Hệ thống bố trí ánh sáng cho không gian sống hiện nay đã không chỉ dừng ở mức độ “đủ ăn đủ mặc” nữa, mà được nâng tầm thành ánh sáng đẹp, bền, tiết kiệm và hài hòa phong thủy. Những tiêu chuẩn đó mới nghe có vẻ khó áp dụng, thực ra đã và đang hiện diện chung quanh, ít hay nhiều ở mỗi ngôi nhà. Vấn đề là cần nhận diện đúng và biết cách điều chỉnh, sắp xếp hệ thống chiếu sáng sao cho hiệu quả để ngôi nhà trở nên lung linh, thẩm mỹ và an hòa hơn.
Những không gian cơ bản như phòng ngủ, phòng khách thường hay được ưu tiên chọn đèn, do đó dễ đẩy những không gian chuyển tiếp, giao thông trong nhà xuống hàng thứ yếu về bố trí ánh sáng.
Từ lối đi đến hàng hiên
Phong thủy từ xưa đã rất coi trọng nơi giao hòa âm – dương, trong – ngoài như hàng hiên, nơi luôn ưu tiên treo đèn kết hoa vào dịp lễ hội, năm mới để kích hoạt nguồn khí lưu chuyển, gia tăng sự tươi tắn, nổi bật ngay từ những tiếp xúc đầu tiên khi khách đến nhà. Phong thủy hiện đại cũng không đi ngược lại nguyên tắc này, 100% cửa hiệu, trung tâm thương mại đều phải tập trung chiếu sáng, trình bày hấp dẫn ở những show window mặt tiền, lối vào, hành lang đón khách. Với nhà ở, yêu cầu hoành tráng có thể giảm đi, nhưng yêu cầu về nội minh đường tươi tắn, giảm hung tăng cát và cân bằng trong ngoài thì không thể xem nhẹ, cụ thể:
Nội minh đường tươi tắn: khi nhà đúng hướng, tức là cửa chính đạt vượng khí thì sử dụng đèn là cách nhấn mạnh và thu hút ở khu vực nội minh đường. Điểm nhấn này giúp phân biệt phương vị chính của nhà với các chiếu sáng rải đều chung quanh khác, đồng thời là tín hiệu mở đầu cho không gian đón tiếp trang trọng, thân tình sau đó của sảnh, phòng khách.
Giảm hung tăng cát: mặt trước nhà quang đãng thì ánh sáng có thể dịu nhẹ, nếu tối tăm thì cần gia tăng các loại đèn pha, đèn chiếu điểm vừa mang tính chất bảo vệ vừa dẫn dắt bước chân, giảm thiểu nguy cơ va vấp do thiếu sáng. Cụ thể: nên tính toán đặt đèn theo bậc thang hay hàng rào, đèn cột ở cấp độ trung bình gần với tầm sử dụng thường xuyên, sáng đều cho khu vực đi lại an toàn hơn.
Cân bằng trong – ngoài: các lối ra vào, hàng hiên ngôi nhà (hay ban công căn hộ chung cư) có thể đã được chiếu sáng bởi hệ thống đèn chung của đường sá, khu phố, nhưng luôn luôn không thể đủ sáng và rõ, vì thế cần tạo sự cân bằng với ánh sáng trong nhà, theo nghĩa cân bằng động, có chính có phụ, ví dụ trong nhà sáng bảy phần thì ngoài nhà cũng phải sáng ba phần, thông qua cách chiếu sáng gián tiếp và phân tán, tức là không chỉ tập trung đèn vào một điểm ngay cửa chính hay sảnh mà nên phân bố theo cột hoặc đà, đèn lồng hoặc đèn pha nhỏ.
Gia tăng khí ở đèn cầu thang
Trong cấu trúc mọi ngôi nhà, vị trí cầu thang thường “lơ lửng” ở khoảng giữa các không gian sử dụng chính hay phụ khác nên vô hình chung cứ đi ra cầu thang là gặp một thứ ánh sáng mờ nhạt, chung chung bởi tâm lý mọi người hay nghĩ: chỉ là chỗ di chuyển, có đọc sách ngoài thang đâu! Dĩ nhiên cách chiếu sáng theo bậc thang, cách dùng đèn cảm ứng tự động tắt – mở khi có người đi lại rất hợp lý bởi vừa tiết kiệm vừa hiệu quả. Nhưng về phong thủy thì chưa đủ, bởi không gian thang đóng vai trò dẫn truyền khí trong nhà lưu thông theo đường chéo và chiều cao, nhất là khi cầu thang có lòng rộng hoặc kề cận giếng trời. Vì vậy, các điểm đầu, điểm cuối và khoảng giữa thang là những vị trí cần lưu tâm. Đa phần nhà có thiết kế nội thất đều giải quyết tốt vị trí khởi đầu thang với sảnh đệm, đèn trần và tường đầy đủ, chỉ cần lưu ý thêm đèn cho phần gầm thang trệt bởi đây là nơi âm thịnh, góc chéo nhọn khó sử dụng. Với những nhà có bố trí tiểu cảnh gầm thang kết hợp giếng trời thì điểm đặt đèn ở khu vực này có tác dụng lan tỏa khá hấp dẫn. Một số nhà dùng sân trong gần thang làm nơi thư giãn, đàm đạo thì ánh sáng là nhân tố quyết định, khác biệt rõ so với các khu vực chung quanh.
Khi lên các tầng lầu cũng như vùng chiếu nghỉ thì mọi nhà hay giảm bớt đèn, dừng lại ở dạng đèn rọi tranh hay đèn tường đơn điệu. Các giải pháp phong thủy hiện nay khuyến cáo gia chủ nên đầu tư thêm về ý tưởng, hình thức thể hiện mảng miếng ở khu vực chiếu nghỉ để đáp ứng nhu cầu nhìn ngắm, thư giãn khi lên xuống thang, đồng thời vị trí này có cao độ không thuộc tầng sinh hoạt nào cả nên sẽ giúp chuyển tiếp ánh sáng, gia tăng khí về phong thủy tốt hơn là kiểu bố trí đèn rải đều trên trần hay tường vốn quen thuộc. Dĩ nhiên phải tùy ở cấu trúc bề mặt tường thang trong nội thất theo kiểu nào để bố trí đèn tương ứng. Ví dụ theo lối cổ điển có vòm, hốc, gờ chỉ… thì nên phân nhiều đoạn chiếu sáng để làm rõ chi tiết. Ngược lại, nếu ô cầu thang thiết kế mảng miếng hiện đại, lan can kính, tường sơn màu nổi bật… thì chiếu sáng sẽ dịu hơn (nguyên tắc bù trừ âm dương) theo mảng rộng, chỉ cần làm nổi hình khối và “tốt khoe xấu che” ở các vị trí ngóc ngách là ổn.
Đèn sân vườn – cuộc chơi kỳ thú
Nếu ban ngày ánh sáng là trong âm ngoài dương, thì khi màn đêm buông xuống, nhà nhà lên đèn sẽ đảo ngược thành trong dương ngoài âm. Phần sân vườn chung quanh của mỗi nhà dù to hay nhỏ về ban đêm đều tiềm ẩn các nguy cơ tối tăm, ẩm thấp, âm thịnh dương suy so với phần nhà ở. Đa phần vườn quanh nhà ở thời hiện đại mang nhiều yếu tố ngắm cảnh, thư giãn nhiều hơn là vườn để canh tác sản xuất. Trừ đi phần cây lá ao hồ, nhà vườn thôn dã thường có màu sắc – ánh sáng thiên về âm, le lói, ít ỏi, mang cảm giác buồn tẻ, thâm trầm. Còn nhà vườn hiện đại (biệt thự, nhà phố có sân vườn) kiểu phương Tây lại thiên về dương nhiều hơn, có tính nổi bật đôi khi gần với sự phô trương. Cả hai cách làm này xét toàn diện theo xu thế kiến trúc bền vững đều không được cân bằng âm – dương, bởi sân vườn luôn mang tính hỗ trợ, nâng đỡ ngôi nhà chính, đồng thời vây bọc, che chở phần cư ngụ bên trong, nên cần xét theo âm – dương hài hòa vừa đủ để bố trí, tùy trường hợp cụ thể.
Nếu nhà có sân “cứng” nhiều, trên nền đất cao, cây cỏ chung quanh thấp, thưa, có nhiều khoảng trống… thì dùng ánh sáng đi cùng màu sắc – chất liệu nghiêng về tính âm nhiều hơn. Tính âm thể hiện qua cao độ đặt đèn từ trung bình đến thấp, ánh sáng khuếch tán qua vòm cây, mặt nước, giấu đèn sau đá sau bụi, dùng đèn cảm ứng tự động tắt khi không có người đi lại… mà các khu resort hiện nay có chuyên gia thiết kế ánh sáng đều áp dụng khá tốt.
Nếu khu vườn quanh nhà rậm rạp, đất trũng, nhà khác che chắn, bóng râm nhiều, gần ao hồ… thì lại nên bổ sung yếu tố dương cho phần chiếu sáng sân vườn, như dùng đèn theo tầng nấc, kết hợp đèn điểm với đèn pha mạnh rõ ràng ở những vị trí lối rẽ, điểm nhấn. Có thể phối hợp đèn nhiều màu cho từng khu vực trong sân vườn để tạo khác biệt, tránh đặt đèn quá mờ ảo, tránh dùng ánh sáng âm hắt ngược lên dễ gây ra hiệu ứng halloween âm u, ma quái.
Có thể tạm phân loại một số hình thức chiếu sáng và màu sắc đèn liên quan đến tính chất ngũ hành của nhà vườn như sau:
Nhà – vườn theo lối truyền thống Việt Nam, Á Đông: thiên về Mộc và Thổ, nhiều chất liệu tự nhiên, màu chủ đạo là nâu, vàng, xanh lá… thì chọn đèn theo lối trung hòa (Thổ và Hỏa) chủ yếu ánh sáng vàng, giảm độ gay gắt, hắt qua chụp hoặc mảng gián tiếp, nhẹ nhàng.
Nhà – vườn theo kiểu phương Tây cổ điển: mang nhiều tính Thổ và Kim, đường nét kỷ hà, mảng miếng xén tỉa kỹ lưỡng… thì hệ thống đèn nên phân tán rộng đều, cần ánh sáng tươi tắn trang nhã, màu theo Kim (trắng, ánh kim), tuy nhiên cần lưu ý kiểu dáng đèn hợp mẫu nhà và không xa lạ với môi trường nhiệt đới.
Nhà – vườn kiểu phương Tây hiện đại: thường thiên về mảng khối lớn, bất đối xứng, mạnh mẽ và khác lạ, mang tính Kim và Thủy, đôi khi có tương phản trắng – đen, âm – dương rõ rệt, cho nên bố trí đèn cũng theo dạng giản lược, có nhấn nhá khác lạ, dùng hành tương khắc là Hỏa – Thủy (ánh sáng đủ cả màu nóng – lạnh) để tạo cá tính.
Nhà – vườn thiết kế kiểu phương Đông đương đại: không gian mở và tối giản được đề cao, nên mang đặc thù ngũ hành của bộ ba Kim – Thủy – Mộc, màu sắc và ánh sáng có sự pha trộn giữa hiện đại với truyền thống, đèn phối hợp tương phản nhẹ, có chuyển tiếp. Có thể “vay mượn” ánh sáng của khối nhà bên trong hắt ra nhằm bổ sung cho sân vườn bên ngoài, tạo sự gắn kết trong ngoài tốt hơn.
- Ảnh Xuân Trang