Tối 10-5-2018, trong phiên đấu giá bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật của gia đình tỉ phú ngân hàng David Rockefeller tại nhà Christie’s ở New York, doanh thu đã đạt được là 646,1 triệu USD. Riêng bức Cô bé với lẵng hoa (Fillette à la corbeille fleurie), được Picasso vẽ năm 1905 vào Thời kỳ Hồng trong sáng tác của ông đã được bán với giá 115 triệu USD. tác phẩm này có giá cao thứ hai của nhà danh họa, sau bức Quý bà ở Algiers (bản O) được bán với giá 179 triệu USD cũng tại nhà Christie’s New York cách đây gần tròn ba năm.
Trước khi được đưa lên sàn đấu giá, Cô bé với lẵng hoa từng “ngự” trên tường dinh thự khổng lồ của vợ chồng David – Peggy Rockefeller ở khu Manhattan trong nhiều thập niên. Tranh được Picasso vẽ thời kỳ ông còn sống nghèo khó ở Paris, phải nhờ cậy vào sự hỗ trợ tài chính của bà Gertrude Stein (1874-1946), một nhà văn người Mỹ nhưng sống chủ yếu ở Pháp và là một trong những gương mặt tiêu biểu cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại tại kinh đô ánh sáng những năm đầu thế kỷ XX.
Dù vậy, khi em trai bà là Leo Stein mua bức Cô bé với lẵng hoa, Gertrude Stein đã rất giận dữ vì bà cho rằng đôi chân và hai bàn chân cô bé gái trong tranh quá xấu, thậm chí đáng “ghê tởm” (trong bộ phim truyền hình nhiều tập Thiên tài: Picasso đang được chiếu mỗi tối Chủ nhật trên kênh National Geographic, có cảnh Gertrude Stein mô tả đôi chân cô bé ấy như “chân khỉ”). Năm đó Picasso mới 23 tuổi, đang tìm kiếm chỗ đứng trong làng mỹ thuật ở Paris, và Cô bé với lẵng hoa là bức tranh đầu tiên được chị em nhà Stein mua với giá đáng kể lúc bấy giờ. Tranh được treo trong ngôi nhà của họ (số 27 đường Fleurus), nơi Picasso là khách mời thường xuyên.
Sau này, chị em nhà Stein xảy ra mâu thuẫn, phải chia số tranh mà họ có được trong nhiều năm sưu tầm. Bà chị giữ bức Cô bé với lẵng hoa cùng một số tác phẩm khác của Picasso, người em làm chủ các tác phẩm của Cezanne.
Sau khi bà Gertrude Stein qua đời vào năm 1946, toàn bộ sưu tập tranh của bà, trong đó có Cô bé với lẵng hoa được chuyển nhượng cho người cộng sự là Alice B. Toklas.
Năm 1967, bà Alice B. Toklas từ trần, lúc đó ông David Rockefeller đã hình thành một tập đoàn tài chính cùng với nhiều bạn hữu với mục đích dùng tiền để mua tác phẩm mỹ thuật.
Bằng cách chơi trò bốc thăm với lá thăm trị giá 1 triệu USD trong một chiếc mũ dạ, ai có lá thăm may mắn đó sẽ được dùng tiền mua tranh cho riêng mình. Chính David Rockefeller là người đầu tiên bốc lá thăm 1 triệu USD và ông đã mua Cô bé với lẵng hoa trong một cuộc đấu giá.
Năm ngoái, tỉ phú David Rockefeller mất ở tuổi 101, trong khi vợ ông lại không mấy thích tranh vẽ bé gái khỏa thân, thế là bà Peggy đưa nó vào danh sách đấu giá bộ sưu tập của gia đình để làm từ thiện. Có đến 1.600 hiện vật quý giá (ngoài tác phẩm mỹ thuật còn có đồ gốm cổ, đồ trang sức, đồ nội thất…) được nhà Christie’s rao bán trong nhiều phiên.
Sau phiên đấu giá tối 10-5, đến phiên tối 15-5-2018, bức Thủy thủ – chân dung tự họa nổi tiếng của Picasso được ông vẽ năm 1943 cũng lên sàn với giá ước tính thấp nhất là 70 triệu USD trong khi đôi vợ chồng doanh nhân Victor và Sally Ganz đã mua tranh với giá 11.000 USD vào năm 1952 (DNSGCT đã có bài giới thiệu). Trước đó, vào tháng 2-2018, tại nhà Sotheby’s ở London, bức tranh sơn dầu Người đàn bà đội bê-rê đỏ, mặc áo kẻ sọc – chân dung nàng Marie-Thérèse Walter, một trong số những nàng thơ của Picasso đã được bán với giá gần 70 triệu USD. Trước đó nữa, vào tháng 1-2018, tại nhà đấu giá Phillips ở London, bức Nàng đang ngủ, cũng vẽ chân dung Marie-Thérèse Walter đã được bán với giá hơn 59 triệu USD trong khi các chuyên viên đấu giá tin rằng tranh chỉ có thể đạt mức tối đa khoảng 25 triệu USD vì là phác thảo bằng than trên bố.
Thế mà sẽ còn rất nhiều tác phẩm của Picasso được bán đấu giá từ nay đến cuối năm 2018. Theo các chuyên gia về Picasso, năm 2018 này người ta sẽ chứng kiến một “cơn cuồng Picasso” (Picassomania), được hỗ trợ bởi một triển lãm “bom tấn” các tác phẩm của nhà danh họa tại Bảo tàng Tate ở thủ đô nước Anh. Trong “cơn bão hoàn hảo” về tranh Picasso, con số doanh thu 1 tỉ USD là hoàn toàn có cơ sở vì chỉ tính từ đầu năm 2018 đến tháng 5-2018, chắc chắn tranh Picasso sẽ mang về hơn nửa tỉ USD cho những sở hữu chủ.
Trong khi đó năm 2017 hẳn không phải là năm tốt lành đối với tranh Picasso khi mà cả ba nhà đấu giá danh tiếng nhất (Sotheby’s, Christie’s và Phillips) bán chỉ được hơn 80 triệu USD các tác phẩm của ông. Có một minh chứng nữa: vào năm 1997, 17 bức tranh trong bộ sưu tập của gia đình Victor và Sally Ganz được bán với giá 164,5 triệu USD (tương đương 253, 7 triệu USD thời giá hiện nay) thì chỉ cần hai bức tranh bán tại London tháng 2-2108 và bức Cô bé với lẵng hoa số tiền thu được đã vượt xa.
Theo ông Max Carter, phụ trách mảng Ấn tượng và mỹ thuật hiện đại của nhà Christie’s: “Sự hội tụ của các “kiệt tác” cùng đến trong một khoảng thời gian rất ngắn khá là bất thường, và thật khó hình dung có một mùa (đấu giá) nào khác khi mà có quá nhiều kiệt tác của Picasso cùng được rao bán”. Cũng theo ông: “Mọi người coi Picasso như là một tên tuổi vĩ đại của mỹ thuật thế kỷ XX. Và nếu bạn có thể mua những tác phẩm xuất sắc của ông, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ hối tiếc”.