Khi bức tranh vẽ ngựa được treo lên tường phòng khách, cả người thiết kế lẫn chủ nhân đều ngạc nhiên, bởi màu sắc, cách tạo hình và thần thái của tác phẩm hết sức hài hòa với căn hộ này – một không gian sống hiện đại dù khá nhiều đồ đạc nội thất lại mang dáng dấp, hơi hướm của thời quá khứ…
Chủ nhân dọn về đây chưa lâu nên bức tranh vẽ ngựa càng hợp với năm mới Giáp Ngọ, song quan trọng hơn là tác phẩm – thuộc loạt tranh đề tài chuyển động của họa sĩ Phạm Minh Đức, hiện đang sống và sáng tác tại châu Âu – như thể được khai sinh cho chính nơi này vậy. Có cơ hội đi đến nhiều phương trời xa, chủ nhân đã mang về căn hộ của mình nhiều món trang trí cũng rất thẩm mỹ, như cặp ngựa nhỏ bằng gỗ và đồng từ châu Âu, những tranh phong cảnh Penang vẽ chì được anh sưu tầm trong thời gian làm việc tại Malaysia, chiếc khay gỗ trang trí thủ công… Chính những đồ vật đó góp phần tạo cá tính và tình cảm cho không gian sống của anh.
Công việc thiết kế căn hộ lại là một câu chuyện khác từ chính chủ nhân. Trong khi trao đổi với kiến trúc sư, anh cho biết rất thích trong không gian sống của mình có một thân cây cao từ sàn lên đến trần. Không ngờ đó là nguồn cảm hứng để kiến trúc sư đưa ra giải pháp nội thất. Thân cây khế được chọn bởi dáng đẹp mà không quá um tùm. Một cành lớn được lấy từ một cây khế cổ thụ đưa về trang trí, tạo điểm nhấn trong căn hộ. Vẻ thô mộc và cảm xúc từ thân cây đã giúp hình thành concept về một căn hộ mang âm hưởng của châu Á đương đại với những hòa trộn cũ – mới, ngẫu hứng – sâu lắng…
Song nhược điểm cần khắc phục trước tiên ở căn hộ là trần khá thấp, từ sàn đến trần chỉ 2,7m, dễ tạo cảm giác bức bối, ngộp thở. Giải pháp là dỡ bỏ lớp thạch cao sẵn có của trần, lộ ra phần bê-tông của tầng nhà, chỉ “cơi nới” thêm được hơn 30cm nhưng đủ để không gian trở nên thoáng hơn. Kế tiếp là phá bỏ vách ngăn của phòng ngủ chính để nối thông với phòng khách, giúp không gian sống rộng hơn. Căn hộ hai phòng ngủ như hiện trạng ban đầu đã trở thành căn hộ studio có thêm một phòng ngủ nhỏ.
Những xử lý nội thất khác của kiến trúc sư tạo nên diện mạo hôm nay của căn hộ. Mảng tường lớn được giữ nguyên màu xi măng thô, trong khi sàn gạch có màu xám nhạt. Trần nhà cũng giữ màu bê tông mộc, chỉ tráng một lớp hồ dầu. Tất cả tạo thành một “bè trầm” gây ấn tượng đậm nét. Cách phối hợp đồ đạc, vật dụng cũng rất thoải mái, nghệ sĩ tính. Sofa đính nút vải nhung đỏ điệu đà mà cũng thấp thoáng Á Đông. Bàn trà ở khu vực tiếp khách là một chiếc rương cũ rất ít chi tiết để phù hợp với tinh thần chung, dưới là tấm thảm lục bình giản dị. Giường sắt với thanh mắc màn sơn đen, kế bên là đôn gốm và tủ quần áo kiểu xưa cũ. Dường như những hình ảnh đây đó trong căn hộ ta có thể gặp trong một bộ phim về thời Đông Dương trăm năm trước, nếu không có những dấu chỉ của thời điểm hiện tại, chẳng hạn qua ngọn đèn ngủ và bộ chăn nệm tân thời. Ở gần lối ra vào căn hộ là bộ bàn ăn, nơi lại chất chứa những hoài niệm: bàn ăn có chân chữ A như của các bộ ván ngựa, chung quanh là những chiếc ghế nhiều kiểu, cũ có, được làm mới cũng có, thêm vào không gian đó là thanh gỗ dài chạm khắc tỉ mỉ và khung gương lớn bằng gỗ được mang về từ một cửa hàng đồ cổ.
Mùa xuân không chỉ dạo qua mà đang tràn ngập không gian sống này…
Tư gia Anh Phạm Minh Vũ
Căn hộ 8.04 Chung cư Harmona,
33 Trương Công Định, Q. Tân Bình, TP.HCM
Thiết kế: KTS Trần Hoàng Trung
TD Solutions
44B Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
- Xem thêm: Dấu thời gian trong một căn hộ mới