Bà xã tôi hay than thở rằng sao đời bà khổ quá. Chỉ thấy công việc, hết việc ở sở làm đến việc nhà, lúc nào cũng vội. Trong khi đó ông chồng (là tôi) thần kinh thép, cả đời đủng đỉnh yên ổn, mê lắm thứ: mê nhậu, mê bạn bè, mê cờ, mê thể thao.
“Ông chơi nhiều vậy không tiếc thời gian à? Chơi nhiều quá, hèn gì đời chẳng nên sự nghiệp” – cô ấy nói thế. Tôi cố tìm mãi điểm yếu chết người của cô ấy, mãi cũng phải ra: Bà xã tôi mê xem phim. “Đúng, đời em chỉ có phim hay, ca nhạc hay thôi, chứ chẳng có gì trên đời này hấp dẫn”.
Bạn bè cô ấy có rủ đánh bài thì đến chơi tiến lên cô ấy cũng chẳng biết. Đành giữ chân chia bài hoặc… nấu nước pha cà phê hầu chúng bạn, rồi ngồi ngáp ruồi hoặc ngủ, vì phải đợi nhóm bạn bị máu đỏ đen ngấm vào người đó chơi lâu lắm.
Cô ấy mê phim, nhưng rất khó tính. Phim Việt Nam chẳng bao giờ xem, trừ những phim xôn xao dư luận như Cánh đồng bất tận hay Mùa len trâu, Thời xa vắng. Cô ấy nói: “Không xem phim Việt, chờ đến khi nào bằng được… ngày xưa, hồn nhiên như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang… thì mới xem. Đã xem phim thì mua vé ra rạp hẳn hoi”.
- Xem thêm: Trái tính
Băng đĩa thì chỉ mua phim có chọn lọc, chứ trên HBO và Star Movies cũng đầy phim dỏm, thương mại giải trí. Mở ra mà thấy cảnh chiến binh xưa, người máy siêu nhân, cảnh ma quái, dị nhân đầu máu me từng tảng biến hóa là chuyển kênh ngay.
Phim gì mà chẳng có thẩm mỹ. Những phim dành cho tuổi teen, nói nhiều, hài vô duyên, cô ấy cũng bỏ. Chỉ phim nào chiếu chuyện thời chống phát xít, phim hình sự, các nhà báo hoạt động ở các vùng đảo chính, phim tâm lý xã hội hay thì mới xem.
Loại phim bộ Hong Kong, Hàn Quốc cũng không. Phim Trung Quốc thì chỉ xem phim thời hiện đại, nói về thân phận con người hoặc xưa hẳn như Hồng Lâu Mộng, Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu…
Tôi phải kể kỹ vì thấy cái gu của cô ấy thuộc loại “văn hóa cao”, nhưng vì thế tôi chịu, cả đời chưa mua cho vợ hoặc dắt vợ đi xem được bộ phim nào ra hồn.
Ca nhạc thì lại càng… mâu thuẫn. Tôi thích ca cổ các vùng miền, đặc biệt quê tôi (ở đâu thì xin giấu, tránh tội mạ lỵ) – thì cô ấy chê thẳng cánh: giai điệu lặp lại, lời ca… kể lể.
Cô ấy mê nhạc pop và mê cả những ca sĩ không ai nghĩ rằng người như cô ấy lại hợp được. Rồi đã mê Trần Thu Hà, Tùng Dương và Đinh Mạnh Ninh, lại cũng mê luôn Đàm Vĩnh Hưng. Vậy đó, dù các ca sĩ ấy theo đuổi những phong cách quá khác biệt.
Đến đoạn ăn uống thì lại càng khác nhau. Tôi khoái nhậu tùm lum với bạn bè, ăn các thứ gặm nhai thoải mái xương xẩu, hải sản cua ghẹ bóc vỏ đầy mâm.
Cô ấy nói “đám phàm phu tục tử”. Ăn phải có mâm, chén dĩa gọn gàng, sạch sẽ, giữa những người thân yêu, thưởng thức tinh tế các mùi vị, thức ăn phải nấu đúng kiểu, riêu cá nấu kiểu Bắc không có khế và thì là thì đừng gọi là riêu kẻo… xấu hổ.
Còn muốn phong phú “đa dạng” thì phải chơi loại lẩu mắm Nam bộ đúng kiểu cho đã. Tôi mê cá, cô ấy thích ăn thịt, đậu hũ. Khi nào tôi mang lòng heo về thì xin làm chén nước mắm riêng ra.
Tôi ghét nhất ăn cháo, lắm lúc cay đắng tự hỏi: cháo ăn vào năm đói kém chứ ai đời lại có người mê cháo. Cô ấy cãi: “Người Trung Quốc khỏe mạnh là nhờ luôn ăn cháo, ăn canh”. Chẳng biết cô ấy đọc ở sách nào, chỉ biết là tôi bị tra tấn liên tục bởi các món cháo.
Nói chuyện thì người ta bảo… khắc khẩu, chứ chúng tôi thường tranh luận lắm. Khi dọn tủ sách là cãi nhau. Cô ấy xếp những cuốn kiểu “lịch triều hiến chương loại chí” hay “lịch sử tư tưởng” sang một bên.
- Xem thêm: Kiểu gì cũng cãi
Không phải bà xã tôi không hiểu biết giá trị văn hóa cổ, mà cô ấy chất vấn: “Loại sách nghiên cứu thế này, một đời anh giở ra mấy lần, mà hầu chúng thì hằng ngày. Bụi bặm khốn khổ.
Có thấy những trí thức mê nghiên cứu chất sách đầy nhà, đến khi già rồi không tìm được ai tin cậy gửi gắm, phải đem biếu hiến cho Nhà nước không?
Con cái chúng mê thứ khác, mê quản trị kinh doanh, làm báo điện tử, âm nhạc, đạo diễn, kiến trúc thiết kế, đâu có làm “ông đồ gàn” như anh? Ngồi lấy kính lúp soi từng chữ”.
Lớp trẻ cho rằng “đồ cổ” có giá trị thật đấy, nhưng là cái đã định hình giá trị rồi. Chúng chỉ mê những thứ đòi hỏi phải sáng tạo, cái chưa có mới là giá trị…
Chính vì mê khám phá phía trước, ít ngoảnh lại phía sau, nên cánh trẻ có nhiều lỗ hổng kiến thức, bị bố mắng là dốt, còn chúng lại nghĩ bố mình chẳng hiểu gì thời đại.
Cần gì, chúng lên internet, tải tài liệu về, làm việc bằng phần mềm cài đặt sẵn, đâu có phải lục lọi trong đống sách bụi bặm.
Ông bố thì nói rằng “Chúng mày vẽ vời cầm laptop, iPad, iPod ra quán cà phê cho sành điệu, chứ tao đọc những bài viết dựa trên xào xáo từ mạng, thấy nhạt phèo, có tư duy gì sâu sắc đâu. Xem chúng mày bình luận, chửi cả nhau trên mạng, thấy đa phần là… nhảm!”.
Cứ thế, thấy ở gia đình sao toàn… khắc khẩu không hà, vậy mà cứ sống với nhau được cả đời thì lạ thật. Không hiểu điều gì đã giữ gia đình ở bên nhau? Có lẽ là chúng tôi hiểu, nhìn thấy và “tạm” chấp nhận được những khác biệt…