Sau “Triển lãm mùa thu” vào tháng 10-2017 tại gallery Eight ở TP. Hồ Chí Minh, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi lại về quê nhà giới thiệu những tác phẩm mới của ông, cũng vào tiết thu và lần này tại thủ đô Hà Nội.
Phòng tranh với tên gọi “Sắc màu chốn quê xa” tại Trung tâm giao lưu nghệ thuật phố cổ (50 Đào Duy Từ, từ 1 đến 15-11-2018) một lần nữa cho thấy sức làm việc và năng lực sáng tạo nghệ thuật của một tác giả đã gắn bó với hội họa gần nửa thế kỷ, từ khi ông còn hoạt động nghệ thuật tại Sài Gòn trước năm 1975.
Hai mươi lăm bức tranh của cuộc triển lãm lần này được họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ trong ba năm 2016, 2017, 2018 – một số bức sơn chỉ vừa kịp khô trước khi ông bay về quê nhà. Ông đã chuẩn bị cho cuộc trưng bày này gần một năm nay với nhiều náo nức vì đây là lần đầu tiên ra mắt giới thưởng ngoạn tại Hà Nội, không xa nơi chôn nhau cắt rốn của ông là Vĩnh Phú.
Liên tiếp hai mùa thu từ Mỹ mang tranh về Việt Nam triển lãm, với Nguyễn Trọng Khôi điều đó thật giản dị như cách ông bày tỏ: “Hát phải có người nghe. Tôi chọn triển lãm trên quê hương tôi vì đó là nơi tôi thuộc về, nơi có những sinh hoạt nghề nghiệp, có những con người đang cùng cuộc hành trình với tôi.
Nơi có cùng một ngôn ngữ không cần phải chuyển dịch. Nơi có hơi thở từ đồng lúa ấm áp và cái nhìn mịn màng như dòng sông. Tôi phơi bày tình cảm trên tác phẩm như phơi lòng mình giữa sự thân thiện và cảm thông. Hôm qua ở Sài Gòn, hôm nay ở Hà Nội, ngày mai có thể là Huế và còn rất nhiều nơi để rồi cho những lần tới nữa…”.
Phải trở lại với những cuộc trở về sớm hơn nữa của Nguyễn Trọng Khôi. Năm 2006 là triển lãm chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng tại gallery Tự Do (địa chỉ mỹ thuật danh tiếng này nay đã không còn).
Năm 2014, cũng tại gallery Tự Do là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam với tên gọi “Cảm xúc đại ngàn” với kỷ niệm thú vị là vài bức tranh vẽ những cô gái tắm giếng, dù chỉ thấy tấm lưng trần nhưng cũng bị cơ quan kiểm duyệt “ách” với lý do là tranh khỏa thân (!). do không được treo nên phải để ở gian phía sau của gallery thế nhưng hầu hết các bức tranh đó đã có người sở hữu.
Năm 2015, tại gallery La Tour Eiffel bên bờ sông Hàn của Đà Nẵng là “Triển lãm mùa hè” cũng thật đáng nhớ vì tình cảm bạn bè, đồng nghiệp nhiều thế hệ ở thành phố biển dành cho người nghệ sĩ xa quê.
Giống như “Triển lãm mùa thu” năm ngoái, triển lãm mùa thu năm nay của Nguyễn Trọng Khôi vẫn là hai mảng biểu hình và trừu tượng, đặc biệt là những bức trừu tượng được tác giả gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc cũng như thể hiện một triết lý sáng tác của ông: “Như một tiêu chí sáng tác đã đặt ra, tôi luôn luôn hướng tới phía trước. Thật ra, tôi không thể xác định hội họa của mình thuộc khuynh hướng hay trào lưu sáng tác nào, mà đơn giản là tôi chọn cho mình khuynh hướng đi theo cảm xúc và rung động để hình thành một không gian. Từ sự chọn lựa này tôi dấn thân vào trừu tượng, tìm tòi và thả tự do năng lực, cảm xúc, tư duy, không để bị kềm hãm trong các góc độ giới hạn của đời sống mà để trôi chảy miên man trong sự tưởng tượng”.
Khi được hỏi về cảm hứng sáng tác loạt tranh mới này, Nguyễn Trọng Khôi đã thổ lộ những trải nghiệm sâu kín của ông: “Trong hành trình đến với hội họa của mình, mỗi bắt gặp đều là một dấu ấn sâu đậm với tôi. Tôi đã kinh qua từ hình họa buổi ban đầu học vẽ đến những ngẫu nhiên vô thức như hiện nay.
Hành trình đó đem đến niềm hân hoan như đi trên một cung đường đầy hoan lạc. Tôi tìm thấy những ánh sáng lung linh của sự màu nhiệm trong cõi mênh mông sắc độ của muôn trùng, sự hòa thanh ở mỗi khoảng không gian tạo những điểm nhấn làm linh động thêm những khát khao và đam mê. Tôi thích thú vượt biên cương mọi ước lệ, để sở hữu cho riêng mình niềm hoan lạc đó.
Giai đoạn trước tôi đắm chìm trong phần hồn thinh lặng của từng vật thể, tranh của tôi là sự giao thoa với tiếng nói bí ẩn trong từng đường nét… còn bây giờ trên đường đi tìm cái đẹp tôi lại đang hòa mình vào sự óng mượt của không gian rộng lớn để khám phá những điều mới lạ, qua đó hình thành tác phẩm của mình”.
Quả là những sắc màu đầy hoan lạc, những sắc màu khi Nguyễn Trọng Khôi “đang hòa mình vào sự óng mượt của không gian rộng lớn để khám phá những điều mới lạ”, hay khi tác giả đắm chìm trong “cõi mênh mông sắc độ của muôn trùng” dễ dàng được cảm nhận khi đứng trước các bức trừu tượng Mùa thu dịu êm, Cuối thu, Ngày tuyết, Lễ hội, Nông trại buổi sớm, Vô đề I, Thung lũng, Số 3…
Bên cạnh đó, những tác phẩm có khi nửa trừu tượng, có lúc gần với siêu thực như Người mẹ trẻ, Con sứa, Không dung mạo, Nương cánh đại bàng, Vai diễn, Sân khấu… cũng cho thấy những tìm kiếm cả về màu sắc lẫn tạo hình của họa sĩ.
Khi đến xem tranh của bạn mình, họa sĩ Thành Chương nhận định: “Ở tuổi của Nguyễn Trọng Khôi, còn sáng tác được đều đặn, còn vẽ được nhiều đã đáng nể rồi; lại càng đáng nể hơn khi vẽ được những tác phẩm như thế này”. Họa sĩ Đào Trọng Lưu thì như “bị ám ảnh” khi xem một số tranh của người bạn đã giao du thâm niên, từ những ngày Nguyễn Trọng Khôi chưa sang định cư tại Hoa Kỳ.
Phải chăng đó cũng là những gì tác giả phòng tranh “Sắc màu chốn quê xa” muốn bày tỏ: “Hội họa với tôi như hơi thở, như những sinh hoạt hằng ngày – ăn, ngủ và vẽ. Đồng thời nó cũng là một nhu cầu trong cuộc sống: làm việc như một thú vui của tôi. Khi tôi vẽ là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc và quên đi những phiền muộn chung quanh. Tôi bày tỏ cảm xúc trên canvas và thích thú khi có những chia sẻ chung quanh; tác phẩm của tôi tìm đến những không gian thích hợp và tình cảm biểu hiện đồng điệu”.
Được biết, một phần trong tổng số 25 bức tranh của triển lãm này thuộc về các sưu tập của nhà thơ Nguyễn Duy và nhà báo Nguyễn Trọng Chức, hai người bạn tâm giao của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.