Sau hành trình Hội An vào đầu xuân Mậu Tuất vừa qua, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tiếp tục mang loạt tranh lụa “Hơi thở nhẹ” đến với công chúng Sài Gòn qua triển lãm cùng tên tại gallery Eight (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 14-4 đến 24-4-2018).
Triển lãm cá nhân lần thứ chín của Bùi Tiến Tuấn sau 10 năm cầm cọ chuyên nghiệp (2007-2017) giới thiệu với người xem mười hai tác phẩm mới của anh, đồng thời ra mắt cuốn sách Hơi thở nhẹ, “tập đại thành” những chặng đường sáng tác với nhiều thể nghiệm về chất liệu cũng như phong cách, ngôn ngữ tạo hình để rồi Bùi Tiến Tuấn có được thành tựu đáng ghi nhận trong đời sống mỹ thuật Việt hôm nay.
Sách Hơi thở nhẹ còn đưa người đọc đến với những năm tháng Bùi Tiến Tuấn còn theo học Đại học Mỹ thuật – “một sinh viên luôn tìm hướng đi mới lạ” như nhận định của giảng viên – họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cũng như những kỷ-niệm-nghề-nghiệp đẹp đẽ từ những bạn học cùng thời. Cũng không thiếu những phác thảo, nghiên cứu về hình cho thấy sự cẩn trọng của một họa sĩ chuyên nghiệp… Và còn nhiều bài viết của các tác giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, đồng nghiệp… có uy tín được tập hợp trong ấn phẩm trang nhã, được thực hiện công phu ấy.
Trong phát biểu khai mạc phòng tranh, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho rằng những đóng góp của Bùi Tiến Tuấn đối với tranh lụa là rất đáng ghi nhận song hơn thế nữa là sự tìm kiếm về mặt tạo hình của anh đối với chất liệu truyền thống này. Có thể dẫn thêm nhiều “lời có cánh” của các đồng nghiệp đối với triển lãm “Hơi thở nhẹ”, chẳng hạn: “Tranh lụa của Tuấn thật độc đáo. Trong cái nền nã của dòng tranh lụa truyền thống, phảng phất từ thời Đông Dương nhẹ nhàng tinh tế, hình tượng người phụ nữ trong tranh anh có gì đó nổi loạn, kiêu sa, lạnh lùng nhưng lại quyến rũ đến chết người. Những khuôn mặt không lộ hẳn, với ánh mắt tảng lờ mọi thứ lại gắn vào một cơ thể đẹp với thế dáng đầy khiêu khích. Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao khi tiếp cận một người phụ nữ khó gần nhưng lại rất “muốn gần”. Đó chính là ma lực của tranh lụa Bùi Tiến Tuấn” (họa sĩ Phạm Bình Chương); hoặc “Qua những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm và giới thiệu trong sách, chẳng những ta có thể thấy quá trình làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp mà còn thấy điều quan trọng hơn: chất lãng mạn nhu hòa đặc biệt Á Đông. Thể hiện và khẳng định cá tính sáng tạo là điều quan trọng, nhưng sâu xa hơn, lâu bền hơn là cá tính ấy mang hơi thở của dân tộc.
Rõ ràng, nếu đặt các tác phẩm của Tuấn bên cạnh các tác phẩm lụa của Trung Quốc, Nhật Bản hay những nước khác, nó không bị che lấp. Điều đó là thành công!” (họa sĩ Nguyễn Thanh Bình).