Chu Văn An (1292-1370) là nhà giáo tài đức vẹn toàn sống vào thời nhà Trần với hơn nửa đời người làm Tư nghiệp Quốc tử giám, có rất nhiều học trò thành đạt. Năm 1341, sau khi dâng Thất trảm sớ (đề xuất xử trảm bảy tên nịnh thần là những quan lại thân cận, được vua Trần Dụ Tông yêu quý) không được vua chấp thuận, ông từ quan về núi Phượng Hoàng (huyện Chí Linh, Hải Dương) sống ẩn dật, dạy học, viết sách, bốc thuốc, làm thơ rồi mất tại đây năm 1370, hưởng thọ 78 tuổi. Học trò an táng thầy Chu Văn An và lập đền thờ gọi là đền Phượng Hoàng.
Núi Phượng Hoàng gồm 72 ngọn, cảnh quan ngoạn mục, có rừng thông bốn mùa xanh ngát, suối chảy quanh năm, lại có một quần thể nhiều di tích và danh thắng nên từ lâu đã trở thành điểm du lịch quan trọng của Hải Dương và cả miền Bắc.
Đền thờ Chu Văn An được khởi công xây mới từ đầu năm 2004, đến đầu năm 2008 thì hoàn thành. Đền được xây dựng dựa trên phế tích đền thờ cũ ở núi Phượng Hoàng, nay thuộc xã Văn An, nơi có đến bốn trong số tám di tích nổi tiếng của đất Chí Linh xưa (Chí Linh bát cổ), gồm: chùa cổ Huyền Thiên (Huyền Thiên cổ tự), nhà cũ của quan tể tướng Trần Quốc Chẩn sống cuối thời Trần (Thượng tề cổ trạch), tháp mộ Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ – nữ tiến sĩ Nho học duy nhất của nước ta, sống trong thời Lê – Trịnh (Tinh Phi cổ tháp) và nhà ở ẩn của Chu Văn An (Tiều Ân cổ bích).
Công trình mới gồm đền thờ chính, phần mộ, hai dãy nhà giải vũ, điện Lưu Quang, tháp bút…, tất cả nằm trong một tổng thể kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên núi rừng hoành tráng, uy nghiêm, thanh tịnh. Từ ngày khánh thành đến nay, khu đền thờ và lăng mộ thầy Chu Văn An là điểm đến tâm linh và sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách, nhất là thầy và trò từ khắp nơi trong nước.
Đến viếng “bậc thầy của muôn đời” (vạn thế sư biểu) ở nơi non cao, giữa ngàn thông vi vu, nhớ lại những lời răn của thầy mấy trăm năm trước đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được… Học mới chỉ có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có biết mới làm, có làm mới biết, nhưng cái biết trong làm mới là cái biết sâu sắc nhất, thiết thực nhất”.
- TP. Nam Định