Sau khi đáp chuyến bay quốc tế đến Mumbai và nghỉ ngơi một ngày, chúng tôi đón chuyến bay nội địa đi Ladakh. Máy bay bắt đầu hạ cánh, trước mắt hành khách chỉ thấy bầu trời xanh thẳm, phía dưới là những vách đá cheo leo tuyết phủ trắng xóa, vùng đất dưới chân núi khô cằn rộng lớn trông như hoang mạc. Máy bay tiếp đất, trước mắt hiện ra một thung lũng với khoảng xanh chen lẫn với màu tím hoa cà, mọi người tự hỏi liệu đó có phải là màu của một loài hoa?
Những ngôi nhà không bao giờ khóa
Thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, vùng đất Ladakh nằm trải dài từ dãy núi Kuen Lun tới dãy Himalaya về phía nam. Nền văn hóa – lịch sử của vùng đất hoang vu này có liên quan chặt chẽ với Tây Tạng. Bởi vậy mà từ lâu Ladakh còn được gọi bằng cái tên Tiểu Tây Tạng của Ấn Độ, một phần vì chịu ảnh hưởng từ văn hóa và lịch sử, một phần vì nhờ cảnh quan thiên nhiên có nét tương đồng.
Đến Ladakh, tôi được cho ở nhờ tại nhà bác Tashi thuộc làng Saboo. Khi được bác cho phép chọn ở bất cứ căn phòng trong nhà, tôi đã chọn căn phòng nhìn ra núi. Kéo vali vào phòng xong thì mới phát hiện căn phòng không có chốt cửa bên trong, cũng như bên ngoài, bác Tashi cho biết các căn phòng khác trong nhà đều không dùng ổ khóa, các nhà hàng xóm cũng tương tự bởi nơi này không hề có nạn trộm cắp. Tôi ở nhà bác, hằng ngày được bác đưa đi đến tham gia lễ hội Kalacharka do ngài Đạt Lai Lạt Ma tổ chức. Những ngày không diễn ra pháp hội, bác lại đưa tôi đi tham quan trong vùng.
Ladakh có nhiều tu viện Phật giáo phục vụ cho việc thiền định, tôn thờ và giảng dạy. Những tu viện này hầu như tọa lạc ở nơi yên tĩnh và luôn luôn có phong cảnh tuyệt vời. Một trong những tu viện lớn nhất là Gompa Hemis được xây dựng năm 1630 và là nơi tu tập của những tu sĩ thuộc giáo phái Brokpa hoặc phái mũ đỏ. Đây cũng là nơi có những bức tranh tanka lớn nhất Ladakh. Tu viện Gompa Hemis còn có nét đặc trưng là có điệu múa mang mặt nạ đầy màu sắc.
Hai bên đường đến Tu viện Hemis núi đá cứ trải dài, dường như màu xám lạnh lẽo của núi đá đang bao trùm lấy kẻ đi đường. Nhưng dưới ngay chân núi có một dòng nước do băng tan chảy tạo thành, uốn lượn với những hàng cây xanh hiền hòa êm đềm làm tăng thêm vẻ đẹp hoang sơ của miền đất này.
Hemis là chốn tổ đình chính của dòng DruKpa và tất cả các tu viện khắp vùng Ladakh đều chịu sự quản lý của Hemis. Ngay tầng 2 của chính điện là khám thờ của Padmasambhava, ông tổ Phật giáo Tây Tạng từ thế kỷ thứ IX – người khai lập tông Ninh Ma. Nếu như tượng Phật ở các chùa chiền thường đặt lư hương để thắp nhang thì chùa Tây Tạng lại đặt những “chậu” đèn thật lớn được đốt bằng bơ hoặc mỡ bò Yak. Lễ vật của những người hành hương là một chút bơ để giữ cho ngọn đèn mãi không tắt, chính vì vậy mà tu viện lúc nào cũng có hàng trăm ngọn đèn liên tục tỏa sáng, bởi dòng người hành hương đến đây dường như không bao giờ dứt.
Từ Hemis, chúng tôi đi về tu viện Thiksey nằm không xa dòng sông Indus ra đời vào thế kỷ XV và hiện là tu viện lớn thứ hai trong thung lũng Indus. Thiksey có thể coi là một mô hình của cung điện Potala ở Tây Tạng thu nhỏ. Đứng ở đỉnh tu viện nhìn xuống vùng không gian bao la huyền diệu bên dưới một lần nữa trông Ladakh như một vùng sa mạc rộng lớn, các thung lũng xanh phía xa trông như ốc đảo. Nhưng những đỉnh núi tuyết trắng nhắc tôi rằng đây không phải là hoang mạc mà là Ladakh, nơi khiến ta phải huy động mọi giác quan cùng một lúc bởi ngay cả những vũng nước cũng mang sắc màu của bầu trời.
Không gian ấm giữa vùng đất lạnh
Nhờ ở nhà bác Tashi tôi mới biết rằng trong ngôi nhà Ladakh truyền thống, phòng bếp cũng chính là nơi tiếp khách vì không có nơi nào ấm cúng như ở đây. Trong những tháng mùa đông lạnh tuyết phủ, các lò sưởi bằng sắt truyền thống được sử dụng gỗ và phân bò khô làm nhiên liệu đốt cháy suốt ngày đêm để giữ ấm cho cả gia đình.
Chỉ có buổi tối tôi về phòng riêng để ngủ, còn những giờ không lang thang ngoài đường thì tôi ở trong căn phòng này cùng với bác Tashi trò chuyện. Có những buổi tối, các chàng trai nhà hàng xóm qua cùng trò chuyện với tôi cũng trong căn bếp này, nơi chỉ có mình tôi là phụ nữ. Những khuôn mặt đen nhẻm, nụ cười hồn hậu với vài từ tiếng Anh không rành rọt nhưng âm điệu trầm ấm mang lại cảm giác dễ gần.
Và cũng trong những câu chuyện ấy, tôi biết rằng phụ nữ rất được coi trọng ở Ladakh, họ chính là người quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình. Tuy chưa nhiều phụ nữ dấn thân vào hoạt động chính trị và nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ nhưng hầu hết phụ nữ ở Ladakh đều cảm thấy họ có cuộc sống hạnh phúc, hài lòng với hệ thống trật tự trong gia đình cũng như không cảm thấy đối mặt với vấn đề phân biệt giới tính nào.
Trong các lễ hội, khi nhìn vào Perak (một loại mũ của người Ladakh), dựa vào số lượng hàng ngọc lam phía trước người ta có thể đoán ra được cấp bậc và tình trạng kinh tế của người phụ nữ đội nó: chín hàng cho các nữ thành viên hoàng gia của Leh (thủ đô Ladakh), bảy hàng cho các tầng lớp quý tộc hiện đại hơn, năm hàng cho những người khác và ba hàng cho các cấp bậc thấp hơn.
Chỉ có hai con đường đi vào Ladakh từ bên ngoài. Đó là tuyến đường Zoji-La Pass và Kargil từ quận Srinagar ở thung lũng Kashmir và đường cao tốc Manali-Leh từ Himachal Pradesh. Con đường Manali-Leh chỉ mở cửa từ tháng 5 hoặc tháng 6 đến tháng 10 hoặc tháng 11, khi tuyết đã tan. Con đường Srinagar-Leh mở cửa từ tháng 4 hoặc tháng 5 đến tháng 11 hoặc tháng 12, thời gian còn lại trong năm thì bao phủ bởi tuyết trong suốt mùa đông.
Ngoài ra, khách du lịch có thể đến Ladakh bằng đường hàng không. Nhưng do địa hình núi hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt, các chuyến bay có thể bị hủy và chậm trễ trong hai hoặc ba ngày, chuyện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Vì vậy khi xác định đến Ladakh nghĩa là chấp nhận chuyện lịch trình có thể thay đổi, nhưng chính điều đó làm ta có cơ hội được chào đón bởi những điều bất ngờ thú vị.