phúc, có khuôn mặt to, tai to và dáng điệu cũng rất khôi hài, ngộ nghĩnh.
Phú mở một cửa hàng tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách, vì sự đáng yêu và lễ phép của chủ. Ai vào cũng được anh chào đón rất cung kính, thường ngồi cúi rạp chào mọi người, cộng với đôi tai to fukumini như tai Phật là dấu hiệu của sự giàu có và bộ áo Kamishimo, thiết kế cho ngày lễ song ngày thường đã mang ra mặc, đem lại sự hài lòng ở du khách, khiến họ liên tục lui tới.
Không chỉ có Phú, vợ anh – cô O-Tafuku và con gái anh – bé Fukumusume cũng được yêu mến nhờ sự nồng hậu, cẩn thận. Cả ba vị sau này đều được phong thần, một người thu hút tiền tài vào nhà, một người kích thích hòa khí và một người giữ gìn của cải. O-Tafuku là một phụ nữ rất giỏi vun vén kinh tế và hạnh phúc. Còn Fukumusume lại là người bảo tồn các đồ cổ, sản vật quý hiếm.
Biểu tượng thần tài Sendai Shiro cũng xuất phát từ một nhân vật huyền thoại cuối thời Edo, đó là Sendai Shiro, mà tên của ngài sau trở thành tên của một số đô thị, làng xóm. Một lần, xem pháo hoa, cậu bé Sendai bị ngã xuống sông và quên luôn mình là ai. Thành thử gặp ai, cậu cũng tươi cười và khoanh tay hành lễ, khiến mọi người thương mến.
Các quán có cậu đứng trước cửa đều rất đắt khách, như thể họ tưởng cậu là một người chủ đang tiếp đón, nên các chủ quán thường xuyên mời cậu ghé chơi, và ngày càng ăn lên làm ra, thậm chí mở được nhiều cơ sở mới. Cứ thấy bóng cậu, không hiểu sao quý khách từ đâu lại ùn ùn kéo tới. Thế nhưng, sau 30 năm, Sendai đột nhiên biến mất, và người ta đã phải trưng tranh tượng cậu thì mới hút khách.
Nói chung, có khá nhiều nơi bày tranh tượng Sendai Shiro, song nhiều nhất vẫn là vùng Tohoku, quê hương của thần. Dân gian cho rằng, Sendai Shiro có duyên ngầm, chỉ cười không nói, nên quán nào ngài ở cũng đắc tài, đắc lộc.
Billiken – thần giữ của và cầu được ước thấy là tên gọi của một bùa may, tài khí khác trong lĩnh vực kinh doanh ở Nhật Bản. Thay vì một vị thần bản địa, người ta đã đưa một hình tượng phương Tây, cụ thể là Mỹ vào Nhật Bản, làm tài thần từ năm 1911.
Trước đó, một giáo viên mỹ thuật ở Mỹ đã tạo nên một con búp bê ấn tượng, có dạng một chú khỉ với tai nhọn, mắt xếch, mũi tẹt hoặc một yêu tinh, chú lùn trong cổ tích mà khi mang nó, chị không chỉ được bảo vệ khỏe mạnh, bình an mà còn kiếm được khối tiền. Bằng chứng là chị đã bán được nó cho một công ty và thu về một khoản tiền kếch xù.
Công ty này sau khi có Billiken cũng phát triển không ngừng, và từ đó họ tin nó có pháp lực sinh tiền. Khi du nhập Nhật Bản, hình tượng sinh vật này ngay lập tức được đặt trước các cửa tiệm như một vị thần giữ của và thu hút tài lộc. Không chỉ thế, người ta tin rằng, khi hiến cho thần một đồng xu, rồi cù vào bàn chân thần, nói một điều ước, mong muốn sẽ được thực hiện.
Tanuki, tinh linh của người nghiện rượu, cũng là một bảo vật thu hút rất nhiều người đến các quán rượu, ăn uống. Tanuki có nghĩa là con lửng, một sinh vật cực kỳ thích rượu, nên từ xưa các quán rượu đã đặt hình tượng nó ở trước cửa nhằm lôi cuốn khách.
Họ khắc họa lửng rất hấp dẫn, hài hước, trong đó thường có bụng to như trống, một tay cầm rượu, một tay cầm tiền, trong khi đầu đội nón, chân đi đất, miệng cười khoái trí dù hở cả cu, phản ánh một điểm rất độc đáo của việc uống rượu, đó là tính xả stress, quên hết sự đời. Tuy nhiên, có đến tám điểm khác cho thấy, con vật vẫn tỉnh táo, vô hại gồm đôi mắt to nhận biết tốt xấu, nụ cười tươi tỉnh hòa nhã, cái bụng căng tròn điềm tĩnh, cái đuôi dài thể hiện sự vững chãi, rồi đôi tinh hoàn ngoại cỡ đầy dương tính…
Tất cả những điều ấy là một lời mời quý khách vào uống rượu, uống nhiều vẫn không sao. Tuy nhiên, rượu sake của Nhật Bản thường không say lắm, vì độ cồn chỉ khoảng mười mấy phần trăm.
Tatsu – tượng rồng hô mưa gọi gió, Nishikigoi- cá chép bảy màu hay Kaeru cóc vàng ngậm tiền cũng là những gì thường thấy ở ngành kinh doanh. Dù kết thành đàn hay đi cá thể, chúng cũng tượng trưng cho vẻ đẹp rực rỡ và trù phú của cuộc sống. Rồng còn là thần thú linh thiêng nhất trong tứ linh hội đủ phép màu, và chuyên cai quản mưa bão, sông biển ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, bao gồm nghề đi biển của Nhật Bản.
Cá chép lại mang tới sự dũng cảm, nghị lực và tài trí hơn người khi nhảy cao vượt vũ môn hóa rồng, và về hình dạng- màu sắc cũng giống các thỏi vàng, bạc.
Cóc gọi mưa, dùng lưỡi bắt trọn mọi thứ, và về hình dạng cũng tựa một cục vàng, hơn thế tên gọi còn hàm ý bồi hoàn, trả lại một cách an toàn.
Ở nhiều nơi như huyện Iwate hình ngựa Shinobi-goma, huyện Fukushima hình bò Akabeko, huyện Shimane hình hổ Hariko No Tora, huyện Okinawa hình sư tử Shisa, huyện Fukuoka hình chim sẻ Kiuso, huyện Kumamoto hình chim trĩ Kiji-uma… lại được làm linh vật cát tường, bởi vì bò ngựa là sức kéo, thức ăn, phương tiện đi lại của địa phương, nhờ chúng mới có của cải – vật chất, còn hổ và sư tử là mãnh thú hoang dã tượng trưng cho sức mạnh tung hoành, tự tại và trấn áp đối thủ; chim sẻ và chim trĩ lại biểu thị về mùa màng bội thu, sự xinh đẹp – vui vẻ, cũng là hai loài chim loan báo tin xuân hạ, hai mùa sinh sôi nhất trong năm. Chúng thường được nặn thành tượng, mô hình gắn bánh xe trước trưng, sau cho trẻ con chơi, lấy may.
Bên cạnh động vật, cũng có các tĩnh vật tài lộc, đơn cử là cây cào Kumade, một nông cụ cào cỏ, rẽ thóc để phơi hay dọn dẹp nhà cửa. Nó thường có bốn đến sáu chẽ, tương tự như móng vuốt chim ưng, túm con mồi rất chặt không rời, do vậy là biểu tượng của thành công- chắc chắn trong thương nghiệp. Người ta cũng trưng nó để mong tích lũy của cải khi mà cào có thể dồn mọi thứ thành đống, từ tiền tài đến danh vọng, hạnh phúc, tình yêu và may mắn.
Và để tăng thêm hiệu quả vun xới, Kumade thường được trang trí kết hợp cùng những vật phẩm khác, như hoa quả, cành thông, cành trúc, gạo, muối, tiền vàng… Cành thông, cành trúc là đại diện của những cây thường xanh, chịu được mọi thời tiết, vươn lên đem tới tài lộc, tuổi thọ.
Ngoài những thứ trên, bên cửa sổ, vườn nhà xuân Tết cũng không thể thiếu những lá bùa may mắn dạng túi Omamori hay thẻ Ema, trên đó ghi những điều ước cho cá nhân hay gia đình. Chúng đều được mua hoặc xin ở đền chùa, rồi mang về treo quanh nhà mong đề huề, thịnh vượng.
Ở Omamori, đó là những câu chú cất trong túi, không xem được, song ở Ema do vẽ in bên ngoài nên dễ dàng hiểu được nội dung, đặc biệt thường có khá nhiều hình ảnh con giáp, phù hợp với từng mệnh tuổi hoặc những cảnh đẹp tráng lệ, như một con rồng bay lên, thể hiện cho trí tiến thủ, sự thăng hoa, vận hội hay núi Phú Sĩ ngụ ý về sự bền vững, vĩ đại và ước mơ chinh phục đỉnh cao.