Khi các thiết bị di động công nghệ cao của cá nhân ngày càng phổ biến, có vẻ như một số ngôi nhà hiện nay không còn xem trọng yếu tố nghe – nhìn đạt chuẩn nữa. Điều này vô tình dẫn đến ít nhiều sai lệch trong cách thức bài trí và xử lý không gian.
Việc đảm bảo các yếu tố thính giác – thị giác đúng mức cho không gian sống là tiêu chí phong thủy quan trọng, tương tự như y học hiện đại đã khuyến cáo các nguy cơ với sức khỏe con người khi thính giác – thị giác bị suy giảm. Giữ cho ngôi nhà không bị “mắt mờ – tai kém” cũng chính là giữ cho phong thủy không gian sống được bền vững và tiện ích.
Nhà xưa nhà nay và chuyện nghe nhìn
Không thể so sánh không gian nghe nhìn giữa nếp nhà xưa và ngôi nhà hiện đại, vì sự khác biệt quá lớn giữa hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật âm thanh, cũng như nhu cầu và “khẩu vị” nghe nhìn của con người đã đổi khác. Nhưng các chuyên gia về môi trường và văn hóa vẫn chỉ ra rằng trong các giáo đường xưa tồn tại đến ngày nay, trong các không gian đình chùa truyền thống Việt, yếu tố “nghe hay, nhìn đẹp, tâm linh hòa quyện” được tổ chức rất tinh xảo và đáng khâm phục. Liệu công trình thời hiện đại có thể học hỏi gì để áp dụng trong không gian ngày nay?
Khi nhìn lại nếp nhà truyền thống, cũng như ngó qua các nước tiên tiến đã làm kiến trúc bền vững như thế nào, nhà Việt hiện đại có thể rút ra một số đặc điểm chính:
– Cấu trúc tạo nên tiện ích: hầu như khó có thể tìm thấy các bố cục mang tính phô diễn hình khối phức tạp mà không nhằm vào mục đích tạo tiện ích về nghe – nhìn trong các không gian công cộng, tôn giáo xưa.
Hệ trục quan sát của nhà gắn kết với trục giao thông, được tính toán cẩn trọng trên mặt bằng cũng như chiều cao, để bước vào nhà có thể nhận ra đâu là chính, đâu là phụ, điểm trang trọng chỗ nào, trục chính ở đâu, đóng mở các lối đi lại tránh luồng khí xuyên thấu ra sao…
Do đó, tổ chức mặt bằng truyền thống thường tính toán quan hệ hình học chặt chẽ, theo tỷ lệ tường minh trong phong thủy và theo nhân trắc học của người cư ngụ (cây thước tầm là một ví dụ sống động về hệ đo đạc theo tỷ lệ người Việt rất chặt chẽ).
– Nghe nhìn tốt trong trường khí tốt: nếu tuân theo quy luật về dẫn truyền âm thanh, kiểm soát tầm nhìn rõ thì không gian nhà hiện đại cần tính toán về trang âm, ánh sáng ngay từ phần thô, để vừa đảm bảo tiện ích vừa giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và thị giác từ môi trường bên ngoài tác động vào. Nên cân nhắc vị trí trồng cây, tường ngăn dạng bình phong hoặc hồ cảnh để vừa giảm Trực Xung do ngoại cảnh, vừa tạo các khoảng đệm cần thiết cho nhà.
Nhà xưa chủ yếu dùng vật liệu thô mộc nên âm thanh không bị dội, ánh sáng không chói gắt, nhưng điều này dễ khiến tăng âm giảm dương, nên nhà hiện đại có thể dùng vật liệu gương, kính giúp ngăn mà không cách, tạo sự kết nối, nhờ gương phản chiếu để nới rộng không gian và tăng tầm quan sát tại các vị trí khuất và tối. Thô mộc không nhất thiết là thủ pháp bao trùm toàn bộ không gian vì dễ dẫn đến cảm nhận về trường khí âm u, trì trệ.
– Sáng tạo, khác biệt, không rập khuôn: Nhờ dị biệt về khí hậu, địa hình, tập quán… tại các địa phương khác nhau trên thế giới đã làm nảy sinh ra các nền văn minh, văn hóa khác nhau. Việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt hình thức. Có thể thấy từ các nhà thờ xây gạch trần vùng Nam Á, các nhà nguyện bằng bê tông tối giản ở Nhật Bản, hay nhà cộng đồng bằng tranh tre ở Bali (Indonesia)… đều rất đặc sắc, riêng biệt và khó có thể áp dụng ở điều kiện Việt Nam nếu không có sự biến đổi, tính toán sao cho phù hợp về tỷ lệ, thẩm mỹ, chất liệu, nhằm hợp với khí hậu và nhân trắc của người Việt.
Màu sắc và chất liệu hướng đến trung hòa
Đi vào không gian nghe nhìn cụ thể, thời nay rất thuận tiện khi thị trường vật liệu chuyên dụng về hút âm, cách âm khá phong phú, dễ sử dụng. Hoạt động giải trí đa phần mang tính Dương nhiều, âm thanh, ánh sáng đòi hỏi điều tiết phù hợp nhịp sinh học. Nguyên tắc phong thủy cơ bản là cân bằng Âm Dương, thể hiện qua hai nhóm giải pháp: chất liệu và màu sắc.
Về cơ bản, các chất liệu có độ xốp rỗng và cấu trúc lỗ sẽ giúp giảm dao động của sóng âm, hấp thu năng lượng của âm thanh và ngăn tiếng ồn không rò rỉ qua các kết cấu. Sơn cách âm cũng có khả năng cách âm tốt, rất có hiệu quả khi dùng ở trần, vách ngăn gỗ, thạch cao, tường gạch. Ngoài ra, sơn cách âm còn cách nhiệt và có chức năng giảm âm dội, âm cộng hưởng trong phòng nghe nhìn. Dĩ nhiên, việc sơn ở đâu, dùng vật liệu gì đều cần có sự cân nhắc về kỹ thuật, vì thế nên được chuyên gia tư vấn, không thể làm tùy tiện.
Việc chọn màu sắc cho không gian sinh hoạt – giải trí – nghe nhìn trong nhà hợp phong thủy nên ưu tiên những gam màu trung tính (neutral), có độ ấm ngả về vàng, nâu, v.v… mang đặc trưng hành Thổ trung dung, không thăng, không giáng, để làm nền tốt cho các hành khác của thiết bị nghe nhìn và vật dụng trang trí. Cách dùng chất liệu và màu sắc trung dung này cũng hợp tinh thần Lão Tử “vi như vô vi”, tạo khoảng trống có nghĩa, tránh gây nhiễu động trường khí không gian nghe nhìn.
Mặt khác, sử dụng màu và chất liệu không chỉ nằm ở sơn tường hay giấy dán, mà còn dùng trên rèm cửa, gối nệm, thảm sàn… sao cho đồng bộ. Việc quan tâm xử lý bề mặt chất liệu sẽ giúp đặc tả tốt hơn các ý tưởng của gia chủ về một chốn sinh hoạt gia đình, tận hưởng các giây phút giải trí tại gia. Gỗ và các biến thể của hành Mộc xưa nay luôn được ưu tiên trong các rạp hát, phòng nghe nhìn từ cao cấp đến bình dân, vì đặc tính vừa tự nhiên gần gũi vừa đạt hiệu quả về mặt trang âm và giảm các phản xạ âm thanh, ánh sáng bất lợi so với kim loại, hay nhựa, thủy tinh…
Cá nhân hóa thông qua phối kết ngũ hành
Cần hiểu ngũ hành là tổng hòa các quan hệ vừa tương hỗ vừa đối lập nhau, tác động qua lại trong thể thống nhất. Khi ứng dụng ngũ hành vào nội thất, cần tránh gây sự thiên lệch, nên chọn lọc tỷ lệ hợp lý với hành cơ bản của bản mệnh, các hành sinh chủ và hành chủ sinh hỗ trợ, còn hành chủ khắc làm điểm nhấn và hành khắc chủ dùng điểm xuyết.
Dù mỗi gia chủ có mệnh ngũ hành và sở thích chọn lựa vật dụng khác nhau, vẫn có nguyên tắc chung để đạt sự hài hòa. Cụ thể, trong không gian phòng nghe nhìn – phòng giải trí tại nhà có một vài nguyên tắc chọn lựa cấu trúc, vật dụng tương hợp như sau:
Người mệnh Thổ: phòng vuông vức, nhiều bề mặt dạng phẳng và vuông, gam màu vàng, nâu trầm, bề mặt thô ráp… làm chủ đạo. Trang trí thêm các bình gốm, tượng đất nung, sỏi cuội, phong cách nội thất và vật dụng mang tính mộc mạc thô ráp. Có thể dùng các trục dẫn màu đỏ, góc tam giác (Hỏa sinh Thổ) hoặc thảm trắng, rèm trắng (Thổ sinh Kim) là hài hòa bộ ba Hỏa – Thổ – Kim.
Người mệnh Kim: phòng vuông hoặc chữ nhật (Thổ sinh Kim) hoặc dạng phòng có bo tròn nhẹ, kết hợp đóng trần mảng tròn, hình vòm. Thiết bị và tủ kệ hợp với dạng kim loại, nhiều khối tròn hoặc elip, gam màu trắng và xám làm chủ đạo, có ánh đồng hoặc bạc, thiết kế nội thất mang tính công nghiệp. Tuy nhiên cần tránh nhiều kim loại dễ gây dương quá thịnh mà nên bổ sung hành đối lập Kim là Mộc trên sàn hoặc các vị trí cửa, góc phòng.
Người mệnh Thủy: không gian nghe nhìn mang nhiều nét uốn lượn, vật dụng, thiết bị có tỷ lệ nhiều màu đen, xám và xanh biển. Có thể điểm xuyết một số đồ thủy tinh và nhựa, nội thất giao thoa giữa tính thiên nhiên (Thủy – Mộc) và tính nhân tạo (Thổ – Kim), khai thác tính chồng lớp, gợn sóng và tuôn chảy, hoặc tạo dáng phỏng sinh học làm ngôn ngữ chủ đạo.
Người mệnh Mộc: phòng giải trí có thể dài, trang trí phóng khoáng, tự nhiên và nghiêng về chất môi trường. Ví dụ như xử lý khung trần họa tiết hoa lá, dùng gỗ thô mộc làm phông nền, vật dụng và thiết bị. Đồ đạc trong không gian có tính Mộc chủ đạo sẽ mang nhiều hơi hướng cổ điển, gam màu xanh lá cây và xanh biển sẽ khá phù hợp.
Người mệnh Hỏa: có thể đặt phòng giải trí dưới gian áp mái, có trần hay mái nghiêng xéo bên trên, hoặc góc cạnh phòng không song song, tạo ấn tượng về cá tính mạnh và chiều hướng rõ rệt. Vật dụng và thiết bị nghe nhìn hợp với hình chóp nhọn, hình thang, ngôi sao…
Chủ nhân mệnh Hỏa cũng hay tương thích với các màu đỏ hoặc cam, đi với độ rực rỡ, phản quang nhiều hơn. Dĩ nhiên, do Mộc sinh Hỏa nên mệnh Hỏa vẫn có thể thừa hưởng các tính chất của Mộc kể trên.
Chú ý: Nên dùng kết hợp cả ngũ hành cho mỗi mệnh, ví dụ người mệnh Mộc ngoài tỷ lệ chính là Mộc và Thủy, có thể dùng thêm cả Hỏa, hạn chế Kim và có một chút Thổ vẫn được.
– Ảnh Xuân Trang