Năm 1891, họa sĩ Paul Gauguin rời nước Pháp, khước từ cả “châu Âu bẩn thỉu” như cách ông miệt thị để đến đảo Tahiti với hy vọng sẽ tìm thấy một “thiên đường chưa bị thối rữa”. Chỉ trong hai năm đầu sống trên đảo xa, Gauguin đã vẽ 66 bức tranh sơn dầu tuyệt mỹ trong sự nghiệp hội họa của mình. Không chỉ vẽ tranh, Gauguin còn viết một tập nhật ký, qua đó ghi lại những suy ngẫm về nghệ thuật cũng như những ấn tượng có được về thời kỳ sống và sáng tác tại một “địa đàng trần thế”. Chính tập nhật ký Noa Noa đã tạo cảm hứng để đạo diễn Edouard Deluc thực hiện bộ phim Gauguin: Hành trình đến Tahiti.
Noa Noa (theo ngôn ngữ của thổ dân vùng quần đảo Polynésie có nghĩa là “ngát hương”) được xuất bản lần đầu tại Pháp năm 1901 – hai năm trước ngày Paul Gauguin qua đời, không chỉ có giá trị như một tư liệu lịch sử về cuộc sống, tập quán, văn hóa của thổ dân Tahiti vốn chưa được biết đến nhiều thời bấy giờ, mà còn giúp người đọc nhận biết về phong cách hội họa độc đáo, riêng biệt của người nghệ sĩ dấn thân vào cõi cô đơn để tìm sự sáng tạo. Những quan sát thấu đáo cảnh và người Tahiti kết hợp với những cảm xúc mãnh liệt trong quá trình đi tìm một sự hài hòa nội tâm đã được Gauguin thể hiện thật sâu sắc trong các tác phẩm của ông.
Một trong những kiệt tác được Gauguin vẽ tại Tahiti vào năm 1892, có tên Bao giờ anh cưới em đã được bán với giá 210 triệu USD trong một thương vụ vào tháng 2-2015, khi gia đình doanh nhân cũng là nhà sưu tập Thụy Sĩ Rudolf Staechelin nhượng lại tác phẩm này cho tiểu vương xứ Qatar Sheikha Al-Mayassa bint Hamad Al-Thani. Trước khi về vùng đất dầu mỏ ở Trung Đông, Bao giờ anh cưới em đã được nhà Staechelin cho Bảo tàng Kunstmuseum ở Basel (Thụy Sĩ) mượn trưng bày trong gần nửa thế kỷ. Tác phẩm hoành tráng bậc nhất của Gauguin là bức Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu? kích thước 139 x 375cm, cũng được họa sĩ vẽ tại Tahiti năm 1897 hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Boston.
Giống như Vincent van Gogh, sinh thời Gauguin hầu như không được biết đến nhiều trong đời sống mỹ thuật ở Paris. Năm 1903, khi ông qua đời ở tuổi 54 tranh của Gauguin vẫn còn khá xa lạ với thị trường và các nhà sưu tập. Vài năm sau khi ông mất, nhờ vào các triển lãm được tổ chức với sự cấp kinh phí của các mạnh thường quân và với sự đổi thay trong cách nhìn về bản sắc văn hóa của thổ dân, Gauguin mới được thừa nhận như một trong những họa sĩ dũng cảm nhất và nổi tiếng nhất của thời đại ông đã sống và cả về sau này. Từ đó, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời phiêu bạt của ông cũng như những gì ông đã để lại cho hậu thế.
Trong lĩnh vực điện ảnh, nhân vật Gauguin đã được diễn viên thượng thặng Anthony Quinn thể hiện trong bộ phim sử thi về cuộc đời bi thảm của Van Gogh: phim Khát sống (Lust for life), được thực hiện năm 1956 với Kirk Douglas đóng vai họa sĩ thiên tài. Dù chỉ xuất hiện đúng tám phút trong phim Khát sống nhưng vai diễn Gauguin đã mang về cho Anthony Quinn một tượng vàng Oscar, cũng là vai phụ ngắn nhất trong lịch sử điện ảnh đoạt giải thưởng cao quý này.
Còn trong tác phẩm của điện ảnh Pháp Gauguin: Hành trình đến Tahiti (Gauguin: Voyage de Tahiti), ngôi sao Vincent Cassel thủ vai Gauguin. Từng xuất hiện trong nhiều bộ phim của Hollywood như Elizabeth, Jason Bourne, Thiên nga đen, Vincent Cassel đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật họa sĩ trong từng thước phim. Phim mở ra với cảnh Paris vào năm 1891, lúc Gauguin đang cảm thấy nghẹt thở vì thiếu cảm hứng sáng tạo cũng như áp lực của cuộc sống đô thị chật hẹp, tù túng. Đã vậy, họa sĩ còn phải đấu tranh không dứt với cảnh thiếu thốn vì không bán được tranh. Và Gauguin quyết định rời bỏ Paris cùng thế giới nghệ thuật hào nhoáng, vô vị và từ biệt gia đình, vợ con để tìm đường đến quần đảo Polynésie – lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp.
Chuyến du hành xa xôi chỉ một mình Gauguin đến một hòn đảo còn hoang dã. Có đến 13 phút phim quay cảnh người họa sĩ với gương mặt mệt mỏi, râu ria lởm chởm ngồi thừ ra trong buổi chia tay Paris ở một nhà hàng nhạt nhẽo, rồi chuyển sang cảnh quay giữa rừng rậm Tahiti với Gauguin đang vẽ một bức tranh phong cảnh bản địa trong ánh sáng của một ngọn nến, dưới mái lều đã tả tơi bởi gió mưa. Những thước phim giúp khán giả dễ nhận ra Gauguin trong cảnh sống cô độc nhưng bằng cách đó ông đã ném chính bản thân mình vào tác phẩm.
Nhưng Paris vẫn không buông tha ông. Gauguin nhận được một bức thư nguyền rủa của vợ ông, một thư khác của người buôn tranh ông để rồi ông bất tỉnh vì một cơn đau tim khi đứng giữa những cây cọ xanh tươi trước căn nhà mới có được trên đảo. Trong bệnh viện, một bác sĩ người Pháp đã chăm sóc, giúp Gauguin phục hồi sức khỏe trong khi người nghệ sĩ đơn độc tìm thấy cảm hứng để vẽ tranh trên các cửa sổ bằng kính trong phòng bệnh nơi ông đang được điều trị.
Sau đó Gauguin trở lại với Tahiti hoang dã, ăn trái cây hái được và cố đánh bắt cá trong một cái hồ gần với thác nước giữa rừng. Sống gần gũi một bộ lạc thổ dân, ông lọt vào mắt xanh của nàng Tehura, một thiếu nữ xinh đẹp (do Tuheï Adams thủ diễn) được tù trưởng bộ lạc ngỏ ý gả cho Gauguin. Và Tehura mau chóng trở thành nàng thơ cũng là người mẫu của Gauguin trong một số bức tranh. Họ còn gắn kết với nhau về mặt nghệ thuật hội họa khi Gauguin hướng dẫn cho người vợ trẻ vẽ tranh.
Nhưng hạnh phúc không ở với họ dài lâu. Những xung đột đã khiến họ không đi cùng một hướng. Thứ nhất là về tôn giáo: trong khi nàng Tehura mê mẩn trang phục của những phụ nữ da trắng trong các buổi lễ tại nhà thờ Công giáo trên đảo thì Gauguin lại chối bỏ đức tin, xa lánh giáo đường. Thứ đến là sự xuất hiện của Jotepha, một anh chàng bản xứ khỏe mạnh, đẹp trai, một tài năng khắc gỗ thực sự. Một mối tình tam giác đã diễn ra khi nàng Tehura tìm thấy chính mình trong sức trẻ và sinh lực của Jotepha. Ghen tuông, mất bình tĩnh khiến Gauguin bắt đầu nổi cơn điên, lại thấy mình tuyệt vọng và đau khổ như lúc sống ở Paris. Ông rời Tahiti nhưng những trải nghiệm trong hai năm sống ở đây mãi mãi gắn bó với thế giới hội họa của Gauguin.
Trong cảnh cuối của bộ phim, khi Gauguin rời Tahiti trở lại Paris(*), qua diễn xuất của Vincent Cassel người xem đọc được trên khuôn mặt của một họa sĩ vĩ đại những vòng xoáy cảm xúc, pha trộn niềm vui và nỗi đau, sự thành công và nỗi thất vọng, tình yêu và sự tan vỡ… Gauguin: Hành trình đến Tahiti đã ra mắt khán giả tại Pháp năm 2017, bản tiếng Anh sắp chiếu tại Mỹ vào tháng 7-2018.
(*) Lần thứ hai Gauguin trở lại Tahiti là vào tháng 6-1895, định cư ở đó trong sáu năm và đã vẽ tuyệt tác Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu? trong thời gian này; sau đó ông chuyển tới sống ở quần đảo Marquises (cũng thuộc lãnh thổ hải ngoại Polynésie của Pháp) vào tháng 9-1901 và sống tại đây đến ngày ông qua đời vào tháng 5-1903. Chính trên đảo Hiva-Oa thuộc quần đảo Marquises, Gauguin đã gặp và trở thành bạn thân của nhà yêu nước Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm), người bị thực dân Pháp đày sang Marquises. Có thông tin cho rằng nhờ sự hướng dẫn của Gauguin nên Kỳ Đồng đã vẽ nhiều bức tranh