Gió vô hình nhưng có một sức mạnh vô biên. Có những làn gió thoáng qua nhẹ nhàng, lại có những cơn gió lốc tung bụi mù, và cả những trận cuồng phong thịnh nộ thổi bay những ngôi nhà duyên hải.
Những cơn gió tự do từ ngoại ô vào đến nội thị gặp các chướng ngại vật như nhà cửa, cây cối lại phân ra nhiều luồng, nhiều hướng khác nhau để tìm tự do: đó là gió cục bộ tạo ra vi khí hậu.
Khi vào được bên trong ngôi nhà men theo hành lang nhỏ, hẹp gió lại mở rộng, lồng lộng ở các không gian thông tầng, ở giếng trời. Lên đến tầng lầu vào các cánh cửa phòng ngủ và thoát ra ngoài cửa sổ mở rộng mang đến cho căn phòng một nhiệt độ dễ chịu.
Gió là như thế: tự do và… khôn ngoan; không vào nếu không có lối thoát.
Đến ngôi nhà phố dạng biệt thự ở khu dân cư Miếu Nổi, quan niệm thiết kế để “đón gió” được thể hiện rõ ràng ở không gian tầng trệt: chiều cao nhà càng về phía sau nhà càng cao để đón gió từ hướng Đông Nam mặt trước. Gió Nam chia làm hai hướng: một hướng đi qua phòng khách, phòng sinh hoạt, khoảng thông tầng cầu thang và “bung” mạnh ở phòng ăn có chiều cao thông tầng; một hướng khác men theo khoảng thông hành địa dịch đến chỗ lùi vào của phòng ăn bỗng “bung mạnh” và tràn vào phòng ăn. Một ngọn gió khác, thỉnh thoảng, từ khoảng thông hành 2m phía sau hai nhà lại vào phòng ăn và cùng hai ngọn gió kia phát triển thành một làn không khí chuyển động theo hình xoáy thật mát và lồng lộng trước khi thoát ra ngoài.
Nương theo gió, chủ nhân đã cho trồng cây, cỏ, rải sỏi và nhất là nhiều thác nước để không khí bớt khô và bụi khi theo gió vào nhà. Trên lầu 1, cạnh phòng ngủ chính và thư phòng, một thác nước nhỏ được thêm vào để đón gió và hơi nước. Trên sân thượng, bồn hoa và cây cảnh cùng nhau đón gió lộng từ trước ra sau xuyên qua nhà mát và phòng tập thể dục.
Hình ảnh: Trọng Nhân
- Xem thêm: Đón gió và nắng ở Joly House