“Tôi chỉ muốn mình luôn được làm một kiến trúc sư, không phải là giám đốc, chủ doanh nghiệp hay một nhà kinh doanh bất động sản”, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh nói. Dù anh hiện là Giám đốc của MIA Design Studio, một công ty thiết kế kiến trúc và nội thất có tiếng với những công trình thiết kế đầy sáng tạo, đặc biệt là luôn chú trọng đến yếu tố thiên nhiên, môi trường… Cùng với các thành viên của MIA Design Studio, anh đã ghi dấu sự nghiệp bằng nhiều giải thưởng kiến trúc uy tín trong và ngoài nước trong 12 năm qua. Buổi trò chuyện với anh diễn ra trong một văn phòng mở, nơi gian làm việc hòa hợp với thiên nhiên, với cây cối và dòng sông tươi mát.
Chỉ muốn làm một kiến trúc sư, điều này nghe chừng đơn giản với anh?
Không đơn giản. Đó là cả một ước mơ của tôi. Vì với tôi, làm việc thiết kế để kiếm tiền trong xã hội này không khó, làm nghề chân chính để tạo ra một sản phẩm đúng nghĩa mới khó. Thực tế là tôi và anh em trong công ty đang từ chối nhiều hợp đồng lớn để tập trung thời gian, trí tuệ cho con đường kiến trúc mang tính định hướng mà chúng tôi theo đuổi.
Con đường này có vẻ thú vị, anh có thể chia sẻ nhiều hơn?
Có lẽ quá sớm để tiết lộ về mục tiêu đó vì đây là con đường dài mà chúng tôi chỉ mới đi những giai đoạn đầu tiên. Chỉ biết rằng chúng tôi đang muốn trở thành những kiến trúc sư thực thụ, cố gắng đưa ra những định hướng kiến trúc đúng đắn cho các kiến trúc sư trẻ, các nhà đầu tư và cả cộng đồng. Để một công trình có thể tồn tại 50, 70 năm, không còn tình trạng đô thị đầy “rác kiến trúc”, “rác thị giác” như hiện nay. Và tôi cũng mong càng ngày, kiến trúc sư càng quan tâm đến chất lượng công trình hơn lợi nhuận, đồng thời khoảng cách về tư duy giữa kiến trúc sư và chủ đầu tư cũng gần nhau hơn…
Vậy kiến trúc sư có nên là người kinh doanh không, thưa anh?
Đây là một câu hỏi khó. Thực ra, kiến trúc sư sinh ra và được đào tạo để trở thành một người làm nghề sáng tạo chứ không phải để kinh doanh. Tác phẩm chính là thước đo giá trị của họ. Ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, kiến trúc sư thường kiêm cả việc kinh doanh, thậm chí không chỉ kinh doanh nghề mà còn kinh doanh bất động sản, thật là sai lầm tai hại. Hai nghề kiến trúc và kinh doanh không thể nhầm lẫn, kiến trúc sư chỉ nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền thì không thể tạo ra một tác phẩm tốt.
Trong công ty thiết kế, việc vận hành doanh nghiệp phải do bộ phận quản trị đảm trách. Có như vậy thì kiến trúc sư mới chuyên tâm cho công việc sáng tạo. Vì người làm nghề như tôi giống như một bông hoa nở muộn, đòi hỏi nhiều trải nghiệm, nếu cố đốt cháy giai đoạn bằng cách đi bằng… tên lửa thì chắc chắn sẽ gặp tai nạn. Từng giai đoạn của nghề đều có những thú vị riêng, ngay cả giai đoạn khởi nghiệp đầy khó khăn, trắc trở cũng sẽ là những trải nghiệm cần thiết và những người yêu nghề chắc chắn sẽ có thể trụ lại trong sóng gió. Đến một giai đoạn nào đó, người kiến trúc sư sẽ nhận thấy rằng trách nhiệm của mình là tạo ra những công trình đúng nghĩa, mang tính định hướng hơn là chỉ làm nghề để kiếm tiền.
Như thế nào có thể xem là một công trình đúng nghĩa, mang tính định hướng thưa anh?
Một công trình kiến trúc cần có đủ “phần xác” và “phần hồn”. “Phần xác” là cái đẹp bề ngoài, công năng và không gian sử dụng. “Phần xác” phải không bị lai tạp, không copy từ một công trình ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản hay bất cứ đâu trên thế giới và cũng không mang tính thương mại. Theo tôi làm tốt được điều này đã là một thành công.
Ngoài việc công năng không gian sống của một công trình phải được đặt lên hàng đầu, thiết kế của công trình cần mang bản sắc địa phương từ các yếu tố ánh sáng, thông thoáng mặt nước và cây xanh rất được chú trọng. Vậy giá trị công năng chính là giá trị vĩnh cửu nhất mà công trình này có thể tồn tại và “sống” theo thời gian. Bên cạnh đó ở đâu là sự khác biệt về sự nhận biết của yếu tố bản địa rõ nhất, đó chính là “phần hồn” của công trình, làm sao để cho người sử dụng thấy chính mình là một chủ thể ở trong đó và là một điều mới thú vị cho người ở nơi khác đến khám phá. Chính vì vậy, nét văn hóa bản địa thể hiện ở công trình là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ở Nhật Bản, Bali hay nhiều nước khác trên thế giới, văn hóa bản địa thể hiện rõ trong kiến trúc. Còn kiến trúc Việt Nam chưa thể định hình một cách rõ nét và chưa thể hiện được văn hóa bản địa, chúng ta dường như có sự lai tạp của nhiều nước, nhất là Pháp và Trung Quốc. Một công trình kiến trúc mà chỉ là cái xác vô hồn giống như mì ăn liền không đổ nước sôi vậy!
Làm thế nào để kiến trúc sư tạo được “phần hồn” của công trình?
Không thể làm được nếu thiếu kiến thức, trải nghiệm, đam mê và tâm huyết với nghề. Người làm nghề này luôn phải đặt con người là trung tâm của mọi tác phẩm kiến trúc của mình. Bằng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm của mình, kiến trúc sư hãy làm sao để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người sống trong không gian đó chứ không áp đặt ý muốn hay cái tôi của mình. Đôi khi, họ phải dành thời gian sống trực tiếp ở nơi công trình sẽ xây dựng để cảm nhận hết “hơi thở” của vùng đất và con người ở xung quanh, dành thời gian lắng nghe, đối thoại để hiểu về các tập tục, thói quen, văn hóa của người dân.
Anh đã tạo ra nhiều công trình như thế chưa?
Như tôi đã nói, tôi và công ty chỉ mới đi những bước đầu, các giải thưởng hay sự khen ngợi trong giới cũng chưa thể nói là thành công. Chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày trên con đường, định hướng mà mình lựa chọn. Chúng tôi không làm nghề với tất cả mọi giá mà luôn sống và làm việc có trách nhiệm hơn với xã hội và cố gắng tạo ra suy nghĩ mang tính định hướng trong việc mình làm. Điều này nói ra thì dễ nhưng làm thì rất khó, cần bắt đầu từ những việc nhỏ và luôn nghĩ đó chính là trách nhiệm của một người kiến trúc sư.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị trên.