Trong nhiều thế kỷ, các họa sĩ – từ các bậc thầy cổ điển cho đến các tên tuổi hiện đại đã thừa nhận xưởng vẽ (của họ hay của các đồng nghiệp) như là một đề tài hội họa. Chính nhờ sự mô tả qua tác phẩm, người thưởng ngoạn đã có cơ hội lướt nhìn vào cái không gian của sự sáng tạo nghệ thuật rất riêng tư. Và không phải họa sĩ nào cũng sẵn sàng mở cánh cửa xưởng vẽ của mình cho công chúng biết dù chỉ qua các bức tranh. Nhìn lại lịch sử nghệ thuật, chúng ta có thể khám phá những xưởng vẽ bằng chính mắt nhìn của các họa sĩ.
Xưởng vẽ giản dị của Rembrandt và họa thất – biểu tượng nghề nghiệp của Courbet
Vào thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan, các họa sĩ chuyển sự tập trung của họ từ mô tả các sự tích tôn giáo (ở đây là Thiên Chúa giáo) sang các đề tài thế tục. Họa sĩ Hà Lan vĩ đại nhất Rembrandt van Rijn (1606-1669), đồng thời là nhà minh họa và nhà thiết kế, thực hiện bản khắc tranh in, đã đi tiên phong trong sự chuyển đổi đề tài này và để lại một kho tàng nghệ thuật bao gồm tranh chân dung, tranh phong cảnh và tranh minh họa, nhưng nổi tiếng hơn cả là khoảng 100 bức tự họa.
Trong khi hầu hết các chân dung tự họa của Rembrandt thể hiện sự tập trung vào gương mặt đầy xúc cảm của ông, thì bức tranh Họa sĩ trong xưởng vẽ lại nhấn mạnh đến cái khung cảnh mà Rembrandt có mặt ở đó: xưởng vẽ rất mực giản dị của ông. Hầu như không có bất kỳ thứ đồ đạc nội thất hay vật dụng trang trí nào, xưởng vẽ ấy không có thứ gì khiến tâm trí bị xao lãng và là một nơi chốn tuyệt hảo để người nghệ sĩ trầm tư và nghiên cứu đề tài sẽ vẽ. Hơn thế nữa, sự nổi bật của bức tranh đang đặt trên giá vẽ trong tác phẩm Họa sĩ trong xưởng vẽ còn nhấn mạnh sự dung dị của họa thất, nơi Rembrandt đã trải qua phần lớn thời gian trong cuộc đời sáng tạo của ông.
Trong khi Rembrandt cho chúng ta một cái nhìn trực diện vào sự đơn giản của nơi ông vẽ tranh thì nhà tiên phong của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, họa sĩ Pháp Gustave Courbet (1819-1877) lại cho thấy sự thích thú của ông trong cái xưởng vẽ được coi như một biểu tượng nghề nghiệp. Bức Xưởng vẽ của họa sĩ, theo lời tác giả “thực sự là một câu chuyện ngụ ngôn, tổng kết bảy năm trong đời sống nghệ thuật và đạo đức của tôi”.
Bức tranh sơn dầu được Courbet vẽ trong sáu tuần của năm 1855 với gần 30 nhân vật trong tranh: “Cả thế giới đã đến xưởng vẽ của tôi để được tôi vẽ” – đó là đại diện tiêu biểu của những gì có ảnh hưởng đến cuộc đời nghệ thuật của Courbet; họ thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội Pháp thời đó: từ người cùng đinh nghèo khó đến thương nhân, thầy tu và giới tinh hoa, trí thức, văn nghệ sĩ của Paris. Dù trong thực tế, Courbet không có cái họa thất hoành tráng đó nhưng bức tranh thể hiện sự quan trọng của không gian sáng tác, nơi họa sĩ đã cho ra đời nhiều kiệt tác.
Xưởng vẽ trên thuyền của Monet
Với mong muốn nắm bắt được những ấn tượng thị giác thoáng qua, chốc lát trong thiên nhiên, nhiều họa sĩ của trào lưu Ấn tượng đã rời bỏ các họa thất để vẽ ngoài trời. Riêng Claude Monet đã chọn cách riêng của mình: ông có một xưởng vẽ di động, “hai trong một”: được vẽ giữa thiên nhiên mà vẫn có đủ tiện nghi của một xưởng vẽ thực sự. Con thuyền – xưởng vẽ đó là nơi Monet sáng tác trong những năm sống ở Argenteuil của nước Pháp.
Và trên con thuyền du hành dọc theo sông Seine, Monet còn có cơ hội để nghiên cứu sâu về hiệu quả ánh sáng trên mặt nước, một yếu tố quan trọng dẫn tới loạt tranh vẽ cảnh hồ hoa súng sau này. Monet từng nói: “Cảnh sắc sông nước và sự phản chiếu (ánh sáng) đã trở thành một ám ảnh đối với tôi. Điều đó hoàn toàn vượt khỏi năng lực ở độ tuổi của tôi, song tôi muốn biểu đạt thành công những gì tôi cảm nhận được”. Nhà khai sáng trào lưu Ấn tượng của hội họa châu Âu vẫn thường lấy xưởng vẽ di động của ông làm đề tài vẽ tranh khi nó trôi trên sông Seine hay khi được neo ở bến thuyền. Bạn ông, một tên tuổi lớn khác của trào lưu Ấn tượng, họa sĩ Édouard Manet cũng từng vẽ vài tác phẩm về họa thất di động ấy, trong đó có bức Claude Monet ở Argenteuil.
- Xem thêm: Sản phẩm thời trang từ tranh Van Gogh
Xưởng vẽ trong bệnh viện của Van Gogh
Ở tuổi 37, thiên tài hội họa hậu Ấn tượng Vincent van Gogh đã sớm lìa đời vì một phát súng tự vẫn. Thời gian đó ông đang tự nguyện điều trị bệnh thần kinh tại nhà thương Saint-Paul-de-Mausole ở St. Rémy, miền Nam nước Pháp nhưng vẫn không rời giá vẽ và màu sắc, thậm chí còn được bệnh viện cho sử dụng một căn phòng phụ để làm xưởng vẽ. Cửa sổ trong xưởng vẽ, bức tranh được Van Gogh vẽ trước khi qua đời một năm, cho người xem một thoáng nhìn vào chốn sáng tác lạ kỳ đó.
Cũng không khác gì một xưởng vẽ điển hình, căn phòng luôn tràn ngập ánh sáng đó được tô điểm bằng các bức tranh đã hoàn tất và các đồ dùng để Van Gogh đưa vào các tranh tĩnh vật. Tuy nhiên, điều khiến cái họa thất đó độc đáo là những gì nó đem đến cho mắt nhìn của Van Gogh, giống như cái khung cảnh ông nhìn thấy qua cửa sổ phòng ngủ đã tạo cảm hứng để ông vẽ kiệt tác Đêm đầy sao.
Phòng vẽ Đỏ của Matisse
Năm 1909, Henri Matisse đã xây dựng một phòng vẽ ở ngoại vi Paris mà ông gọi là “Phòng vẽ Đỏ” (L’Atelier Rouge), đây cũng là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà khai sáng hội họa Dã thú, bởi sức hấp dẫn thị giác, hình khối và sắc đỏ chói lọi. Những bức tranh (trong tranh) thể hiện phong cách hội họa Dã thú của tác giả, và được treo trên bức tường đơn sắc, các bức tượng thì đặt trên bệ cao, ở tiền cảnh là một tĩnh vật nhỏ được đặt trên một mặt bàn với những góc bàn không thực cho thấy những chiều kích nghiêng lệch của khung cảnh phòng vẽ. Tại sao Matisse lại chọn màu đỏ đặc biệt đó cho nơi sáng tác của mình? Ông không giải thích được nhưng theo ông thì: “Tôi cảm thấy tất cả mọi thứ đó… chỉ trở nên có ý nghĩa với tôi khi tôi nhìn thấy chúng gắn với nhau bởi màu đỏ”.
Trên đây là những xưởng vẽ đặc biệt, còn những xưởng vẽ khác của nhiều tên tuổi lớn cũng được họ đưa vào tranh, nhiều nhất là xưởng vẽ của Picasso, Raoul Dufy, Georges Braque… và các họa sĩ các thế hệ trước đó như Frederic Bazille (họa sĩ Pháp, 1841-1870), John Singer Sargent (họa sĩ Mỹ, 1856-1925), Victor Mottez (họa sĩ Pháp, 1809-1897), Horace Vernet (họa sĩ Pháp, 1789-1863), François Boucher (họa sĩ Pháp, 1703-1770), Adriaen van Ostade (họa sĩ Hà Lan, 1610-1685)…