Ngôi nhà này tọa lạc trong một khu dân cư mới mà người dân xung quanh hay gọi là “khu lâu đài”(*), bởi hình khối kiến trúc của các biệt thự ở đây – theo thiết kế sẵn có – đều hoành tráng. Chủ nhân không muốn mình bị vẻ ngoài ấy của ngôi nhà “áp đặt”, thay vào đó họ tạo một không gian sống bình dị hơn, “nhà quê” hơn, gần hơn với tâm thức và văn hóa của họ.
Tất nhiên, ngôi nhà đó không thể “quê kệch” mà phải đáp ứng được những nhu cầu sống tiện nghi, tận hưởng cuộc sống của những người thành đạt hôm nay. Điều rất quan trọng là ngôi nhà phải hội đủ điều kiện để có thể lưu giữ và trưng bày những tác phẩm sơn mài của một họa sĩ nổi tiếng ngày trước ở Sài Gòn và là người thân trong gia đình chủ nhân.
Nhiệm vụ của người thiết kế là xử lý kiến trúc và nội thất của một căn biệt thự thô thành một không gian sống đáp ứng những yêu cầu nêu trên của gia chủ. Trước hết là hai loại vật liệu chủ đạo mà người thiết kế sử dụng trong ngôi nhà này: gỗ và gạch bông. Làm sao để các vật liệu vốn phổ biến ấy góp tiếng nói của chúng để ngôi nhà có được một nét riêng biệt là “nghề” của người thiết kế.
Gỗ được sử dụng theo một mô-típ trang trí thống nhất ở mọi không gian, mà chỉ nhìn đủ gợi cho người ta nhớ ngay đến những nếp nhà quyền quý, phong lưu thuở trước. Gỗ chạm lộng làm bình phong ngăn cách lối vào và phòng ăn, gỗ ngăn cách gian bếp và bồn rửa dành cho khách, gỗ làm vách ngăn di động phân chia khu vực ngủ – nghỉ của con cái và bố mẹ, giữa khu vực tắm và thay đồ…
Cùng một mô-típ nhưng biến hóa linh hoạt ở mỗi không gian khác nhau: phòng trẻ em tươi mới và sinh động nhờ gam màu hồng ngọt ngào; vách ngăn ở những nơi cần sự thông thoáng và tầm nhìn mở thì chỉ là những khối rỗng, nhưng ở những nơi cần sự riêng tư thì kết hợp với kính và decal mờ… Gạch bông chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng mang tính trang trí và thể hiện rõ hiệu quả của nó khi trở thành điểm nhấn cho các không gian. Gạch bông các loại đều được đặt riêng để có họa tiết và kích cỡ phù hợp với từng không gian.
Để trung hòa vật liệu gỗ với tông sẫm, đồ đạc nội thất có nhiều màu sắc: màu xanh vải bọc sofa và bọc ghế ở phòng khách, màu xanh của bàn soạn và của những viên gốm ốp tường trong gian bếp. Nhưng làm nên vẻ sinh động, rực rỡ của không gian sống này là những bức tranh sơn mài được chủ nhân đặc biệt yêu quý. Tất cả là tác phẩm của ông bác ruột của gia đình – họa sĩ Đằng Giao, vốn là học trò của bậc thầy sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Tranh của họa sĩ Đằng Giao phổ biến trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài hơn là trong nước. Họa sĩ nay đã 75 tuổi, không còn sáng tác nhiều, nhất là với những bức tranh khổ 2m x 4m như bức trưng bày ở phòng khách thì hết sức hiếm. Chính vì vậy chủ nhân muốn lưu lại những tác phẩm của ông như những kỷ vật thân yêu của gia đình.
Bên cạnh những tranh sơn mài quý giá, trong ngôi nhà này còn có rất nhiều vật trang trí có tuổi thọ lâu đời, như chiếc tủ chạm trổ gần bàn ăn, đôi câu đối hai bên bức tranh hội làng, chiếc phản gỗ cũ kỹ ở phòng thờ… tất cả cho thấy những giá trị truyền thống lâu bền theo thời gian được bảo tồn trong không gian sống hiện đại của một gia đình trẻ. Điều đó hẳn sẽ mang đến niềm vui cho bất kỳ ai khi đến thăm ngôi nhà này vào những ngày xuân.
(*) Khu Chateau, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM
Thiết kế: KTS Ngô Kỳ Chu
TD Solutions
Lầu 2, 44B Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (08) 38221229
Website: http://www.tdsolutionsvn.com/
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
- Xem thêm: Dấu ấn đồng quê