Chủ nhân biệt thự này là một nhà thiết kế thời trang; anh muốn không gian sống của mình đậm tính chất nghỉ ngơi – thư giãn, mang tinh thần tối giản về phong cách kiến trúc và nội thất, đem đến nhiều cảm hứng thiên nhiên, đáp ứng được đời sống tâm linh (đạo Phật) của chủ nhân, và đặc biệt là thể hiện được những nét văn hóa dân gian Việt Nam.
Thường thì những người làm nghề liên quan đến sáng tạo muốn chi phối các ý tưởng thiết kế kiến trúc và nội thất khi xây dựng không gian sống của mình, nhưng chủ nhân ngôi nhà này đặt hết sự tin tưởng vào khả năng chuyên môn của các nhà thiết kế. Khi trao đổi với họ về kiến trúc và nội thất, anh chỉ đề ra yêu cầu về các không gian chức năng, nhu cầu về cảm xúc và tâm linh trong ngôi nhà của mình.
Nằm ở mặt tiền đường, ngôi nhà có diện tích khá rộng, gồm tầng hầm, tầng trệt, hai lầu và sân thượng. Tầng hầm và một phần diện tích mặt tiền ở tầng trệt được sử dụng làm nơi trưng bày, kinh doanh sản phẩm thời trang. Không gian sống được đưa về “tuyến sau” và đẩy lên các tầng lầu, tách rời với hoạt động kinh doanh. Nhìn từ bên ngoài, kiến trúc là hai khối vuông màu trắng thanh khiết xếp chồng lên nhau, được thiết kế với kính và lam nhôm sơn trắng, tạo ấn tượng mạnh về sự tối giản. Cánh cổng sắt bên hông mở lối đi riêng vào không gian sống của chủ nhân. Chỉ cần bước vào bên trong ngôi nhà, đã có ngay được cảm giác yên tĩnh và thư giãn dù xe cộ bên ngoài khá nhộn nhịp. Các không gian đều mở, bao quanh là nước.
Tầng trệt là không gian đón tiếp với phòng khách, bếp và phòng ăn liên thông, có nhiều góc nhìn thú vị ra chung quanh. Khung cảnh nơi đây thật thư thái, dễ chịu nhờ có mặt nước, cây xanh, kết hợp với vật liệu chủ đạo là kính, xi măng và gỗ. Rèm treo và các sofa bed màu trắng góp phần làm tăng vẻ thuần khiết, lãng mạn và trong suốt của không gian. Vài tượng Phật được đặt ở các vị trí thích hợp, tạo điểm nhấn tâm linh cho ngôi nhà, vừa đủ để đem lại cảm giác bình an mà vẫn giữ được sự tôn nghiêm cần thiết.
Làm thế nào để đưa các yếu tố văn hóa dân gian vào một không gian sống hiện đại mà không tạo sự gượng ép? Ở ngôi nhà này, đó là các câu hò vè, các hình ảnh và họa tiết vẽ trên tường và trần nhà mô tả những hoạt động dân dã cùng những sắc thái tình cảm của người Việt. Hình ảnh phiên chợ làng, đám cưới hay những sinh hoạt đời sống thôn dã và thị tứ tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chiếc khuôn bánh in khá lớn dùng để cắm hoa ở sảnh vào phòng khách. Những chiếc đèn treo tạo hình đám mây ở phòng khách và chiếc bàn ăn bằng resin được thiết kế riêng. Khung hình chữ “thọ” đặt ở trung tâm mảng lam mặt tiền nhà hiện đại…
Dấu ấn văn hóa dân gian còn đậm nét trong phòng ngủ master ở lầu 2 với những tranh vẽ chi tiết và kỳ công trên trần. Ở đây là những tiện nghi đáp ứng sự hưởng thụ cuộc sống: hồ bơi, giường ngủ, phòng thay đồ và khu vệ sinh ở phía sau với mảng xanh tre trúc bao quanh và luôn tràn đầy nắng gió. Về đêm, một khối sáng tròn trên mảng tường phía sau rặng trúc gợi cảm giác đang sống trong không gian sân vườn với ánh trăng lấp ló. Và còn rất nhiều điều thú vị để khám phá ở ngôi nhà này…
Nhà số 19 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM
Trang trí nội thất và ý tưởng kiến trúc: John Nguyễn (ĐT: 0903906123)
Thiết kế kiến trúc: KTS Lê Khánh Hiền (GVI Design – ĐT: 0913620621)
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
- Xem thêm: Không gian của nghệ thuật