Tranh cãi là “chuyện thường ngày” của nhiều cặp vợ chồng. Nhưng họ còn có thể đi xa hơn, để cãi vã biến thành chỉ trích cá nhân hay tấn công cái tôi của nhau. Họ tìm ra những điểm mềm yếu nhất của đối phương và “liên tục nã đạn”. Có khi nghe một cặp đôi cãi nhau mà thấy rùng mình với những lời cay nghiệt mà họ dành cho nhau: “Cô giống hệt mẹ cô vậy. Bà ta làm hỏng đời cô và giờ tới cô…”.
Điều mà chúng ta đang nói đến không phải là phê bình mang tính xây dựng. Khi ai đó phê bình hoặc đưa ra những gợi ý thì họ đang tập trung tháo gỡ vấn đề. Còn khi chỉ trích nặng nề, họ đang tấn công vào chính bản chất, cá tính của người thân. Trong một mối quan hệ lành mạnh, cả hai sẽ dành cho nhau những lời khuyên và hướng giải quyết vấn đề. Điều này xuất phát từ sự phụ thuộc lành mạnh giữa hai người, khi đó mỗi người đều có ảnh hưởng tích cực với người kia. Ngược lại, hành động công kích sẽ chỉ “hạ nhục” người kia và không thể giải quyết được các vấn đề tồn tại trong cuộc hôn nhân.
Các nhà tâm lý đã nhìn nhận rằng sự chỉ trích thường xuyên của cha mẹ đối với con cái của họ có thể rất có hại và gây nên những rối loạn tinh thần ở đứa trẻ. Chỉ trích cũng có thể mang đến những hậu quả tương tự trong quan hệ hôn nhân. Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu thực nghiệm của chuyên gia bậc thầy về hôn nhân gia đình John Gottman, việc chỉ trích vợ hoặc chồng có thể làm tăng cao nguy cơ ly hôn.
Giáo sư – tiến sĩ tâm lý Neil J. Lavender thì tin rằng thói quen hay chỉ trích, công kích vợ hoặc chồng là một dạng nghiện giống như nghiện rượu hoặc chất kích thích. Người “nghiện chỉ trích” dường như không thể dừng lại và không ngừng tìm ra những tình huống mà họ có thể công kích đối phương. Hơn nữa, họ còn cảm thấy “vui hơn” khi có cơ hội phê phán, cũng tương tự như trường hợp một người nghiện rượu được uống rượu. Theo tiến sĩ Neil J. Lavender, có hai loại người chỉ trích. Dạng thứ nhất đưa ra những lời khuyên vì thực sự muốn giúp bạn đời của họ với lòng vị tha. Nhóm thứ hai mang “căn bệnh nghiện” và cố tiết chế cảm xúc của họ bằng cách làm tổn thương người vợ hoặc chồng. Ông cũng đưa ra một bài tập thực nghiệm đơn giản để phân biệt hai dạng người này. Trong vòng một tuần lễ, mọi người không được phép chỉ trích vợ hoặc chồng của họ, dù trong bất cứ hình thức nào. Người “mắc bệnh nghiện” sẽ không thể dừng được, còn với những người đơn giản chỉ đưa ra lời khuyên thì yêu cầu này là khá dễ dàng. Nhiều người tham gia thực nghiệm buộc phải thú nhận rằng họ chẳng thể dừng lại và nhận ra rằng mình là “người thích công kích”.
Ghét bỏ một người nghiện thì dễ vì họ là nguồn cơn của mọi vấn đề. Nhưng nếu nhìn vào quá khứ của họ, bạn sẽ nhận thấy rằng chính họ là nạn nhân của sự công kích khi còn thơ trẻ. Khi một đứa trẻ liên tục bị chỉ trích, điều này sẽ tạo ra sự thay đổi và hình thành một “lược đồ” trong não hoặc nói một cách đơn giản hơn là họ sẽ nhìn và diễn dịch các sự kiện trong đời qua những lăng kính lệch lạc, méo mó. Lược đồ này sẽ dẫn dắt họ tìm kiếm “cái xấu trong cái tốt”. Chẳng hạn, họ có thể “bới cho ra” một phần trăm sai trái dù cho sự việc có tới chín mươi chín phần trăm tốt đẹp. Họ có thể xem một bộ phim hay để rồi chỉ chăm chăm vào chi tiết vụn vặt nào đó mà họ không thích. Và người hay công kích người khác cũng thường nghiệt ngã với chính mình. Họ có thể chỉ trích chính họ một cách nặng nề nhất.
Thế nhưng, tiến sĩ Neil J. Lavender cũng chia sẻ một tin tốt lành là nếu như một người có thể nhìn ra “căn bệnh nghiện” của mình thì quan hệ hôn nhân của họ sẽ được cải thiện và tốt đẹp hơn.
- theo Psychology Today