Cũng nằm trong Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), đối diện với Nhà hàng tre Bamboo Wings là Nhà hội nghị – một công trình kiến trúc đa thoại của đá, tre và cảnh quan.
Muôn thuở cảnh quan Việt là giản dị. Miền duyên hải cũng chỉ là cát, núi đá và trảng cây lùm tùm. Đẹp như Hạ Long mà cũng chỉ “đá và nước”. Làng quê Việt đâu cũng rợp bóng tre. Đầu làng cây đa xanh trầm, cuối làng cây gạo đỏ ối khi hè về. Rồi thì mái đình, hiên nhà, đường làng cũng phải nương nhờ bóng mát của tre.
Dẫu ở núi rừng xứ Thanh hay Tây Bắc Việt Nam, cây lồ ô, cây vầu, cây luồng cao vút, đan cài làm nên phên dậu cho chốn thâm sơn cùng cốc thì tre vẫn là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt.
Trong hệ thống hình ảnh tiêu biểu của tâm thức và cảnh quan Việt, cây tre khóm tre đi liền với bờ ao, giếng nước. Giản dị như chiếc áo nâu sồng dân quê, không cao sang thanh nhã như cây trúc được đồng thoại với cúc mai tùng.
Đá và tre vốn không phải là cặp hợp thoại trong kiến trúc và cảnh quan. Tre hợp với tranh và đất. Đá đi đôi với gỗ và vật liệu hiện đại. Đá cảnh quan có chất tự thân nhiều, tre cảnh quan thì cần sự liên hợp.
Cũng chính từ cái liên kết lỏng lẻo đó, cũng từ cái duyên thoại rời rạc đấy mà kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã tạo nên một công trình kiến trúc đa thoại của đá, tre và cảnh quan. Đó là Nhà hội nghị ở Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), thuộc Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải.
Ấn tượng thị giác đầu tiên của công trình là đá, bức tường đá cao 8m dựng đứng, cắm trên ba gò đất cảnh quan đắp cỏ. Lặng thinh, tự tại, chắc đặc, dửng dưng với Nhà hàng Bamboo Wings đối diện, dửng dưng với khóm rừng thông sau lưng, bức tường đá tưởng chừng như độc thoại. Nhưng bước vào không gian bên trong mới nghe thấy tiếng râm ran trực thoại của đá, tre luồng và cảnh quan. Bên ngoài là đá rối, trong nhà là đá phiến cắt khối chữ nhật xếp chừa lỗ, vừa thu âm vừa tạo biểu chất bề mặt. Các bề mặt li ti của đá nối giọng tự nhiên với 26 khung tre, mỗi khung được bó bởi 42 đến 46 cây luồng 110. Các khung tre một đầu được gác trên bức tường ngoài hình cong, đầu kia gác trên bức tường thẳng bên trong. Điều này tạo cho đỉnh mái chạy cong và chuỗi hình ảnh cinetique nhẹ trong không gian nội thất. Nhịp 26 khung kèo tam giác của mái vạch nên một chuyển động nhẹ của trần, làm cho không gian nội thất động hơn. Một cái động vừa phải không ồn ào, hợp với không gian hội nghị. Cái chất thô ráp của đá và tre luồng đồng thoại với vạt ta-luy vàng lạc tiên và đỉnh đồi, rừng thông qua các khung cửa rộng.
Ấn tượng thị giác đầu tiên của công trình là đá, bức tường đá cao 8m dựng đứng, cắm trên ba gò đất cảnh quan đắp cỏ. Lặng thinh, tự tại, chắc đặc, dửng dưng với Nhà hàng Bamboo Wings đối diện, dửng dưng với khóm rừng thông sau lưng, bức tường đá tưởng chừng như độc thoại. Nhưng bước vào không gian bên trong mới nghe thấy tiếng râm ran trực thoại của đá, tre luồng và cảnh quan.
Từng bậc thang đá rối xếp chồng thành lối lên đồi. Ở góc nhìn này, hình ảnh nếp nhà tranh Việt hiện lên gần gũi, có điều, mái nhà hội nghị này được lợp bởi 30 tấm vọt mịn màng, dịu nhẹ nổi bật trong cái khung đá sừng sững và chắc nịch. Vạt mái dịu và nhẹ, rộng ngát màu nâu như vạt yếm của mẹ, của chị thuở nào.
Công trình gồm hai không gian chính. Phòng hội nghị đa chức năng – Opera hall – 200 chỗ và phòng hội thảo đa dụng 50 chỗ. Hướng chính của công trình mở ra rừng thông, phía bắc. Ta-luy phủ lạc tiên vàng lung linh là cái gạch nối của không gian rừng và không gian nhà hội nghị. Nhưng mặt chính của công trình thì ở phía nam, nổi bật với ba gò cỏ nhung và bức tường đá. Không cửa sổ, không phân vị, không design, chỉ có gò đất và tường đá. Hai lối ra vào được nhấn bởi hai hàng cây lim ba thẳng, tán phân đều. Hàng cây lim ba thẳng như những vệt ảo thẳng đứng làm dịu bớt cái nặng nề của gò đất và tường đá. Đá, đất và cảnh quan cây lim ba, cây cau vua giao thoại ở mặt chính. Đá, tre, vọt và cảnh quan rừng thông lắng nghe nhau, nối tiếp nhau từ không gian nội thất ra cánh vườn nhỏ, ta-luy lạc tiên, bậc thang đá dích dắc và rừng thông. Một đoản khúc của sự giản dị hình thức mà thâm nặng chất cảm của vật liệu.
Cũng cần có vài điều trao đổi với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: bởi thiên về hình nên không gian nội thất hầu như không có ánh sáng tự nhiên. Tường đá quá cao phía nam, gờ mái quá thấp phía bắc, hai phía đông tây cũng là tường đá nên ánh sáng khó lọt vô. Và cũng bởi quá thiên về hình nên mãi mãi không nhìn thấy cái mái phía nam của công trình. Cũng là đáng tiếc bởi mái vọt màu nâu của Nghĩa là một giá trị, một định hiệu của tài năng.
Kiến trúc luôn là phi hoàn hảo, vấn đề là kiến trúc sư biết chọn cái chính để nâng cao và cái nhỏ phải chịu ẩn náu. Võ Trọng Nghĩa đã làm được điều đó để cho đá, tre, vọt và cảnh quan giao thoại với một ngôn ngữ giản dị, với một kịch bản tạo hình sắc nét tôn vinh hình thể và chất cảm của vật liệu tự nhiên: đá, tre luồng, vọt, đất và cảnh quan gò đồi trung du.
Nhà hội nghị Đại Lải
Flamingo Đại Lải Resort, Vĩnh Phúc
Hoàn thành: 2012
Thiết kế chính: KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Takashi Niwa
Hình ảnh: Hiroyuki Oki