Trong việc cải tạo lại một dự án, tùy theo hướng tiếp cận, quan điểm, mục đích của chủ đầu tư và những người chuyên trách mà “câu chuyện” sẽ được “kể” theo những cách khác nhau. Ở dự án cải tạo sở trà Cầu Đất Farm này, với thái độ trân trọng quá khứ, đề cao những giá trị văn hóa – lịch sử của một xưởng trà gần trăm năm tuổi, những người thiết kế đã tạo nên một không gian cà phê – triển lãm rất riêng, một nơi lưu giữ ký ức bằng một tinh thần mới.
Tọa lạc tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sở trà Cầu Đất được người Pháp xây dựng từ năm 1929, trong khuân viên rộng 1,2 ha. Khi tìm đến nhóm thiết kế, chủ đầu tư bày tỏ mong muốn nơi đây sẽ trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ với những đồi trà và cảnh quan hùng vĩ, xưởng trà cổ cùng các triển lãm văn hóa trà, các không gian dành cho nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ cho du khách.
Nhà máy cũ hiện có bốn khối nhà. Khi đi khảo sát, những người thiết kế nhận thấy các khối nhà này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ nhất định mà còn có ý nghĩa đặc biệt, là sợi dây hữu hình liên kết với quá khứ và tự nó sẽ kể những câu chuyện của riêng mình. Theo họ, các khối kiến trúc cũ khiến cho người tham quan có cảm giác như mình cũng là một phần của lịch sử.
- Xem thêm: Giá trị của sự khác biệt
Hay nói khác đi, cấu trúc lịch sử đóng vai trò là nơi lưu giữ lại ký ức của các thế hệ. Vì vậy, họ đã chọn lấy khối nhà cũ nhất – vốn là xưởng sản xuất chính – để thiết kế lại thành một không gian văn hóa đặc sắc dành cho du khách và những người muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam.
Trước khi được cải tạo, công trình vốn là một xưởng sản xuất, được xây dựng bằng gỗ thông và bằng tôn, những vật liệu ít tốn kém. Các kiến trúc sư hy vọng rằng, thông qua dự án, họ có thể tái sử dụng được cấu trúc nhà máy và cải tạo lại cốt liệu, thay thế một phần kết cấu bị hư hỏng với ngân sách khiêm tốn. Dù bề ngoài khối nhà được bao phủ bởi các tấm tôn bình thường, nhưng nhà máy cổ này lại sở hữu một không gian rộng lớn, có kết cấu lặp lại theo nhịp điệu, ngăn nắp cùng vẻ đẹp thời gian của các máy móc cũ (được nhập nguyên kiện từ châu Âu vào năm 1931).
Đó chính là giá trị cốt lõi của sở trà – các kiến trúc sư muốn tái tạo và giới thiệu với du khách. Hướng tiếp cận của kiến trúc sư khá đơn giản, chỉ là dựa trên cấu trúc hiện có, từ đó loại bỏ các bức vách không phù hợp và trả lại giá trị ban đầu cho khối nhà. Song song với đó, họ sẽ sắp xếp lại các khu theo đúng chức năng và không gian dành cho triển lãm.
Nhà máy cũ được phủ một lớp sơn chống rỉ mới, trông bắt mắt hơn những khối nhà xung quanh. Màu sơn này, đồng thời, sẽ trở thành bức tranh khổng lồ dành cho các màn trình diễn ánh sáng trong tương lai. Vật liệu sử dụng vô cùng đơn giản, chủ yếu là thép tái chế, các tấm polycarbonate, gạch thô và đất được gia cố xi-măng. Ngay đến các tác phẩm nghệ thuật cũng được làm từ lá trà và được vẽ bằng đất trộn với acrylic. Theo nhóm thiết kế, việc giữ lại cấu trúc ban đầu và tái sử dụng vật liệu giúp làm giảm chi phí đáng kể.
Như vậy, sau quá trình cải tạo, những người thiết kế đã “đánh thức” được một công trình cũ và đem lại cho nó một sức sống mới, lưu giữ lại được một công trình kiến trúc giá trị về mặt lịch sử đang có nguy cơ bị xóa xổ. Với du khách, họ lại có thêm một địa chỉ thú vị khi đến với Đà Lạt.
- Xem thêm: Không gian cà phê giữa đại ngàn
____
Dự án: Cầu Đất Farm
Thiết kế: Công ty Bo Design & construction
Địa chỉ: 435 Phan Xích Long, Phường 3, Q. Phú Nhuận, TP.HCM
Website: https://www.bodcsg.com/
Điện thoại: 0962308164
Ảnh tư liệu của Bo Design & construction
+ Xem thêm hình ảnh