Đến với hội họa sau khi đã thành danh ở nghiệp cầm bút, cách đây hơn hai thập niên nhà văn Nguyễn Đình Chính đã có triển lãm tranh cùng với một người bạn cũng cầm bút là Đỗ Trung Lai. mới đây ông đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại địa chỉ mỹ thuật quen thuộc ở thủ đô: phòng tranh 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Năm mới 15 tuổi (1961), Nguyễn Đình Chính đã có tác phẩm văn chương đầu tiên Ngàn dặm xa viết về hành trình của một con kiến, mà theo nhận định của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi – thân phụ ông – đó là cuốn sách hay nhất của Nguyễn Đình Chính. Kế đến là những tiểu thuyết Xưởng máy nhỏ của tôi, Đá xanh ở thung lũng cháy, Sương mù ký ức…
Nhưng được biết đến nhiều nhất là bộ tiểu thuyết hơn ngàn trang Đêm thánh nhân (tập 1 in năm 1998, tập 2 không được cấp phép in một thời gian, đến năm 2006 cả hai tập được nhà xuất bản Văn Học ấn hành với tựa đề Ngày hoàng đạo), sau đó là cuốn Online… balô (lúc đầu được xuất bản trên mạng, đến 2008 in thành sách). Và phải kể đến thành công của Nguyễn Đình Chính với tư cách một cây bút viết kịch bản qua nhiều bộ phim màn ảnh lớn như Người trên mặt sông, Rừng lạnh, Hồi chuông màu da cam, Bãi biển đời người… và hàng chục vở kịch.
Thế rồi Nguyễn Đình Chính đột ngột đến với hội họa và gần như bị mê hoặc bởi thế giới màu sắc, không dứt ra được, tương tự như nhiều nhà văn, nhà thơ cũng đã thành danh với nghiệp văn chương như Nguyễn Khắc Phục, Trần Nhương, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn…
Triển lãm cá nhân tại phòng tranh 16 Ngô Quyền, Nguyễn Đình Chính chỉ bày hơn 20 bức tranh trong tổng số trên 60 bức ông đã vẽ vài năm gần đây. Tất cả được vẽ với một bảng màu nguyên, rực rỡ, còn hình ảnh là những phóng chiếu nội tâm vào thế giới của thực tại, gần gũi với siêu thực. Không học hành trường lớp nên Nguyễn Đình Chính bất chấp những quy phạm, nguyên tắc của hội họa hàn lâm mà vẽ theo cách nhìn thế giới, nhìn bản thể sự vật của riêng ông.
Nhà văn Phạm Viết Đào sau khi xem phòng tranh đã nhận định: “Xem tranh của Nguyễn Đình Chính, người xem không khỏi ngơ ngác, ngỡ ngàng, không khỏi không tò mò xem Nguyễn Đình Chính một người từng tư duy bằng ngòi bút, thông qua con chữ, bây giờ lại “đổ đốn” quay sang dùng màu sắc, hình khối để diễn đạt cảm xúc, suy tư của mình trước sự đời và thế giới mà anh trải nghiệm… Không có một chủ đề nào xuyên suốt, không một phong cách nào được định hình, nghĩa là Chính vẽ bằng sự quan sát, cách nhìn, cách cảm thế giới mà Chính thấy một cách rất chi là bản năng…”.
Còn họa sĩ Đào Trọng Lưu bày tỏ: “Có cái lạ là anh Chính là con nhà nòi của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam mà anh không bị rơi vào chủ nghĩa hình thức, anh biểu hiện rất thật tâm thức tình cảm ý tưởng của chính anh!”. Và như lời tự bạch của Nguyễn Đình Chính trong lần bày tranh đầu tiên: “Tôi vẽ như là tôi đang nghĩ, như là tôi đang đi chơi, như là tôi đang mơ tưởng. Tôi rất yêu màu sắc. Và thật thú vị biết bao khi trộn màu này với màu kia. Chỉ nguyên nhào lộn chúng trên pa-let thôi cũng đã thỏa mãn lắm rồi, chưa nói là được bôi chúng lung tung trên vải, mà lại tha hồ trát, tùy theo ý thức của mình… Nghệ thuật không chỉ dừng lại ở cảm xúc yêu thương, mà giúp con người ta thức tỉnh”.