Nghe anh bạn nói, tôi giật mình. Là bởi vì thời đại ngày nay thứ gì chẳng có! Cứ mở các trang quảng cáo, vào nhà hàng, khách sạn xem, có món gì cao sang lại không có? Bài trí phòng ốc, décor đủ kiểu, hầu hạ mọi ý thích của thượng đế.
Có vẻ mọi sự đã lên đến đỉnh cao, chẳng còn thiếu thứ gì. Vậy mà ông bạn lại buông một câu: “Không còn bữa ăn tử tế”.
Tôi cứ tưởng anh bạn nói điều này theo hướng như người ta thường kêu ca: không còn thì giờ ăn uống sum họp gia đình vì ai cũng vội vã; rồi các món ăn ngày càng độc theo kiểu báo chí điều tra nói 40% người Mỹ không hiểu họ đang ăn cái gì, nuốt nhanh đồ làm sẵn để đến sở đúng giờ. Nhưng không! Cũng không phải anh bạn tôi định nói chuyện muôn thuở là chất độc trong thực phẩm. Vậy ý anh ấy muốn nói gì?
- Xem thêm: Bữa ăn khó dần…
“Cứ nghĩ mà xem, ngày xưa một mâm cơm các cụ nấu thế nào?”. Tôi bật cười: “Cụ nấu thế nào? Cụ dậy từ bốn giờ sáng, nấu cơm bằng rơm, rồi ăn cơm với dưa (vừa muối tối qua, còn cay xè) chấm với tương. Ăn xong đi cày. Ra đồng kết hợp làm ruộng với bắt được con cua con cá đem về. Mở lồng bàn thì có gì nào? Cái mâm gỗ có đĩa rau luộc, một chén cà muối, một chén tương với vài trái ớt xanh vừa hái ngoài vườn đem vào.
Ăn vậy có gì mà phải ca ngợi? Theo quan điểm bây giờ thì ăn nhiều dưa, cà chỉ khiến người ta dễ bị ung thư bao tử (như lời mấy bác sĩ hay dọa trên báo)”. Anh bạn gạt đi: “Tôi đâu có lấy mâm cơm của các cụ đi cày để tiếc nuối đâu. Tôi nói mâm cơm khác kia. Nhưng trước khi nói mâm cơm đó, tôi phải lưu ý anh là mâm cơm của cụ đi cày ấy ngon lắm đấy. Gạo quê, rau sạch ở ao, quả cà không có hàn the. Làm quần quật (hơn cả tập thể dục) dưới nắng gió ngoài đồng, về nhà đánh chén ba bốn chén no căng (chẳng phải ăn kiêng gì), rau muống luộc với cà muối, công thức lý tưởng đấy nhé!”.
Bây giờ anh bạn mới nói tới mâm cơm các cụ xưa, những gia đình trung lưu ở thành phố. Nào nấm, bát thả, bóng bì, mọc… Mâm cơm bao giờ cũng có đủ bộ: tô canh, đĩa xào, món kho món mặn. Giỗ tết thì làm nem, làm chả. Có giỗ nhiều nhà giã giò, mổ bỏ giết heo. Ngồi ăn cơm, hay là đi ăn cỗ đám cưới, ngon ơi là ngon. Người uống rượu nhấm với lòng heo, người ăn nem cua bể, cá chiên, mực xào… Đồ ăn tinh tế…
Còn bữa cơm bình thường của một gia đình thành thị bây giờ thế nào? Có người sáng dậy đặt nồi cơm điện ăn cho cả ngày (tiện thì tiện nhất rồi, tiết kiệm thời gian cho người làm bếp), đâu có ngon bằng gạo quê nấu bếp củi. Bếp gas giờ nhanh thật đấy, nhưng nấu sao ngon được bằng than củi!
Thông thường có một đĩa rau luộc (làm sao chất lượng được bằng đĩa rau trên cái mâm gỗ, rau hái vườn nhà của cụ đi cày về). Cà bây giờ thì không ai dám ăn vì sợ hàn the chứ ngày xưa ông cha ta đã có câu “một quả cà ba thang thuốc bổ”, nên các cụ ăn cả tô đầy cũng chẳng thấy đi bệnh viện bao giờ. Ốm đau cảm sổ mũi sụt sịt xông hương nhu lá sả ở vườn rồi khỏi, dậy đi cày.
Sống thọ rồi, nhiều cụ chỉ đau ốm qua loa rồi ra đi nhẹ nhàng. Có cụ còn biết trước giờ mình sẽ đi. Tắm rửa sạch sẽ, dặn dò con cháu, rồi đi nằm. Êm như ru. Chứ đâu có như bây giờ đau ốm đủ thứ bệnh quái quỷ, lúc chết không chết được, vật vã. Ăn dầm nằm dề đau đớn tốn kém mổ xẻ tanh hôi…
- Xem thêm: Ăn… gan trời
Nhà nào cũng xoay đủ kiểu, đi chợ than không biết mua gì. Quay đi đậu hũ, quay lại cá kho, vì đâu dám ăn nhiều thịt! Mà trên đời này, nấu nướng muốn ngon phải có thịt. Làm chả giò, thịt quay thịt luộc, miếng thịt kho tàu vàng hươm cho vào miệng tan nhừ.
Bây giờ ai cũng sợ mỡ. Thế làm sao cho ngon được. Chiên xào bằng dầu là món ăn kém hẳn ngon. Đó, cứ sống “trái tự nhiên” sợ đủ thứ, làm sao có bữa cơm ngon. Không thịt, không mỡ, đừng mơ tới ngon!
“Thế bây giờ cứ mua về làm đủ mâm cơm như xưa, hai chén bốn đĩa, thì xong ngay chứ khó gì?” – Tôi hỏi anh bạn. Anh lắc đầu: “Lầm. Không sao có thể như xưa. Trẻ con bây giờ (mà cả người lớn nữa) có biết con sá sùng, mắm cà ghim đỏ au ăn ngon tê miệng? Ngày xưa đã “ra đi” rồi. Bây giờ thèm một con cá vảy ánh xanh vừa đánh dưới biển lên có không? Xin lỗi, đồ lạnh siêu thị để trong hầm lạnh cả tháng mới được mua về nhà!”.
Cứ như thế, anh bạn phủ nhận cả một nền ẩm thực đồ sộ. Anh còn nói: “Muốn họ phục vụ mình chứ gì? Loáng cái hết ngay “một chai”, hỏi ăn còn có biết ngon không chứ?”.