Giếng trời được hiểu là khoảng thông tầng từ mái xuống tầng trệt hoặc một không gian ở giữa ngôi nhà theo phương thẳng đứng hoặc các hình thái giật cấp khác kiến tạo nên tầm nhìn lên bầu trời. Mỗi ngôi nhà có thể có sân trước, sân sau hay sân ngay giữa ngôi nhà.
Giếng trời cũng vậy, có thể có một, hai hay có khi đến ba giếng trời trong một ngôi nhà bất kỳ. Thiết kế này có thể có hoặc không trong kiến trúc nhà ở. Tuy nhiên, đối với nhà ống hoặc những nhà phố khi ba mặt tiếp giáp đều là hàng xóm như ở các đô thị Việt Nam thì giếng trời là giải pháp kiến trúc mang tính kỹ thuật và mỹ thuật tối ưu giúp thông gió, lấy sáng tự nhiên, giúp tiết kiệm năng lượng, đồng thời tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian sống bên trong ngôi nhà.
Tăng cường ánh sáng tự nhiên: Đối với nhà ống có mặt tiền nhỏ hẹp, chiều sâu dài và ba mặt đều không thông thoáng, gia chủ nên thiết kế giếng trời với kích thước phù hợp để đón sáng tự nhiên, tạo nguồn sinh khí tươi mới cho ngôi nhà. Ánh sáng từ phần mái sẽ theo thân giếng xuống, lan tỏa khắp không gian nội thất bên dưới. Tận dụng những hiệu ứng bóng đổ, trên đỉnh giếng có thể tạo các khung sắt hình hoa văn hoặc mảng kính đầy màu sắc gây ấn tượng và thu hút về thị giác tạo điểm nhấn cho nội thất ngôi nhà.
Thông gió tự nhiên và điều hòa không khí: Một trong những chức năng quan trọng của giếng trời là lấy gió tự nhiên, giúp quá trình lưu thông không khí giữa bên trong ngôi nhà với bên ngoài diễn ra tối ưu và đều đặn, mang đến bầu không khí trong lành và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sống trong nhà. Về phong thủy, mặt đối lưu khí tốt giúp gia chủ sinh tài lộc và may mắn.
Tạo không gian cảnh quan cây xanh: Đối với những chủ nhà yêu thích cây xanh, thì giếng trời chính là cơ hội lấy nắng lấy mưa xây dựng nên một khu vườn nhỏ bên trong ngôi nhà. Mỗi mùa trôi qua, nhìn cây cối đơm hoa kết trái ngay bên cạnh sự trưởng thành của con cái, ngôi nhà và khu vườn như dựa vào nhau đầm ấm trưởng thành. Với những gia chủ yêu thích cuộc sống riêng tư khép kín, việc xây dựng những khoảng sân giếng trời là điều kiện tiên quyết trong nhu cầu sống của họ. Khi cuộc sống bộn bề bên ngoài khép lại, một cuộc sống khác dịu dàng trầm bổng cùng nắng gió lại mở ra chính bên trong những ngôi nhà phố tưởng chừng như khô khan.
Tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật: Ngoài những yếu tố mang tính chất kỹ thuật và cảnh quan, giếng trời cũng còn có thể được thiết kế như một không gian có ý nghĩa nghệ thuật. Chủ nhà có thể trưng bày những bức ảnh gia đình, trang trí, hay các bộ sưu tập của mình và gia đình ở không gian bên trong và xung quanh khu vực giếng trời chan hòa ánh sáng mở ra ở giữa ngôi nhà.
Tiết kiệm năng lượng tiêu thụ: Như chúng ta đã biết, giếng trời giúp không gian nhà trở nên thoáng sáng hơn nên gia chủ sẽ tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện thắp sáng và hệ thống thông gió làm mát. Mặt khác, khả năng tiết kiệm năng lượng cũng giúp ngôi nhà trở nên bền vững và thân thiện với thiên nhiên hơn.
Thực tế cho thấy, giếng trời được thiết kế ở nhiều vị trí trong nhà phố như cạnh cầu thang, nhà bếp, phòng ăn hoặc ở giữa nhà. Để khai thác tối đa chức năng lấy sáng và thông gió, gia chủ nên đặt giếng trời ở khoảng giữa hoặc bên cạnh khu vực cầu thang. Bởi lẽ, cầu thang thường được bố trí ở trung tâm nhà và các không gian chức năng khác xoay xung quanh nên ánh sáng và không khí sẽ được lan tỏa đều khắp nhà. Chẳng hạn, các phòng trong nhà có thể tiếp xúc với giếng bằng cách mở cửa sổ trực tiếp ra giếng trời hoặc thông qua ban công riêng. Cuối cùng, tùy theo kích thước và kiến trúc của ngôi nhà mà kiến trúc sư sẽ đề xuất các ý tưởng thiết kế, chọn vị trí thích hợp nhất cho ô giếng trời trong những ngôi nhà phố. Dù được đặt ở đâu thì giếng trời cũng phải đảm bảo được quá trình lưu thông không khí thuận lợi, lấy sáng phù hợp, vượt trội công năng sử dụng và thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Hình ảnh: ROOM+ Design & Build
Bài viết sử dụng một số hình ảnh minh họa về giếng trời trong các công trình nhà phố do
ROOM+ Design & Build thiết kế
- Xem thêm: Sống quanh giếng trời