Người phương Đông xưa nay vốn chuộng gỗ, hành Mộc được xem là biểu hiện của truyền thống, đối lập với hành Kim là đặc thù văn minh phương Tây. Vì thế trong thời hiện đại, một ngôi nhà vừa đáp ứng tiện nghi kỹ thuật cao lại vừa in đậm nét truyền thống nhiệt đới là điều không ít gia chủ mơ ước. Để dung hòa những yếu tố đó, trước hết phải xem xét vai trò của hành Kim, từ đại thể đến chi tiết, từ bên ngoài vào chi tiết.
Từ đặc trưng hành Kim trong không gian…
Hình dáng của hành Kim trong ngũ hành là hình tròn, phương vị ở phía tây và tây bắc, biểu trưng thời tiết là mùa thu. Hành Kim sinh hành Thủy và được sinh bởi hành Thổ, ngược lại Kim khắc chế Mộc và bị Hỏa khắc. Với những đặc trưng gần như tương phản với hành Mộc nên trong nhà ở cần tiết chế hành Kim sao cho hài hòa, ngược lại đối với các cơ xưởng sản xuất hay trung tâm thương mại, hành Kim sẽ phát huy khá hiệu quả nếu được xem xét vận dụng đúng.
Những đặc tính thuộc về kim loại như sự chuyển động, cứng rắn, phản xạ ánh sáng… khá phù hợp với tính chất sản xuất và thương mại. Các quy trình công nghệ đều cần đến máy móc, khung nhà xưởng thường làm bằng thép rất thuận tiện cho sản xuất và lắp dựng. Hoạt động kinh doanh nhất là kim khí điện máy, điện tử, vận tải, cơ khí… cũng đều đặc trưng hành Kim. Hoạt động ngân hàng tài chính cũng vậy, hành Kim được xem là tượng trưng cho lợi nhuận và đồng tiền nên các đồng tiền xưa đều đúc bằng kim loại có hình tròn, ở giữa có lỗ vuông (Thổ sinh Kim) và phần lớn kiến trúc lẫn logo thương hiệu của các ngân hàng thường xoay quanh hình dáng vuông tròn để thuận tương sinh cho lợi nhuận. So với không gian nhà ở thiên về tính che chở, nuôi dưỡng, chăm bón mỗi ngày (thuộc Mộc), hành Kim thường được dùng hạn chế. Cuộc đất có dạng ngọn đồi tròn, mặt bằng khuôn viên tròn (thường hiếm gặp trên thực tế) các hồ nước, vườn hoa hình tròn hay bán nguyệt, bồn chứa dạng khối cầu… đều là những đặc trưng hành Kim. Ta có thể thấy những hình thế như vậy thường thích hợp cho các hoạt động công cộng như trường học, rạp hát, sảnh khách sạn… hoặc nhà xưởng sản xuất hơn là bố trí không gian để ở.
Trong lịch sử, những công trình dùng mang tính giao đấu, động chạm đến đao kiếm như đấu trường Roma (Ý) hay Hổ Quyền (Huế) cũng đều có mặt bằng dạng hình tròn. Sau này, tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ có nhiều ứng dụng phong thủy vào các công trình xây dựng như Singapore, Hongkong, người ta thường bố trí bên ngoài công trình các hồ nước dạng tròn vừa để biểu trưng cho sự phát triển, tài lộc và tính năng động, vừa làm điểm nhấn.
…đến các biểu hiện phong phú
Khoa học kỹ thuật hiện đại càng phát triển thì yếu tố Kim hiện diện ngày càng nhiều trong không gian sống, đồng thời một số không gian mang đậm tính chất hành Kim cũng ngày càng được xác lập rõ ràng hơn, cụ thể là nhà (hay hầm) để xe, phòng làm việc và phòng kỹ thuật (kho, xưởng trong nhà).
Tính chất của hành Kim được nhận biết không chỉ qua vật liệu tạo tác công trình mà còn ở hình dáng, màu sắc, khối tích…, do đó trong từng không gian cụ thể nên xem xét, cân đối liều lượng của mỗi hành, hành nào cần đóng vai trò chính yếu sẽ được làm nổi bật, các hành thứ yếu sẽ bổ trợ hoặc kềm hãm, tạo cân bằng chung. Ví dụ một phòng ăn toàn thuần tính Kim rõ ràng sẽ rất “ê răng” và lạnh lẽo, khó có thể tạo nên không khí ấm cúng, quây quần cho bữa ăn. Còn với phòng ngủ vốn luôn hợp với vật dụng bằng gỗ, không nên dùng nhiều vật dụng bằng kim loại, inox sẽ gây cảm giác lạnh lẽo, khó ngủ. Nhưng phòng ngủ dùng nhiều gỗ quá cũng gây cảm giác nóng nực (Mộc sinh Hỏa) nên vẫn cần một chút hành Kim như mảng trần màu trắng, khung tranh bằng đồng, chân ghế kim loại… để tạo sự tương khắc, cân bằng trở lại. Trong toàn bộ các không gian của một ngôi nhà ở, chỗ để xe và chỗ làm việc có trường khí nghiêng về hành Kim nhiều nhất (máy móc, tính phân tích, ánh sáng tập trung…) do đó không nên bố trí chỗ làm việc ngay trong phòng ngủ mà nên ngăn cách hoặc nếu cần tạo phòng làm việc riêng biệt. Tại các nước phương Tây, garage cũng là nơi làm việc, nhà xưởng hay phòng thí nghiệm trong gia đình và có thể thấy không ít cơ nghiệp lớn từng được khởi đầu từ những cái garage lỉnh kỉnh mọi thứ vật dụng máy móc ấy.
Khéo dùng hành Kim trong bếp
Đặc tính chắc chắn, nhẹ, dễ chế tác và tạo hình phong phú khiến hành Kim ngày càng được ưa chuộng, nhất là trong các hạng mục đòi hỏi tính chính xác cao, liên quan đến độ chịu va chạm và cần thời gian thi công nhanh như hệ thống cửa, cầu thang, tủ kệ chứa đồ, thiết bị làm bếp… Người phương Đông về mặt tâm lý “ưa Mộc”, thế mà Kim vốn khắc Mộc nên Mộc được ưa dùng nhiều bên trong, còn Kim hay được chọn cho bên ngoài, mang tính bảo vệ, đối ngoại (hàng rào, cửa cổng, cửa cuốn, bông sắt, lan can ban công…).
Một giải pháp nữa là tăng Mộc giảm Kim ở các không gian riêng tư, ví dụ như đưa tivi, máy vi tính, bàn làm việc ra khỏi phòng ngủ để giảm từ trường và tỏa nhiệt của thiết bị. Đồng thời nhiều gia chủ cũng ưa thích giải pháp “ruột Kim vỏ Mộc”, để vừa ăn chắc mặc bền vừa thỏa mãn cảm giác gần gũi thiên nhiên. Đó là dùng kết cấu kim loại nhưng được sơn phủ bên ngoài bề mặt mang tính chất gỗ, tạo vân gỗ để đáp ứng tâm lý người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng mà nhiều vật liệu nhân tạo khác khi tiếp cận thị trường nhà ở – nhất là khu vực châu Á – thường phải có nhóm mẫu mã bề mặt giống gỗ (như các loại nhựa, kim loại, tấm dán decal, nhôm…, và ngay cả gạch lát hay tấm trải sàn có mặt vân gỗ cũng rất được ưa chuộng). Điều này cũng thể hiện xu hướng phối hợp hài hòa các loại vật liệu làm nhà, không ưu ái quá mức một loại nào (không thiên lệch trong ngũ hành) và phù hợp tâm lý người phương Đông.
Hiện nay, dù hệ thống thiết bị phục vụ công việc làm bếp khá hiện đại và tiên tiến thì tủ bếp – bằng inox hay nhựa tổng hợp – nếu có chút màu sắc, bề mặt… giống gỗ vẫn được gia chủ (nhất là gia chủ tuổi trung niên) ưa chuộng hơn là tủ bếp kim loại. Còn các gia chủ trẻ tuổi, năng động thì rất hay chọn lựa thiết kế và chất liệu làm tủ kệ bếp theo hành Kim. Đá solid surface trắng toàn khối đi với thiết bị bếp (máy hút, lò vi sóng, tủ lạnh…) bằng kim loại, màu xám bạc là những phối kết hành Kim hoàn hảo. Có thể ai đó sẽ băn khoăn khi Kim vừa khắc Mộc lại bị Hỏa khắc, vào không gian bếp sẽ không hợp ngũ hành. Lo lắng này không đúng bởi yếu tố hài hòa ngũ hành không phải là không gian thuộc hành gì thì phải tăng hành đó lên, mà có khi phải tìm cách giảm xuống. Ví dụ nhà bếp vốn thuộc Hỏa, nếu gia tăng Mộc, dùng màu nóng sẽ càng… bốc hỏa. Thay vào đó, yếu tố khắc là Kim (màu trắng, xám kim loại) và Thủy (đá granite đen, bếp từ màu đen…) sẽ giảm Hỏa đáng kể, giữ sự sạch sẽ và mát mẻ cho bếp hơn.
Mặt khác, bếp luôn là một không gian đòi hỏi sự dung hòa của các mặt đối lập, như nước với lửa, nóng nực với mát mẻ, quây quần với thoáng đãng… mà phong thủy từ lâu đã xác quyết. Có thể thấy từ phát biểu nổi tiếng của Le Corbusier “nhà là cái máy để ở” đã mở ra thời kỳ kiến trúc hiện đại đề cao công năng và tính hợp lý trong thiết kế như thế nào. Và giờ đây cũng có thể nói “bếp là cái máy để nấu ăn” để tôn vinh tính khoa học, hợp lý và tiện ích của hệ thống thiết bị bếp tân tiến. Đã dần xa rồi những “xó bếp” mịt mù củi lửa, vừa vất vả cho người nội trợ vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, hỏa hoạn cho gia đình. Hành Kim, như là tính biểu tượng của văn minh và kỹ thuật, đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với không gian sống, miễn sao gia chủ và nhà chuyên môn biết dùng, khéo dùng và tin dùng, để ngôi nhà nói chung và gian bếp nói riêng luôn an lành và tiện ích.
- Ảnh Xuân Trang