Để hiểu biết được đầy đủ nhất về kiến trúc của người xưa tại Hội An, không gì bằng đến tham quan nhà cổ Tấn Ký, một trong những công trình dân dụng cổ kính nhất, đẹp nhất và cũng bền vững nhất tại phố cổ bên sông Hoài. Nhà Tấn Ký tọa lạc ở tại số 101 Nguyễn Thái Học, con phố trung tâm Hội An, nơi sớm chiều luôn có những dòng du khách bốn phương qua lại, và hầu hết đều dừng chân tại địa chỉ này.
Được xây dựng từ hơn 200 năm trước, ngôi nhà đã trải qua bảy đời chủ – tính từ ngày cụ tổ của dòng họ này một thương nhân Trung Hoa đã rời quê nhà tìm đến đây lập nghiệp, vào thời phố Hội còn là một thương cảng nhộn nhịp tàu thuyền đến từ nhiều nước. Trong số những thương nhân nước ngoài ngày ấy có nhiều người Hoa và người Nhật. Chính vì vậy mà kiến trúc nhà Tấn Ký pha trộn cả phong cách Trung Hoa, Nhật Bản cũng như kiến trúc bản địa. Có thể thấy những yếu tố kiến trúc Hoa và Nhật ở phần mái, các hàng cột, vì kèo… cùng vô số chi tiết trang trí được chạm khắc hết sức công phu, trong khi sàn gỗ ở giữa nếp nhà chính là kiểu sàn gỗ truyền thống ở Hội An. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc và văn hóa, nhà Tấn Ký còn giữ nhiều dấu tích về một thời kỳ phồn thịnh của Hội An – khoảng từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, khi những thương nhân giàu có đến đây lập nghiệp và xây dựng nhà ở.
Theo chủ nhân hiện tại của ngôi nhà là chị Tân Xuân thì nhà cổ Tấn Ký gồm nhiều nếp nối với nhau, nếp thứ nhất có sáu hàng cột tạo thành ba gian nhà, hai gian bên và gian giữa. Nếp thứ hai chạy dọc theo sân trong (do những ngôi nhà ống ở Hội An có chung tường, lại ít cửa sổ nên để thông thoáng luôn có một gian giữa mở ra một khoảng trời gọi là sân trời hay sân trong). Kế tiếp là nếp thứ ba có bốn hàng cột thông lên mái, là nơi dành cho bếp, kho chứa…
Cột nhà Tấn Ký được kê trên những tảng đá xanh được mua từ Thanh Hóa hết sức chắc chắn, nhờ vậy mà đã qua trên hai thế kỷ cột vẫn chưa bị mục ruỗng, nhất là trong điều kiện mưa lũ khiến hầu như năm nào cũng gây lụt lội ở phố cổ. Ngôi nhà Tấn Ký cũng đã trải qua những thời kỳ bị ngập trong nước lũ, được ghi dấu ở một bức vách. Để “sống chung với lũ”, khi nhà bị ngập nước, chủ nhân lại phải chuyển toàn bộ đồ đạc nội thất, hầu hết đều là cổ vật quý hiếm, lên tầng trên và gia đình cũng sống ở đó cho đến khi nước lũ rút đi.
Trong nhà cổ Tấn Ký có đôi câu trên bức hoành phi: Bích xích thùy dương thiên lý vũ/ Thập phân minh nguyệt nhất lầu thư; tạm dịch: Một dãy dương liễu chỉ dài trăm thước đón được cơn mưa từ ngàn dặm/ Một mảnh trăng chỉ rộng mười phân rọi sáng cả một căn gác đầy sách. Ngày nay, vào những đêm rằm phố cổ, ánh trăng vẫn rọi sáng khoảng sân trong ngôi nhà Tấn Ký.
- (Hội An)