Hãy hình dung bạn sở hữu một doanh nghiệp trị giá 50 tỉ đồng. Có thể, bạn sẽ thuê một kế toán, một quản lý tài chính và một số chuyên gia khác để giúp giải quyết các vấn đề tài chính. Và, để công ty hoạt động tốt, bạn cảm thấy cần lập ngân sách để kiểm soát việc thu nhập và chi tiêu của công ty.
Vậy, nếu như gia đình bạn là một doanh nghiệp 50 tỉ đồng thì bạn sẽ quản lý ngân sách gia đình thế nào? Có một thực tế là mọi khoản chi tiêu, dù nhỏ, cũng sẽ làm cho khoản tiền dành dụm hao hụt đáng kể trong nhiều năm. Cho dù là vài chục ngàn đồng để uống cà phê trong ngày, hàng triệu đồng để ăn uống ở ngoài mỗi tháng, hay mỗi năm chi hàng chục triệu, trăm triệu đồng cho việc du lịch.
Nếu không có một ngân sách gia đình, bạn gần như không thể đạt được các mục tiêu tài chính. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng không thể chắc chắn những mục tiêu tài chính của họ là gì. Nhiều cặp thích nói về những ước mơ, những thứ họ luôn muốn có, như một ngôi nhà cạnh hồ nước tuyệt đẹp, một chuyến du lịch xa xỉ. Tuy nhiên, nếu không thể tạo ra mốc thời gian cụ thể và xem xét lại ngân sách gia đình, những thứ này vẫn là ước mơ và không bao giờ trở thành các mục tiêu.
Khi lập một mục tiêu, nghĩa là bạn đã xem xét điều gì cần làm để đạt được nó và đặt ra thời gian mình muốn để hoàn thành từng bước một. Ví dụ như, một cặp vợ chồng muốn mua một chiếc xe hơi mới thì cần phải biết số tiền là bao nhiêu, sau đó mới quyết định phải dành dụm bao nhiêu tiền mỗi tháng. Một điều quan trọng nữa là phải tính đến những chi phí phát sinh, để có thể tính toán thời gian bao lâu mới mua được xe.
Phần khó khăn nhất của một ngân sách là gắn bó với nó. Đôi khi, chúng ta đặt ra các mục tiêu quá cao cho bản thân nhưng lại gặp khó khăn trong việc từ bỏ những thứ có chi phí cao ngất ngưởng. Có lẽ, cặp vợ chồng đã quyết định dành dụm tiền bạc để mua xe gặp phải khó khăn khi nhờ cậy bạn bè, đồng thời họ không thể dành dụm bất cứ khoản tiền nào để mua xe. Những chướng ngại như thế này có thể cản đường chúng ta khi muốn đạt được các mục tiêu tài chính.
Tiền bạc có thể là áp lực gây căng thẳng cho nhiều mối quan hệ vợ chồng. Mặc dù nhiều cặp vợ chồng hầu như tránh nhắc đến vấn đề này, nhưng điều quan trọng là hãy nói về tiền bạc, bàn luận về những giấc mơ tài chính, sau đó bàn về bất cứ thay đổi nào trong cuộc sống mà cả hai cùng muốn. Hiện nay, có nhiều cuốn sách, công cụ trực tuyến có thể hữu ích để lập một ngân sách. Quan trọng là, cần biết mỗi tháng thu, chi bao nhiêu. Nhiều người thường tránh né điều này vì tâm lý lo lắng về khoản tiền đã chi tiêu, nhưng việc né tránh không đem lại ích lợi gì bởi bạn không thể thực hiện bất cứ thay đổi nào cho đến khi phải đối diện với thực tế.
Nếu có khó khăn về đồng thuận tiền bạc, những quyết định tài chính, hãy nói chuyện với chuyên gia tài chính. Nếu bạn và bạn đời có trở ngại trong giao tiếp và cách giải quyết vấn đề, có thể gặp chuyên gia tâm lý. Việc tư vấn sẽ giúp vợ chồng có nhiều cách khác nhau khi cần đưa ra các quyết định tài chính quan trọng và lập ngân sách gia đình.
- Theo Family-marriage-counselin