Gò Công, một vùng đất nằm dọc theo sông Tiền đổ ra biển, quê hương bà Từ Dũ, người đã đem đến kinh thành Huế một đặc sản của quê nhà. Đó là món mắm tôm chà nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
Do thổ nhưỡng của vùng nước lợ nên Gò Công có nhiều sản vật như nghêu, sò, tôm, cua. Nhất là loại cua gạch non. Có thể vì lẽ đó mà người dân tại đây đã sáng tạo ra món nham. Nham là một món gỏi được chế biến bằng những nguyên liệu có sẵn trong vườn: chuối xanh, khế chua, rau dấp cá với một hoặc hai con cua gạch son; sau khi hấp chín rỉa cua lấy thịt, thịt ba rọi luộc xắt chỉ, tất cả trộn với khế, chuối chát bào mỏng, rau dấp cá, nêm nước mắm ngon. Sau đó, chế biến phần xốt từ gạch cua. Khi ăn cho xốt này trộn đều vào đĩa gỏi. Nham được dùng chung với bánh phồng tôm và nước mắm tỏi ớt.
Tại sao phải dùng rau dấp cá mà không một thứ rau thơm nào khác? Theo các bô lão tại Gò Công, nó khử mùi ngai ngái của cua và giúp dễ tiêu hóa.
Nếu thịt chó không thể thiếu củ riềng, lá mơ, bún bò Huế phải có ớt bột, thì nham Gò Công phải trộn cùng với rau dấp cá.
Nham Gò công đã được kế thừa và phát huy bởi anh Đống Lương Sơn, quản đốc và Vũ Đình Tuân, đầu bếp trẻ của khách sạn Đồng Khánh, lần đầu tiên trong cuộc thi món ăn dân tộc Việt Nam 96 của Sở Du lịch TP.HCM đã đoạt huy chương vàng.