Tôi có đọc nhiều tư liệu phong thủy nhưng ít nghe nói về phong thủy của sảnh đón hay hàng hiên, mà chủ yếu là các kiêng kỵ cho cửa, bếp giường, bàn thờ… Xin hỏi, nhà tôi có một khoảng hiên rộng và tiền sảnh thì nên bố trí thế nào cho hợp phong thủy. Có người nói nên mua cặp sư tử hoặc tỳ hưu về chưng hai bên sảnh nhưng tôi chưa hiểu có nên không, nhờ quý báo giải đáp giúp.
(Phạm Liệu, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM)
Cũng như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, sảnh đón – hàng hiên – lối vào luôn được xem là những nơi bắt đầu cho câu chuyện của nội thất mỗi ngôi nhà, đồng thời giữ vai trò kết nối giữa không gian bên ngoài và bên trong. Đối với khách, đây là nơi diễn ra sự đón tiếp, để nhìn thấy câu “xin mời vào” và lời tiễn đưa “hẹn gặp lại”. Với các gia chủ, đây là chỗ sáng ra mở cửa hân hoan, tối về khép lại quây quần. Còn người thiết kế thì thường xem các vị trí này như điểm nhấn để bộc lộ khả năng bố cục, tạo thẩm mỹ và một chút khác biệt mà những vị trí khác trong nhà hay bị ràng buộc bởi công năng cố định nên không thể khai thác hết được mức độ tạo ấn tượng.
Về mặt phong thủy, hàng hiên hay sảnh đón gắn liền với Đại Môn, cửa chính của nhà và ảnh hưởng cũng như liên quan trực tiếp đến việc Khai Môn, xác định hướng cho cửa cũng như cho toàn ngôi nhà. Có phải đi liền với cửa chính nên hàng hiên – sảnh đón ít được quan tâm bằng cửa chính, nói cách khác là phải hỗ trợ và trở thành một phần gắn liền với cửa chính.
Việc bám sát mặt tiền cho việc kinh doanh nhất là tư duy ăn ở kiểu nhà phốvô tình đã “loại bỏ” dần không gian chuyển tiếp – đón tiếp – giao tiếp khá quan trọng này. Bên cạnh đó, có nhiều mẫu mã xa lạ từ nơi khác được du nhập vào không hợp với văn hóa và tinh túy phong thủy Việt dẫn tới một số nhà hiện nay đặt tượng sư tử, tỳ hưu trước hiên hay sảnh mà không hề biết đó là những linh vật chỉ dùng ở nơi tôn giáo, chùa miếu hoặc thậm chí là ở lăng mộ. Thực ra, khi quan tâm đúng mức, mỗi gia chủđều có thể tạo dựng nét đẹp và các tính toán hài hòa cho không gian đệm này, cho dù nhà vườn rộng hay nhà phố bình thường, cụ thể là:
– Về công năng, khoảng không gian sảnh đón tại lối vào nhà sẽ tiện dụng hơn với kệ giày dép, tủđựng áo mưa, treo mũ nón, vài ba chiếc ghế nghỉ chân… Nếu phía trước có sân thì chỉ cần một khoảng đệm nho nhỏ giữa cổng rào và cửa chính, chút hoa lá hay chiếc ghế tiếp khách đơn giản cũng đủ là nơi ngồi nghỉ thú vị. Trong nhà phố thì khu vực để xe cũng chính là phần chuyển tiếp, là một dạng “hiên trong nhà ống” cần sử dụng vật liệu chịu được va chạm, chùi rửa dễ dàng, và hãy làm sao để chỗ này không chỉ là… nơi để xe.
– Về thẩm mỹ, có khá nhiều cách bài trí cho một lối đón tiếp tạo ấn tượng đẹp, từ việc bố trí đèn, treo tranh ảnh, cho đến sử dụng gạch lát, đặt chậu cây… giúp sựchào đón và dẫn dắt khách vào nhà thú vị hơn. Tuy nhiên cần lưu ý yếu tố “tốt khoe xấu che” cho không gian này, ví dụ như một chiếc tủ che đồng hồ điện nước khéo léo sẽ tăng thêm vẻ thẩm mỹ hơn là phô trương những bức tranh rực rỡ.
– Về phong thủy, hiên và sảnh đi liền với cửa và lối vào nhà, nên vị và hướng cửa quyết định đến độ rộng hẹp và hình dáng của sảnh hay hàng hiên. Nhà đúng hướng, phía trước rộng thoáng thì hiên nhẹ nhàng quang đãng, thu hút sinh khí. Còn cửa mở ra bị bất lợi, gặp ngã ba hay “dị vật” bên ngoài tác động, thì hiên hay sảnh chính là lớp không gian bảo vệ, có thể đặt cây cối che chắn, treo gương phản chiếu hung khí, hay xoay lệch cửa tránh trực xung.