Mùa nắng nóng, những ngôi nhà có mức hấp thụ nhiệt cao sẽ khiến cho không gian sống trở nên nóng nực, khó chịu, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vậy làm thế nào để ngôi nhà của chúng ta có thể mát mẻ hơn trong điều kiện thời tiết nóng bức?
Lưu ý đến việc chống nóng từ khi tiến hành thiết kế, xây dựng
Giải pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để làm mát cho ngôi nhà chính là chọn đúng vật liệu chống nóng cho mái và tường nhà.
Việc này cần được lưu ý ngay khi tiến hành thiết kế và xây dựng, đặc biệt là đối với những căn nhà hướng tây thường xuyên bị nắng nóng.
Mái nhà
Vì mái nhà là nơi tiếp xúc nhiều và trực tiếp nhất với ánh nắng mặt trời nên khi lợp mái, điều cần chú ý đầu tiên chính là chọn vật liệu có chất liệu tốt và có tính năng cách nhiệt hiệu quả. Xử lý tốt phần mái nghĩa là chúng ta đã hoàn thành 50% công đoạn chống nóng cho ngôi nhà. Các vật liệu phù hợp nhất để lợp mái hiện nay có ngói, tôn mát, bê tông.
Mái ngói: Là loại vật liệu không mới nhưng ngói có hiệu quả chống nóng khá tốt (giúp giảm 40 – 50% hơi nóng), đặc biệt là không quá mắc, phù hợp với đa số người có nhu cầu cải tạo phần sân thượng, chống nóng cho ngôi nhà.
Tôn mát: Hiện rất được ưa chuộng do có tính năng cách nhiệt, làm mát, chống ồn hiệu quả. Vì có bề mặt sáng và phản quang nên tôn lạnh có khả năng phản xạ các tia nắng mặt trời tốt hơn, khiến trong nhà luôn mát mẻ, dễ chịu.
Vào ban đêm, mái tôn mát tỏa nhiệt lượng ra nhanh, giúp căn nhà mát nhanh hơn so với sử dụng mái lợp bằng các công cụ khác.
- Xem thêm: Năm bước làm mát cho ngôi nhà
Mái bê tông: có ba loại thường dùng là bê tông xi măng, bê tông gạch vỡ, bê tông đá dăm. Loại này chỉ phù hợp cho nhà mái bằng, kể cả đối với nhà một tầng hay cao tầng vì kết cấu đơn giản, kiến trúc gọn gàng, đặc biệt đối với những công trình nhà phố san sát nhau ở đô thị thì đó là một giải pháp tuyệt vời.
Ưu điểm của nhà mái bằng là không bị dột hay bị thủng như mái tôn hay mái ngói, không gây ra tiếng ồn khi trời mưa như mái tôn, mặt sàn của mái dễ dàng làm sân thượng, có thể tận dụng làm sân phơi, vườn xanh, thiết kế tiểu cảnh, góc thư giãn…
Tuy nhiên, phần mái nhà bằng bê tông tương đối nặng, dễ bị thấm nước và tạo thành những vết ố màu dưới trần nhà. Khi trời mưa thường lưu lại rác thải như lá cây, cát và lâu thoát nước, đồng thời việc chống thấm, chống nứt mái bê tông khá phức tạp.
Tường nhà
Tường nhà nếu quá mỏng hoặc không thể cách nhiệt sẽ khiến cho nhà lúc nào cũng nóng. Vì vậy, khi xây tường có thể sử dụng gạch block vì chúng có khả năng cách nhiệt khá tốt, cũng có thể xây hai lớp tường gạch.
Cấu tạo của tường hai lớp khá đơn giản, bao gồm hai lớp tường trong và ngoài, mỗi lớp có độ dày chừng 110 – 220mm, giữa chúng có một khoảng không dày cỡ 100mm giúp không khí lưu thông, làm chậm quá trình truyền nhiệt; cũng có thể thêm tường thạch cao bên trong và có lớp vật liệu cách nhiệt ở giữa.
Từ đó giúp không gian bên trong trở nên mát mẻ hơn. Ngoài ra, có thể phủ một lớp sơn cách nhiệt, trồng thêm giàn dây leo phía bên ngoài sẽ vừa trang trí vừa làm mát; hoặc lắp đặt mái hiên cho tường tại nơi nhận ánh nắng trực tiếp cũng là một cách chống nóng cho tường nhà hiệu quả.
Sử dụng loggia thay vì ban công
Những hộ gia đình đơn lẻ thường có xu hướng xây ban công thay vì sử dụng loggia (phần diện tích có chức năng giống ban công, nhưng được xây thụt vào thay vì nhô ra). Tuy nhiên, chính loggia mới tận dụng được phần sàn phía trên làm mái che nắng, giảm tác động trực tiếp của mặt trời vào không gian ở.
Nên sử dụng nhiều hình thức loggia có chiều sâu lớn hoặc mái văng rộng để tạo bóng đổ che chắn cho phần không gian sinh hoạt phía bên trong.
Hình thức này khá phổ biến vì loggia, ban công hay mái văng là những yếu tố chính cấu thành nên hình thức mặt đứng cho công trình. Khi biết kết hợp khéo léo các yếu tố này, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả cao cả về mặt thẩm mỹ kiến trúc lẫn môi trường sống.
Thông thường, chúng ta hay có xu hướng tận dụng diện tích tối đa để làm không gian ở. Tuy nhiên, nên “tranh thủ” những không gian phụ trợ như hành lang, cầu thang, nhà kho… Điều này giúp các không gian sử dụng chính tránh được ánh nắng và lượng nhiệt trực tiếp của mặt trời.
Hạn chế sử dụng quá nhiều vật liệu kính, kim loại ở bề mặt bao che
Để hạn chế tối đa sự tiếp xúc của ánh nắng với không gian bên trong, không nên bố trí những diện mở kính lớn ở hướng đông và tây, vì hai hướng này thường đón ánh nắng trực tiếp lần lượt vào buổi sáng và buổi chiều, nhiệt lượng tỏa ra vô cùng lớn. Thay vì vậy, hãy sử dụng tường hai lớp, tường đặc dày hoặc chỉ mở những ô cửa nhỏ để lấy sáng.
Các giải pháp làm mát bên trong nhà
Để giảm hấp thụ bức xạ nhiệt, chúng ta có thể làm theo các cách đơn giản sau:
Sơn tường ngoài màu sáng, trắng
Theo nguyên tắc, màu tối luôn hấp thu nhiệt cao, còn màu sáng thì hấp thụ nhiệt thấp. Vì vậy, cách đơn giản nhất để chống nóng cho nhà là sơn lớp tường ngoài màu trắng nhằm giảm tối đa nhiệt lượng hấp thụ cho ngôi nhà trong những ngày nắng nóng, đồng thời tạo cảm giác dịu mát, nhẹ nhàng và thư giãn.
Che mát bằng các loại cây xanh
Trồng cây xanh là giải pháp tuyệt vời nhằm chống nóng hiệu quả. Tuy nhiên, đối với nhà ở trong các khu đô thị hay chung cư, điều này rất khó thực hiện bởi điều kiện diện tích không cho phép. Vì thế, có thể treo chậu hoa hoặc trồng các loại dây leo, giảm việc phải sử dụng máy điều hòa, có thể chọn những loại hoa như ti-gôn, thiên lý…
Với kiểu nhà ống, có thể dùng lưới thép gắn chặt cây vào tường để rễ cây bám vào lưới thép và vào tường. Tại các lối ra vào, có thể trồng cây, trải thảm cỏ thay cho đổ bê tông sẽ giúp giảm sự tích nhiệt và phản chiếu độ nóng hắt từ khu vực xung quanh vào nhà.
Với nhà mái bằng, việc trồng cây, trồng rau trên sân thượng cũng là một giải pháp làm mát nhà hiệu quả. Lớp đất ẩm của vườn sẽ ngăn bức xạ chiếu trực tiếp xuống bề mặt bê tông của mái, giúp điều hòa nhiệt độ và chống nóng rất hiệu quả.
Ngoài ra, việc giảm bức xạ cũng làm cho bê tông giảm thiểu hiện tượng co ngót (đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi đột ngột) gây nứt bề mặt, từ đó dẫn đến hiện tượng thấm dột.
Tuy nhiên, cần lưu ý là sân thượng phải được thiết kế chống thấm tốt, việc xử lý thoát nước, chống úng ngập cũng phải được thi công kỹ lưỡng theo đúng tiêu chuẩn, quy trình.
Xử lý môi trường và thông gió tự nhiên trong nhà
Trong nhà nên có hai cửa sổ luôn mở, một cho gió thổi vào và một cho gió ra khỏi nhà. Khi có những cơn gió thổi qua, ngôi nhà sẽ mát mẻ hơn.
Sắp xếp đồ nội thất gọn gàng, đơn giản và các không gian nội thất cần cải tạo phù hợp để căn nhà được thông thoáng. Không nên để các đồ dùng cao lớn (như tủ, kệ…) làm cản hướng gió thổi hoặc bít các cửa sổ.
Nên lắp đặt các cửa sổ theo nhiều kích cỡ khác nhau như cửa có cánh kéo lên, hạ xuống hay cửa kéo một bên phù hợp với các loại nhà nhỏ; cửa sổ thuộc loại mở hết đối với nhà có diện tích rộng tạo điều kiện cho gió vào nhà.
Cần tránh quan niệm sai lầm là bịt kín mặt tiền nhà sẽ ngăn được nắng nóng, trong khi trên thực tế tường càng kín lại càng hấp thu ánh nắng và chậm tỏa nhiệt. Nhiều căn nhà ống thường bị nóng do không khí không lưu thông.
Lỗ thông gió tại các tầng là rất quan trọng, giúp không khí nóng thoát khỏi căn nhà và không khí mát sẽ lưu thông qua cửa sổ các tầng lầu làm cho trong nhà luôn mát.
Nhà không có lỗ thông gió khiến cho không khí nóng ở trong nhà không có đường thoát ra làm cho căn nhà trở nên oi bức. Vì vậy, nên thiết kế thêm lỗ thông gió để chống nóng.
Nên chọn sử dụng các loại vật liệu xanh thân thiện với người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường, bởi chính môi trường ngày càng ô nhiễm cũng là một trong số các nguyên nhân của việc trái đất nóng lên.
Ngoài ra, gia chủ cũng có thể thiết kế tiểu cảnh là hồ nước, con suối nhỏ, hòn non bộ hoặc hồ nuôi cá…, vừa có tác dụng trang trí, tạo tiếng nước chảy róc rách dễ chịu vừa tận dụng được hơi nước bốc lên và lan tỏa khắp nhà, góp phần làm dịu bầu không khí nóng bức.
Với từng ngôi nhà hay căn hộ có điều kiện khác nhau, chúng ta có thể kết hợp các cách trên một cách linh hoạt, hoặc có thể tham khảo và nhận tư vấn từ các kiến trúc sư để có phương pháp cải tạo chính xác, phù hợp.