Sách báo viết khá nhiều về lứa tuổi này, về những biến đổi tâm sinh lý của các em, về sự trở tính của chúng… Ít ai viết về những khía cạnh rất tích cực của lứa tuổi này.
Theo UNICEF: “Đó là thời điểm mà các em đảm nhận trách nhiệm mới và tự mình học hỏi, thử nghiệm, khám phá. Các em còn đi tìm bản sắc riêng của chính mình, áp dụng những giá trị lĩnh hội từ thời thơ ấu và phát triển những kỹ năng mới để trở thành người lớn có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác. Khi được giúp đỡ và động viên, các em sẽ phát triển tích cực và trở thành những thành viên có năng lực với những đóng góp cho gia đình và cộng đồng” (UNICEF, Tuổi vị thành niên, 2003).
Đây là tuổi của ước mơ và hoài bão và các em muốn thực thi những điều tốt đẹp mà cha mẹ dạy từ tấm bé. Tuy nhiên, lúc đó cha mẹ bảo gì thì các em làm nấy. Giờ đây, các em xác lập những quy chuẩn riêng của mình trên cơ sở những gì đã tiếp thu. Nhưng điểm rất đặc biệt ở lứa tuổi này là các em bắt đầu xem xét, nhìn lại những quy chuẩn của chính cha mẹ.
Nếu lời nói của cha mẹ đi đôi với việc làm thì gia đình tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho sự trưởng thành của các em. Còn nếu ngược lại, cha mẹ dạy một đàng mà làm một nẻo thì các em đâm ra hoang mang, thất vọng, mất niềm tin, khủng hoảng. Những hành động bất cần đời có thể xuất phát từ đây. Những cuộc quậy phá của những COCC (con ông cháu cha) có thể bắt nguồn ở đây chứ không chỉ do được quá nuông chiều hay ỷ lại vào cha mẹ.
- Xem thêm: Những lời cha dạy con trai
Năm 1995, hai mươi năm sau ngày giải phóng, một nhóm bạn trước kia thuộc thành phần chống Mỹ oai hùng mở tiệc ăn mừng. Trong nhóm con cái họ, có một em trai 17 tuổi đứng riêng ra một mình và không tham gia. Các bạn của em hỏi tại sao, em trả lời: “Tụi bây không thấy cái bụng ngày càng bự của ba tao sao? Tao không tin gì nữa hết”. Thế đó, khủng hoảng tinh thần của con trẻ sẽ càng nghiêm trọng khi trước kia ba mẹ vốn là thần tượng của trẻ.