Trong số 12 con giáp, chắc chắn con heo (lợn) cầm đèn đỏ về mặt… dung mạo. Chẳng thế mà Lão Trư trong truyện Tây Du Ký nguyên là Thiên Bồng nguyên soái uy nghi trên Thiên giới chỉ vì say rượu, chọc ghẹo Hằng Nga nên đã bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian, đầu thai thành người có bộ mặt heo xấu xí. Thế nhưng heo được đưa vào tranh của nhiều họa sĩ từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến đương đại.
Hình tượng lợn nổi tiếng nhất của mỹ thuật Việt là trong tranh dân gian Đông Hồ qua hai bản in khắc gỗ màu Lợn đàn và Lợn ăn cây ráy; cả hai đều được các nghệ sĩ dân gian ở làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tạo hình rất đẹp, lại mang ý nghĩa sung túc, sum vầy nên ngày xưa thường được treo trong nhà dịp tết cổ truyền. Ngoài ra, tranh Kim Hoàng (làng nghề làm tranh dân gian Kim Hoàng thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội nay đã mai một) cũng không thiếu hình tượng lợn.
Mới đây, đón chào Xuân Kỷ Hợi, một triển lãm tranh tập trung chủ đề “Hợi” được tổ chức tại gallery Đông A (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) với 57 tác phẩm của 30 họa sĩ đương đại, trong đó có Thành Chương, Đào Trọng Lưu, Lê Trí Dũng, Phạm Kiên, Phạm An Hải, Vũ Dũng, Phạm Hà Hải, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Minh Nam, Đặng Thu An, Khổng Đỗ Duy… Thôi thì các kiểu lợn được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ hội họa và đa dạng chất liệu tạo hình, nhiều tác giả còn đưa hơi thở cuộc sống nóng hổi tính thời sự vào tranh vẽ chú ỉn, hoặc nhìn ngắm con vật tượng trưng cho sự sinh sôi, no đủ, đầm ấm này qua những lăng kính ngộ nghĩnh, duyên dáng đến bất ngờ…
Con heo ăn sơn dầu của Jamie Wyeth
Thật ra, loài gia súc này đã có mặt trong tranh của nhiều họa sĩ từ thời Phục hưng đến hiện đại như Giuseppe Arcimboldo (1526-1593), Rembrandt (1606-1669), Paulus Potter (1625-1654), Gustave Courbet (1819-1877), Willem de Zwart (1862-1931), Joseph Crawhall III (1861-1913), Max Liebermann (1847-1935)… và cả Picasso. Nhưng thú vị nhất phải kể đến “nhân vật heo” trong tranh của họa sĩ Mỹ Jamie Wyeth.
- Xem thêm: Con gà trong lịch sử mỹ thuật
Sinh năm 1946, Jamie Wyeth – tên khai sinh là James Browning Wyeth – thuộc thế hệ thứ ba của một gia tộc hoạt động mỹ thuật lẫy lừng mà người khởi đầu Newell Convers Wyeth (1882-1945, thường được biết đến với tên viết tắt N.C. Wyeth), bậc thầy về tranh minh họa; kế đến là Andrew Newell Wyeth (1917-2009), một trong những họa sĩ Mỹ nổi tiếng nhất giữa thế kỷ 20.
Tiếp bước con đường nghệ thuật của ông nội N.C. Wyeth và cha Andrew Wyeth, Jamie Wyeth suốt đời vẽ tranh hiện thực, với đề tài chính là cuộc sống tại các nông trại của gia đình ở hai bang Maine và Pennsylvania, nơi mà theo ông “ngoại trừ mấy chú khuyển còn mọi người ở đó đều vẽ tranh”, bởi ngoài những tên tuổi kể trên, có hai người cô và hai người chú của Jamie cũng là các họa sĩ nông thôn.
Sống trong một môi trường như thế nên dễ hiểu Jamie say mê hội họa từ thơ ấu: năm 1949, khi mới gần ba tuổi chú bé Jamie đã trực họa bằng bút chì một quả bí ngô. Từ bức vẽ đầu đời đó, đề tài cuộc sống thường nhật ở nông thôn đến với Jamie thật tự nhiên và gắn bó suốt sự nghiệp hội họa của ông.
Tháng 6-2011, Bảo tàng Brandywine River ở hạt Chadds Ford, bang Pennsylvania đã tổ chức một triển lãm khoảng 70 tác phẩm của Jamie Wyeth, tất cả đều thể hiện cuộc sống ở trang trại của gia đình ông tại Chadds Ford như tranh phong cảnh, tranh vẽ các loại gia súc, chim muông… Và đặc biệt nhất là bức tranh có tên Chân dung của Hợi (Portrait of Pig) với con heo trong tranh được vẽ to bằng kích cỡ ngoài đời thực.
Câu chuyện về nàng heo đó thật hài hước, được chính Jamie kể. Số là một lần nọ họa sĩ đi sang nông trại kế cận để sáng tác, lúc ông đang vẽ có một con heo nái quẩn quanh ở đó. Thế rồi người chủ trại nhờ Jamie giúp một tay công việc gì đó. Một giờ sau, Jamie quay lại chỗ đặt giá vẽ thì thấy con heo đang ngáy rất to, mõm nó be bét màu xanh da trời và màu cam; hóa ra trong khi vắng Jamie nó đã xơi hết 17 tuýp sơn dầu và lăn ra ngủ! Jamie không khỏi lo lắng cho con heo vì đó là những màu chứa hóa chất độc hại.
- Xem thêm: Ngựa và nghệ thuật thăng hoa
Vài ngày sau, họa sĩ trở lại nông trại láng giềng xem sự thể ra sao và thấy ông chủ trại đang hết sức kinh ngạc trước những bãi phân heo nhiều màu sắc lấp lánh. “Khi biết ông ấy sắp bán con heo đó cho hàng thịt, tôi bảo: Ồ không, tôi sẽ mua nó! Rồi tôi trả tiền cho ông, mang con heo về nông trại của mình, ở đó nó đã sống đến hết đời” – họa sĩ kể.
Chính con heo ăn 17 tuýp sơn dầu đó được Jamie Wyeth đưa vào một xêri các tác phẩm của ông, nhiều bức được bán với giá cao. Ngày 28-11-2007, trong một phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s ở New York, bức Heo và xe lửa được bán với giá 541.000 USD.
Ngày 4-11-2008, trong phiên đấu giá của nhà Christie’s ở New York, bức Những chú heo đêm được bán với giá 156.500 USD. Nhưng các mức giá đó chưa bén gót một tác phẩm của ông nội Jamie: ngày 23-5-2018, trên sàn đấu giá của nhà Sotheby’s ở New York, bức Chân dung một nông dân của N.C. Wyeth, thể hiện một nhà nông ở Pennsylvania đang cắp nách một chú heo con đã được bán với giá gần 6 triệu USD.
Tranh do heo vẽ bán giá ngàn đô
Chuyện họa sĩ Jamie Wyeth vẽ con heo ăn màu dầu vẫn chưa hấp dẫn bằng chuyện chính heo vẽ tranh và tranh của “họa sĩ heo” được bán với giá vài ngàn USD! Đây không phải trò đùa truyền thông mà được đưa lên các báo, tạp chí có uy tín lớn như New York Times, National Geographic.
Khi Joanne Lefson ở Cape Town (Nam Phi) đưa một bé heo mới bốn tuần tuổi khỏi một trại nuôi heo công nghiệp hồi tháng 5-2017, cô không thể ngờ nổi mình đã cứu được một “tài năng hội họa” bốn chân.
Bé heo được đưa về chỗ ở mới là một trang trại ở Franschhoek, phía tây Cape Town, tại đó nó được Lefson cho nhiều món đồ chơi để đùa vui, nhưng nó chẳng màng đến thứ gì ngoại trừ mấy cây cọ vẽ của cô chủ – “đó là thứ duy nhất mà nó không ăn” theo lời cô.
Thế là Lefson quyết định dạy bé heo vẽ tranh bằng kỹ thuật huấn luyện thú như trong gánh xiếc, nghĩa là nó sẽ được thưởng bằng thức ăn khoái khẩu khi làm được điều chủ dạy. Thật lạ lùng khi chứng kiến Pigcasso – tên bé heo được Lefson đặt bằng cách ghép từ Pig (heo) với Picasso – dùng mõm nhúng cọ vào thùng sơn rồi phết ngang, phết dọc lên khung vải với sự say mê chẳng khác gì con người.
- Xem thêm: Chú khuyển trong tác phẩm mỹ thuật
Cứ như vậy Pigcasso đã vẽ được khá nhiều tranh trong hơn một năm qua, và Lefson cho biết: “Tôi không ép nó vẽ được. Pigcasso chỉ vẽ khi nào nó muốn”. Cô kể cách “sáng tác” của Pigcasso: “Thường thì tôi chất đầy cho nó một giỏ đồ ăn ngoài trời, thế là nó ăn ngấu nghiến dâu, ổi và bắp rang những lúc ngưng vẽ. Với Pigcasso, đó là thiên đường của nó”. Những gì được Pigcasso vẽ, theo Lefson, có thể gọi là “tranh biểu hiện”.
Đã có nhiều loài thú biết vẽ như dã nhân, cá heo, chim két, kể cả một chú tê giác trắng tên là Stubby ở sở thú Baltimore biết dùng sừng (được nhân viên chăm sóc nó nhúng vào màu) để quậy lên khung vải. Nhưng cho tới nay Pigcasso là con heo duy nhất trên thế giới làm được điều lạ lùng kể trên. Có thể gọi đó là sự sáng tạo hay chỉ là một dạng đặc biệt của bản năng? Trường hợp của Pigcasso đã được nhiều nhà khoa học mổ xẻ.
Kristina Horback, phó giáo sư khoa động vật học Đại học Davis (California) khẳng định rằng nhiều loài cầm thú có bản năng tự nhiên về mỹ thuật và sáng tạo. Cô đưa ra ví dụ về những con chim đinh viên (bowerbird – một họ chim sống ở Úc và New Guinea) trống biết cách dùng nấm, các loại hạt, xác bọ cánh cứng và cả phân của sâu tìm được trong rừng để trang trí tổ của chúng; có thể nói chim bowerbird trống đích thực là nghệ sĩ trong nghề xây tổ không loài chim nào khác sánh kịp.
Còn trong cuốn sách Dã nhân và bậc thầy làm sushi (The Ape and the Sushi Master – xuất bản năm 2001), nhà nghiên cứu về loài linh trưởng Franz de Waal đã mô tả những con tinh tinh thể hiện được sự cân nhắc và biết làm mẫu trong các bức tranh do chúng vẽ, qua một phim video hiện được lưu giữ tại Trung tâm nghiên cứu về loài linh trưởng của Đại học Kyoto.
Trong khi các nhà khoa học còn tranh luận thì khoảng gần 50 bức tranh do Pigcasso vẽ đã được Lefson rao bán ở Anh, Mỹ, Nam Phi và Malaysia, có bức đã được một nhà sưu tập người Hà Lan mua với giá… 1.730 bảng Anh (khoảng 2.000 USD), còn trước đó “tác phẩm đầu tay” của bé bự Pigcasso – nay nó đã nặng tới 240kg – đã được một luật sư người Mỹ mua khi ông đến thăm trang trại của Lefson. Một triển lãm dành riêng cho Pigcasso với tên gọi Oink đã được tổ chức tại Cape Town hồi đầu năm 2018. Chưa hết, Lefson có ý định sẽ đưa tranh của Pigcasso đến với công chúng ở London, Paris, Berlin và Amsterdam.