Trên con phố thanh bình ở Hàm Tiến – Mũi Né, có một nhà hàng nhỏ mang tên Pardis lặng lẽ kể về câu chuyện về hai con người xa quê gặp nhau và tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn. Dù nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của họ sau hơn 20 năm làm việc và sinh sống, nhưng ký ức về đường phố Hà Nội với mái rêu xanh, tường gạch vụn, hiên nhà ngập nắng liên tục hiện lên trong đầu Vy. Song song đó, tình yêu dành cho ẩm thực Địa Trung Hải nức tiếng thế giới cũng không ngừng cháy âm ỉ trong lòng Ales Sandro – một doanh nhân người Ý.
Nói về những ý tưởng đầu tiên, Vy chia sẻ: “Ký ức về quê hương trong tôi ùa về, từ những giây phút tản bộ nhàn nhã hay những buổi chiều lang thang trên bãi biển dưới bóng dừa xanh, với tiếng sóng vỗ vào chân. Tôi vẫn còn nhớ những mái nhà xanh của phố cổ Hà Nội, nơi hàng dừa gặp bãi cát vàng ngay bên mép sóng”.
Công trình kết hợp các vật liệu có nguồn gốc địa phương như gạch thô, gỗ đã qua sử dụng và sắt thép. Ngay lối vào, quầy cà phê và tường phía sau được ốp lên mình những thanh gỗ sẫm theo hình xương cá đồng điệu. Hơi thở văn hóa bản địa khéo léo hiện lên qua dáng hình xương cá, qua những bức tường gạch được sắp xếp theo các họa tiết thú vị lấy cảm hứng từ lá dừa, đồng thời mái nhà cũng được lợp bằng lá dừa gợi cảm giác thân thuộc. Mảng tường của tầng hai được hợp thành từ rất nhiều ô gạch thông gió đất nung sắp đặt đầy ngẫu hứng. Không chỉ vị giác được chiêu đãi, những họa tiết được sắp đặt vừa trật tự lại ngẫu hứng, kết hợp cùng bảng màu mộc mạc của vật liệu tự nhiên, tạo nên một bản hòa tấu dành riêng cho thị giác.
Không gian nhà hàng lúc nào cũng ngập tràn nắng gió, cái đặc sản của vùng biển Bình Thuận khô hạn nhất cả nước. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giếng trời được bố trí ở giữa để bất kỳ thời điểm nào trong ngày công trình cũng nhận được lượng ánh sáng cần thiết, đồng thời có thể linh hoạt đóng mái che để giảm bớt ánh nắng gay gắt vào buổi trưa. Khoảng sân nhỏ trên tầng thượng được trải cỏ và bố trí cây xanh đóng vai trò như một khu vườn trên cao, giảm thiểu bức xạ nhiệt mặt trời một cách hiệu quả.
Pardis vừa là nơi thực khách có thể thoải mái trải nghiệm sự đa dạng của ẩm thực và cà Phê Ý, đồng thời cũng là tổ ấm nhỏ của hai con người nhiệt huyết. Công trình vừa đáp ứng khí hậu khắc nghiệt vùng biển Bình thuận đầy nắng gió, vừa thành công khắc họa một “dòng chảy” văn hóa đặc trưng giữa Hà Nội và Mũi Né đúng với kỳ vọng của Vy và Ales Sandro – giấc mơ về một nơi mang lại cảm giác chân thật và ấm cúng cho tất cả những người ghé thăm, như ở nhà.
Tên công trình: Nhà hàng và cà phê Pardis
Địa điểm: TP Phan Thiết, Bình Thuận, Việt Nam
Diện tích: 380m2
Thiết kế: Country House Architecture
Năm hoàn thành: 2024
Hình ảnh: Paul Phan