Văn hóa Đông phương xem trọng các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhìn nhận ngôi nhà cũng là một thực thể sống, có nạp vào ắt phải có thải ra. Cha ông ta cũng xác định hình thức cần đi cùng nội dung, thậm chí phòng ốc chật hẹp một chút còn khắc phục được, nhưng nếu cách Dụng Thủy (sử dụng nước sinh hoạt và xử lý nước thải) không hợp lý với phong thủy nhà thì sẽ không thể ở được. Trong địa lý cổ truyền, việc Thủ Thủy (đưa nước vào nhà) và Phóng Thủy (thoát nước ra ngoài) đều quan trọng tương đương với Khai Môn – Lập Hướng (mở cửa – chọn hướng), nếu Thủ Thủy và Phóng Thủy sai, cơ cấu bố trí của toàn ngôi nhà sẽ bất ổn.
Từ định hướng tổng thể
Xét theo Huyền Không Phi Tinh, yêu cầu của dương trạch đối với nước cho nhà ở tốt nhất nên chảy uốn lượn, uyển chuyển từ nơi xa tới, đến trước hoặc sau nhà thì bao quanh ôm vòng, kỵ nhất là nước chảy thẳng, chảy xiết, trôi tuột… Tại hai đầu đến và đi và nơi chuyển ngoặt của dòng nước cát, hay chỗ nước hội tụ cần ở các phương sinh, phương vượng. Huyền Không cũng chú trọng việc dựa vào nước ngưng tụ, nếu thủy có thể uốn lượn, bao quanh, tích tụ gọi là hữu tình, là Cát Thủy.
Trong nguyên tắc định vị không gian hợp phong thủy, có vị trí đúng thì sẽ dễ dàng xoay chuyển phương hướng và bố cục. Khu vệ sinh theo nguyên tắc Tọa Hung nên đặt vào các vị trí xấu, chỗ bất lợi về khí hậu. Ví dụ, hướng bắc thuộc hành Thủy, hướng tây và tây bắc thuộc hành Kim, do Kim Sinh Thủy nên những hướng này về mặt khí hậu phù hợp đặt khu vệ sinh (thuộc Thủy). Các hướng này có nhiều nắng gắt và ở cuối hướng gió (so với hướng gió chủ đạo của nước ta là nam và lân cận nam) nên phòng tắm đặt tại đây sẽ vừa giúp đón được bức xạ nhiệt giúp luôn khô ráo, lại vừa giúp gia chủ không gặp phải gió đột ngột khi mới tắm xong. Thậm chí có thể dùng phòng tắm như không gian đệm che chắn bớt bức xạ nhiệt cho phòng bên trong cũng như hình thành mảng khối đặc – rỗng (âm – dương) cho mặt tiền nhà. Tất nhiên, cách đặt này cần lưu ý phòng vệ sinh không đặt “đè” lên trục cửa ra vào chính, tránh đi đường ống thoát nước xuống cạnh các chỗ ngồi trang trọng tại phòng khách.
Đến vị trí cấp – thoát nước
Vấn đề Tác Xí (đặt khu vệ sinh, hầm phân) trong phong thủy được tiền nhân đúc kết theo nguyên tắc Hung gặp Hung để hóa giải Hung khí. Vùng Hung trong không gian nhà được định nghĩa là khu vực ít ưu tiên hơn về sinh hoạt so với các khu chính khác như phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ… Do vậy vị trí phù hợp để đặt “đầu ra” cho nhà (tương đương với các khu vực nhà vệ sinh, hầm phân tự hoại…) nên nằm ở các vùng hung đó. Vùng Hung của mỗi nhà mỗi khác, tùy theo Mệnh tuổi của gia chủ mà xác định dựa theo la bàn và nguyên tắc: gia chủ thuộc nhóm Đông tứ mệnh thì vùng Hung là vùng thuộc nhóm Tây tứ trạch (tây bắc, tây nam, chính tây và đông bắc). Ngược lại, các gia chủ thuộc Tây tứ mệnh sẽ đặt khu vệ sinh, hầm phân về các hướng thuộc đông, đông nam, chính nam và chính bắc (Đông tứ trạch). Dĩ nhiên còn phải xem xét sơn hướng cụ thể trong từng hướng vừa nêu để tránh phạm vào các cung kiêng kỵ.
Theo Bát Trạch thì tám vị trí thuộc hàng Can trên la bàn là Giáp – Ất – Bính – Đinh – Canh – Tân – Nhâm – Quý và bốn vị trí thuộc Chi là Thìn – Tuất – Sửu – Mùi là có thể đặt khu vệ sinh. Còn tám vị trí thuộc các trục chính là Tý – Ngọ – Mão – Dậu (bắc – nam – đông – tây) và Càn – Khôn – Cấn – Tốn (tây bắc – tây nam – đông bắc – đông nam) theo phong thủy truyền thống lưu truyền là Đại Kỵ đối với việc Tác Xí.
Còn vị trí Phóng Thủy (thoát nước ra ngoài) thì theo Bát Trạch cần phóng tại các Thiên Can: Giáp – Ất – Bính – Đinh – Canh – Tân – Nhâm – Quý. Một số nhà biệt thự hay nhà vườn rộng có diện tích khuôn viên bao quanh thì nên đưa hầm phân, hố ga ra hẳn bên ngoài phần xây nhà (dĩ nhiên vẫn đảm bảo nguyên tắc Tọa Hung và định vị như kể trên) để giúp chủ động hơn trong xử lý kỹ thuật, giảm thiểu ảnh hưởng xấu vào ngôi nhà chính. Ngoài ra, không nên đặt hầm phân hố ga ngay sát hồ chứa nước ngầm sinh hoạt, cũng như không nên đi đường ống thoát nước thải bên dưới vị trí đặt bếp nấu, bởi bếp thuộc Hỏa, cần tránh Thủy tương khắc, khi trục trặc phải sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng đến việc nấu bếp.
Đặc điểm của hệ thống thoát nước thải thông thường là cần có độ dốc thích hợp để dễ dàng tiêu thoát, do đó không phải vô cớ mà phong thủy coi trọng việc đắp đất tôn nền cao ráo, khi vào nhà càng ra phía sau càng nên cao dần lên (nở hậu theo chiều cao) để đảm bảo các phần tiêu thoát nước (cả nước sinh hoạt lẫn nước mưa) đều có thể thuận lợi hơn. Tránh làm nhà trước cao sau thấp cũng là để tránh gây ra các khoảng thấp trũng, tù đọng uế khí phía sau nhà.
Ở nhà phố hẹp, hầu như hầm phân không thể “chạy” đi đâu được, do vậy từ đầu lúc bố trí nên lưu ý đến vị trí hầm phân sao cho tránh nằm ngay bên dưới bếp hoặc phòng khách. Tốt hơn là hầm phân nằm gần vị trí gầm cầu thang hay vệ sinh dưới trệt, có nắp thăm được bố trí khuất, và tránh nằm trọn trong trung cung của nhà. Một số nhà hiện nay dùng tầng trệt phía trước để xe thì hầm phân có thể nằm dưới nền nhà xe. Những quy định về đặt hầm phân nếu có thể theo Bát Trạch thì tốt, còn nếu không, cần cố gắng giảm thiểu các vị trí xấu, ưu tiên các vị trí thuận tiện cho không gian chính, chọn lựa khu vực ít sử dụng, khuất nẻo (như trong nhà kho, gầm cầu thang, sân sau…) để bố trí trên quan niệm “đa cát thắng thiểu hung” (nhiều cái tốt sẽ thắng ít cái xấu) nhằm giúp phong thủy của ngôi nhà hài hòa hơn.
Nhà “khỏe đẹp” nhờ khu vệ sinh
Cũng như cơ thể con người, “sức khỏe và vẻ đẹp” của ngôi nhà phụ thuộc không ít vào sự thông suốt của hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, điều này dù là văn hóa truyền thống Đông phương hay văn minh hiện đại Tây phương đều luôn xem trọng. Bố trí khu vệ sinh hiện đại, tiện ích, thoáng đãng, lịch sự… luôn giúp cho “cơ thể” ngôi nhà hoàn thiện hơn, tránh khỏi kiểu bài trí tốt khoe xấu che một cách lệch lạc, chỉ trang trí màu mè nơi phòng khách hay mặt tiền mà xem khu vệ sinh là khu phụ. Một số bài trí cơ bản sau đây giúp khu vệ sinh trong ngôi nhà hiện đại vừa tiện dụng, bền đẹp mà vừa tăng cát giảm hung theo nguyên tắc phong thủy:
– Đúng thứ tự, có chính phụ: Không phải cứ bước vào phòng vệ sinh là thoải mái bố trí khu vực bên trong, mà cần chú ý thứ tự các khu khô – ướt, chính phụ rõ ràng. Khi phòng vệ sinh nằm vào vị trí Hung thì dĩ nhiên không gian kề cận cũng nằm trong hệ thống liên quan như đường ống, hộp kỹ thuật, thông thoáng, lối đi… cho nên các phòng vệ sinh trên dưới thẳng hàng nhau thì hợp lý về phương vị hơn. Nếu đưa bếp (Hỏa) vào khu có Thủy bên trên thì sẽ gặp Xung khắc Ngũ hành. Còn vị trí giường ngủ luôn cần Tọa Cát nên không thể trùng phương vị Tọa Hung của khu vệ sinh được.
– Lưu ý cách mở cửa: Có rất nhiều kiêng kỵ cho khu vệ sinh, trong đó kiêng kỵ về mở cửa là cơ bản nhất. Nếu không quan tâm từ đầu sẽ dẫn đến kiểu mở cửa phòng vệ sinh thẳng hàng với cửa chính, lối vào chính của nhà, mở cửa nhìn ra ngay giường nằm ngủ, hay cửa phòng vệ sinh mở đối diện miệng bếp… điều này ngoài ý nghĩa về giữ gìn thẩm mỹ, che chắn tầm nhìn, còn liên quan đến trục dẫn truyền Nội khí. Nếu vì diện tích chật hẹp hoặc kết cấu không thể di dời thì phải hạn chế mở cửa phòng vệ sinh Trực Xung Đối Môn bằng cách đặt bình phong, tạo vách ngăn che chắn (kính, gỗ, tủ kệ…) trước cửa hoặc lối vào khu vệ sinh.
– Khéo tăng Dương giảm Âm: Không nên xem khu vệ sinh là chỗ phụ dẫn đến bố trí thiếu ánh sáng cũng như thông gió (tự nhiên). Dĩ nhiên phòng tắm không cần quá thoáng như phòng ngủ, nhưng phải tránh việc bố trí thuần Âm, lúc nào vào cũng phải bật đèn hoặc quạt hút mùi như trong khách sạn. Việc tăng Dương giảm Âm còn liên quan đến dùng màu sắc trong phòng vệ sinh, với những màu tươi, phản quang, nhẵn sáng thuộc Dương, còn màu tối, mờ đục, xù xì thuộc Âm. Khi chọn gạch lát phòng vệ sinh theo ngũ hành nên lưu ý những bề mặt màu sắc dịu nhẹ đem lại cảm giác thư giãn (như tông màu trắng, xanh biển và xanh lá cây thuộc các hành Kim, Thủy và Mộc, là ba hành tương sinh với Thủy). Những màu đậm và ấm cũng có thể sử dụng cho phần nền và tường để mang tính bình ổn, giảm cảm giác ẩm thấp. Hạn chế dùng màu chói lọi hoặc quá tương phản trong khu vệ sinh vì tính thư giãn nhẹ nhàng luôn cần được tôn trọng ở không gian này.
- Ảnh Xuân Trang
Xem thêm:
- Nước và chuyện cát – hung trong nhà
- 35 ý tưởng sắp đặt thủy cảnh ấn tượng
- Bể cá cảnh, hồ thủy sinh hợp phong thủy