Ngày càng có nhiều công trình đương đại không sử dụng màu, hay nói đúng hơn là ít dùng màu sắc kiểu hội họa mà khai thác, vận dụng màu tự nhiên. Xu hướng này không chỉ thể hiện mong muốn tìm về các giá trị bền vững, mà còn là giải pháp hợp môi trường và phong thủy.
Lâu nay thói quen phổ biến hay gắn việc chọn màu cho nhà vào giai đoạn hoàn thiện. Điều này vô tình tạo ra cách ứng xử với màu sắc theo kiểu “tô vẽ”, không thực sự chú ý vào phần bản chất của các không gian, thụ cảm của người dùng và những ràng buộc sâu xa liên quan đến triết lý sống.
Tuy nhiên, có vẻ như mọi bảng màu nhân tạo đều không thể vượt qua màu tự nhiên xét theo ba khía cạnh cơ bản nhất: cách dùng màu hợp quy luật tự nhiên, màu của vật liệu tự nhiên không che phủ, và màu mô phỏng môi trường thiên nhiên.
Màu hợp quy luật tự nhiên, cụ thể là hợp theo triết lý âm dương, ngũ hành, tuổi tác… Âm dương trong Dịch học Đông phương xác định: màu càng sáng thì càng gia tăng tính dương, kích thích luân chuyển nội khí, giảm trì trệ của tính âm gây ra bởi những màu tối hoặc vùng khuất sáng, vùng âm.
- Xem thêm: Màu sắc mặt ngoài nhà
Do đó nếu dùng màu sáng hay màu trắng khi vào những không gian thiên về âm tính như phòng ngủ thì cần được làm dịu bớt tính dương, như phối với màu hoặc chất liệu mềm, trầm hơn chẳng hạn như gỗ, vải, giấy dán tường, thảm… sao cho giảm độ chói gắt, dỗ yên giấc nồng.
Ngược lại, khi vào không gian sinh hoạt chung, nơi làm việc, showroom trưng bày… có thể phối kết các màu tươi tắn, tương phản mạnh, màu kim loại hay màu của thiết bị, vật trang trí để kích thích thị giác và tăng dương giảm âm.
Về tác động tâm sinh lý, màu xanh dương được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an tinh thần, bình ổn huyết áp, còn màu xanh lá cây giúp thần kinh dịu lại và mắt được nghỉ ngơi. Nếu được đặt cùng với màu trắng hay xám (gần với sự Thiền định), màu của gỗ và màu vàng nhạt (thể hiện sức sống và sự duyên dáng) thì hoàn toàn có thể tạo ra những hiệu quả thư giãn tốt và hài hòa phong thủy mà các màu mạnh như đỏ, nâu, xanh lá non hay vàng tươi không thể làm được.
Như vậy, thực chất, màu sơn dùng trong nhà cửa hiện nay không đơn giản là một màu hay nhóm màu mang tính chất hội họa, mà là hòa sắc lấy yếu tố âm hay dương làm chủ đạo. Đặt màu lên các bề mặt chất liệu và cho ánh sáng khác nhau chiếu vào sẽ tạo hiệu quả thị giác khác nhau. Nguyên tắc này kế thừa tinh thần của nếp nhà Việt truyền thống: thống nhất về tổng thể và chất liệu, tránh việc dùng màu lộn xộn, lòe loẹt.
Dùng màu hợp quy luật tự nhiên còn cần lưu tâm đến yếu tố vùng miền, bao gồm sự khác biệt vùng khí hậu và vùng văn hóa. Ví dụ như ở vùng Huế hay Hội An thì nhà cửa nếu dùng màu trắng tinh sẽ mau bị xuống cấp, đóng rêu mốc; trong khi đó màu vàng thổ hay đỏ bã trầu lại rất hợp khí hậu nơi đây. Vùng Nam bộ một thời nhà cửa dùng màu đá rửa xám rất phù hợp, nhưng lại không thể đem màu chất liệu này ra miền Bắc nơi có tính chất khí hậu, độ ẩm, gió mùa… khác biệt.
- Xem thêm: Sắc màu và sinh khí nhà cửa
Vận dụng ngũ hành trong màu sắc cũng cần tránh thiên lệch và đảm bảo yếu tố chính phụ, trên cơ sở bổ sung và tương hỗ cho nhau. Cần tránh tình trạng đơn màu hay quá nhiều màu gây phản cảm, cho dù màu ấy có đúng theo tính chất Ngũ hành bản mệnh đi chăng nữa.
Màu của chất liệu tự nhiên không che phủ: xu hướng kiến trúc bền vững, nhà thụ động của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay cũng xác định cách dùng màu sắc thô và mộc, khai thác vẻ đẹp chất liệu ít xử lý và hạn chế dùng hóa chất để bảo vệ môi trường và sức khỏe. Văn hóa phương Đông xem ngôi nhà gắn liền với hành Thổ (cuộc đất, dung hòa) và hành Mộc (tính che chở, riêng tư, nuôi dưỡng). Vì thế màu sắc dùng trong nhà ở luôn khác với công trình tôn giáo (tính Hỏa nổi trội) hay thương mại, công nghiệp (tính Kim đa số).
Nghề làm nhà xưa còn gọi là nghề thổ mộc, trong đó màu của đất, của gỗ, của chất liệu tự nhiên (như gốm và gạch nung, vải vóc, mây tre…) luôn mang lại sự ấm cúng, bình yên, mềm mại. Tuy nhiên cái gì thái quá cũng không tốt, màu gỗ tự nhiên hay màu gạch nung (loại đậm) nếu dùng nhiều dễ gây nóng bức và ngột ngạt (Thổ Mộc đều tương sinh với Hỏa), nên có thể giảm màu ấm mà thêm màu mát dịu, kết hợp với đồ nội thất có màu xanh ngọc, trắng nhạt để tăng tính thư giãn. Những màu chói lọi như đỏ, cam, màu có tính phản quang… hoặc quá gây sự tĩnh lặng đến mức buồn tẻ như xám, tím đậm… nên dùng như điểm nhấn mà thôi.
Gần đây, khuynh hướng kiểu phối màu trung tính (neutral) bắt đầu phổ biến vì mang tính trung hòa, ít thiên lệch và tạo sự thư giãn đáng kể trong điều kiện xứ nhiệt đới vốn thừa ánh sáng, nhiệt độ cao. Gam màu xám có ánh thêm các màu khác pha trộn vào được xem là giải pháp trung hòa. Xét về phong thủy thì đó chính là cách chọn màu theo hành hòa hợp gián tiếp, ví dụ gia chủ hợp hành Mộc thì có thể thêm ánh xanh lá (Mộc), xanh biển nhạt (Thủy) hay ánh cam (Hỏa).
Việc phối màu sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi một mặt gia chủ vẫn có được sắc màu mình hợp và yêu thích, mặt khác, màu phù hợp đó không sử dụng theo kiểu màu nguyên thủy, mà pha trộn, phối kết theo hướng nhẹ nhàng, hiện đại hơn. Vấn đề cảm thấy tốt hay xấu (Cát – Hung) trong phong thủy xét trên khía cạnh tâm lý là sự thoải mái cho người cư ngụ, chứ không chỉ là sự hấp dẫn về thị giác đơn thuần.
Một ngôi nhà có thể có hình khối hấp dẫn nhìn từ ngoài vào, nhưng người sử dụng bên trong lại không được “hưởng” bao nhiêu. Hoặc nếu là công trình cửa hàng, dịch vụ thì màu sắc rực rỡ bên ngoài sẽ thu hút khách, nhưng màu sắc bên trong lại phải phụ thuộc vào tính chất làm việc và sản phẩm kinh doanh. Xem xét vật liệu và màu sắc trong bối cảnh không gian sử dụng giúp người cư ngụ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không, chứ không phải xem xét riêng biệt một màu nào đó có đẹp hay không.
Màu mô phỏng thiên nhiên: Nhìn lại nếp nhà truyền thống người Việt (chủ yếu ở nông thôn) màu sắc của không gian là bảng màu của chính các vật liệu và thiên nhiên chung quanh, ít phối kết nhiều màu như sơn pha chế công nghiệp sau này. Người xưa chọn nhóm màu theo yếu tố ngũ hành, trong đó màu vàng của vôi, rơm, đất nện… tương ứng với hành Thổ, màu xanh cây lá và chất liệu gỗ là hành Mộc, màu ngói đỏ tươi, cột sơn son, bình phong câu đối… thuộc Hỏa. Hai màu trắng (Kim) và đen (Thủy) ít dùng, với lý do mang tính tâm linh, trong đó màu trắng được nhiều người xem là thể hiện cho bệnh dịch, tang tóc, màu của hành Kim (hành đối lập với phương Đông, thuộc Mộc).
Vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước nên việc dùng bảng màu thuần tự nhiên thể hiện đặc trưng văn hóa và các giá trị sống thuận theo tự nhiên được người Việt gắn bó và xem trọng. Bảng màu chắt lọc từ thiên nhiên, mô phỏng tự nhiên này cũng thấy phổ biến ở khu vực Đông Nam Á trong kiến trúc Thái Lan, Indonesia, Malaysia… như lẽ tất yếu cho công trình vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều.
Dĩ nhiên, lối hòa sắc mỹ thuật hiện đại theo kiểu Tây phương vẫn rất khoa học và văn minh. Có thể thấy không gian sống hiện nay, màu sắc được dùng theo độ tuổi và cá tính riêng, phong phú rực rỡ hơn với không gian cho tuổi thanh thiếu niên và giảm dần độ chói, độ tương phản khi gia chủ bước vào tuổi trung niên.
- Xem thêm: Màu sắc nơi chốn kinh doanh
Trong xu hướng hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc, nội thất đương đại của thế giới, màu trắng ngả sang xám dần được sử dụng phổ biến bởi khả năng dễ phối kết với đa số chất liệu và màu sắc khác, cũng như mang tính hiện đại, văn minh, tinh khiết.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia chủ Việt (đa số độ tuổi trung niên trở lên) vẫn ưa lối dùng màu theo truyền thống như một thói quen đã định hình. Do vậy, mức độ “thiên nhiên hóa” trong màu sắc nhiều hay ít tùy thuộc quan điểm sử dụng không gian và cảm quan về sự thoải mái, tiện dụng, chứ không thể áp đặt. Sự phong phú màu sắc một cách có kiểm soát gia tăng tính hấp dẫn cho tổng thể.
Và ở khía cạnh cá nhân, những dấu ấn riêng tư vẫn hoàn toàn có thể xác định thông qua cách phối màu theo bản mệnh, để mỗi người luôn chọn được cho mình một bảng màu ưng ý dựa trên những tiêu chuẩn cơ bản của văn hóa, đó là thuận tự nhiên, hợp lòng người.
– Ảnh Xuân Trang