Trước khi được cải tạo mới, công trình này nguyên là một ngôi nhà cũ bốn tầng nằm trong khu dân cư yên tĩnh thuộc quận Tân Bình (TP.HCM), có chiều ngang 6,4m, một mặt chiều ngang giáp với đường hẻm lộ giới 6m, chiều dài 11m với một mặt giáp hẻm đi bộ rộng 1m, hai mặt còn lại giáp với các nhà phố lân cận. Khi nhận làm mới ngôi nhà này, người thiết kế phải giải bài toán là mặt ngang ngôi nhà giáp với đường hẻm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nắng nóng hướng tây và tây nam.
Chủ nhà còn đưa ra hai yêu cầu: về tiến độ thi công, ngôi nhà mới phải được hoàn thành trước bốn tháng để gia đình ông kịp dọn về đón tết đồng thời chi phí đầu tư chỉ trong giới hạn cho phép.
Ngôi nhà cũ được giữ lại phần khung của hệ kết cấu dầm – cột và giải pháp cầu thang quyết định toàn bộ không gian của ngôi nhà mới. Cầu thang cũng là điểm bất lợi chính của ngôi nhà cũ. Bởi với diện tích xây dựng chỉ khoảng 70m2, thế mà cầu thang lại đặt giữa nhà khiến không gian bị chia nhỏ. Trong thiết kế cải tạo, cầu thang được đưa về góc nhà hướng tây, một mặt nhằm giảm thiểu sự tác động trực tiếp của nắng nóng vào các phòng chính, mặt khác tạo ra một không gian lớn và thoáng đãng ở tầng trệt, bao gồm phòng khách, phòng ăn và bếp kết nối với nhau.
Để ánh sáng và gió tự nhiên vào nhà, toàn bộ mặt nhà hướng tây được lắp đặt hệ cửa sổ lớn bằng kính suốt các tầng lầu, bên ngoài là hệ lam che nắng bằng gỗ New Zealand thân thiện với môi trường. Nhờ đó khu vực cầu thang và hành lang đi lại trong ngôi nhà luôn nhận được gió mát và “vũ điệu ánh sáng” luôn thay đổi trong ngày.
Ý tưởng đó còn xuyên suốt trong toàn bộ ngôi nhà: các không gian, ngóc ngách cho đến các khu vệ sinh cũng được thông gió và chiếu sáng tự nhiên, nhờ tận dụng một phần khoảng trống ở cầu thang cũ đã phá bỏ để làm khoảng thông tầng từ trệt lên đến mái, giúp cho ngôi nhà luôn có không khí đối lưu.
Ở mặt tiếp giáp với hẻm đi bộ, phần diện tích trước đây được lợp tôn, là lối vào chính của ngôi nhà cũ nay trở thành gara xe với một mảng xanh trên mái kết nối với không gian phòng ngủ chính của chủ nhà ở tầng trên. Mảng xanh ấy cũng góp phần giảm thiểu bức xạ nhiệt cho khu vực bên dưới. Phòng ngủ của hai con nhỏ ở lầu 2, hướng tây nam của ngôi nhà, được thiết kế thành một không gian xinh xắn, với những bụi cây xanh được trồng dọc theo cửa sổ tại vị trí bàn học.
Mái nhà còn được bao phủ bởi dàn cây leo trồng trong các ống nước (tận dụng sau khi hoàn thành xây dựng) và chủ nhà luôn có rau tươi ăn hằng ngày nhờ một vườn rau “Babylon” trên mái. Toàn bộ cây xanh và rau sạch của ngôi nhà được chăm sóc bởi một hệ thống nước tưới tự động nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước vừa phù hợp với các gia đình doanh nhân thường thiếu thời gian chăm sóc cây cảnh.
Thiết kế: KTS Hồ Khuê – ALPES Design & Build Co
79 Nguyễn Hữu Thọ, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Điện thoại: (0511) 3522379 – 0989261345.
Email: khue.ho@alpes.vn
Hình ảnh: Nam Bùi – Hải Châu
- Xem thêm: “Xanh hóa” nhà hướng tây