Hợp đồng trang bị nội thất đã ký xong giữa chủ nhà và công ty. Thời hạn thực hiện 30 ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật (là mẫu đã có sẵn, kiểu copy dán). Lúc đặt bút ký, chủ nhà nhắc bên thi công chú ý trong tháng có đến mấy ngày nghỉ lễ. Do chủ cần nhà gấp nên sớm chừng nào tốt chừng nấy. Bên thi công hứa luôn sẽ hoàn tất trước thời hạn năm ngày, chắc như bắp. Hai bên vui vẻ đặt bút.
Đến ngày kết thúc “hợp đồng miệng” thấy khối lượng công việc còn nhiều, chủ nhà mới hối bên thi công. Bấy giờ nhận được câu trả lời: “Tiến độ đúng theo hợp đồng nha chị”. Bà chủ tự nhiên mất bình tĩnh, nổi nóng (có cớ): “Mấy cậu nói đúng tiến độ hợp đồng hay chưa thì tôi chưa biết vì còn đến năm ngày nữa. Nhưng, tôi nhắc cho các cậu biết, làm ăn chữ tín là quan trọng. Chữ tín ở đây là hợp đồng miệng mà các cậu đã hứa. Là lòng tin, tạo sự hài lòng cho khách. Đúng theo hợp đồng giấy thì nói gì vì đó là căn cứ pháp lý để “nói chuyện phải quấy với nhau”.
Nhưng, hợp đồng miệng mới quan trọng, nó là tiền, là thêm khách hàng cho các cậu đấy. Các cậu thi công nhà tôi đẹp, nhanh chóng, chất lượng, tôi sẽ giới thiệu cho nhiều khách hàng khác. Uy tín không chỉ nội thất đẹp mà còn đáp ứng yêu cầu thực tế của khách. Đó mới chính là giá trị của hợp đồng miệng”.
Không hiểu bên thi công nghe những lời bực tức này như thế nào, nhưng không phải chủ nhà không có lý.
Ai cũng biết, điều quan trọng nhất trong làm ăn là giữ chữ tín. Không nói chuyện to lớn, bây giờ, đi ngoài đường có thể thấy nhan nhãn những dòng “tự giới thiệu” sản phẩm “của nhà trồng được” như một “nhãn hiệu cầu chứng” chứng minh chữ tín, tạo niềm tin cho khách. Nước uống giải khát cho đến các sản phẩm như mật ong, tinh bột nghệ… Phải chăng, đó là kết quả một thời gian dài chất lượng sản phẩm bị người tiêu dùng nhìn bằng cặp mắt e ngại. Trái cây, rau… có hóa chất không? Cá thịt có ướp hàn the, ure không? Làm sao đánh giá chất lượng sản phẩm bằng mắt thường khi mà chính các ngành quản lý cũng thừa nhận họ không đủ lực lượng và phương tiện kiểm tra hết thực phẩm đang lưu thông trên thị trường. Chỉ còn cách duy nhất đánh vào tâm lý khách hàng đó là chứng minh uy tín.
Tuy nhiên, cũng chỉ là một câu cam kết rất khó lấy lại lòng tin của khách.
Mới thấy cái ý nghĩa của “một lần bất tín, vạn sự bất tin”. Đàng này, không chỉ một lần mà là một thời gian quá dài dễ chừng đến cả thập niên chất lượng thực phẩm bị nghi ngờ!
Cho thấy, có thể con người chẳng cần những cam kết to tát hay câu chữ cao sang. Chỉ cần một lần người tiêu dùng tin tưởng là sẽ có nhiều lần sau và nhiều khách hàng thêm nữa.
Bà mẹ kể chuyện có cậu con trai (sau này bà phát hiện) hay nói dối. Một lần, hai lần bà tha thứ bỏ qua. Nhưng nhiều lần tiếp tục, bà không còn tin tưởng con trai nữa cho dù cậu chàng đã biết hối lỗi, tiến bộ. Ý cậu chàng là, cậu không nói dối mà chỉ giấu mẹ thôi. Có những khó khăn, cậu muốn tự mình giải quyết, nhưng không làm được đến khi mẹ phát hiện ra và bị bà khẳng định cậu nói dối. Tuy nhiên, bà mẹ cũng nghĩ lại, có đứa con nào không từng một lần nói dối hay giấu giếm mẹ cha? Đôi khi việc nói dối là cần thiết và bắt buộc.
Không thể so sánh hai trường hợp trên với nhau, từ chuyện tạo lòng tin cho khách và cha mẹ mất tin tưởng nơi con cái nhưng để thấy rằng, lòng tin tối quan trọng trong cuộc sống. Đứa con có thể giấu cha mẹ vì con nghĩ rằng giấu để cha mẹ an lòng, chẳng hạn. Tương tự như thế, người bán tạo niềm tin cho khách bằng một lời không thật là chuyện bình thường vẫn diễn ra mỗi ngày trong xã hội cho đến khi sự thật được phơi bày. Con người, vì thế mà loanh quanh trong cái vòng lẩn quẩn: được – mất, hy vọng – tuyệt vọng…
Thôi thì, cố gắng sống sao cho nhẹ nhàng, đừng căng thẳng và quan trọng là bớt đi lời nói dối là câu an ủi mà người đời dành cho nhau. Bởi, biết tin ai giờ đây khi mà nghĩ lại, chính mình đã từng không ít lời nói dối với người khác, nhất là những hẹn suông, cho qua chuyện, giả lả, cười xòa?