Gia đình chúng tôi sắp hoàn thiện nhà nhưng có chút mâu thuẫn về chọn màu sắc chất liệu. Nhóm lớn tuổi thì ưa dùng nhiều gỗ tự nhiên, thâm trầm, còn thế hệ trẻ thì lại chọn vật dụng, màu sắc rực rỡ, dùng nhiều kim loại trong nội thất. Tôi nghe nói Kim khắc Mộc, và nhà ở thì không nên dùng kim loại nhiều, vì sẽ giống văn phòng, nhà xưởng. Xin hỏi quý báo, thực hư vấn đề này và cách dùng sao cho dung hòa các thế hệ? Xin cảm ơn quý báo.
Trần Hữu Thuyên, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM
Việc sử dụng kim loại trong không gian sống hiện đại đem lại sự tươi tắn, sắc sảo và đậm chất công nghệ, được giới trẻ ưa dùng. Chỉ trừ một số nhà cổ thuần túy dùng gạch đá và gỗ, hầu như mọi công trình hiện nay đều có kim loại hoặc dưới dạng vật liệu khác (nhựa, gỗ) được phủ màu kim loại, từ màu đồng, nâu đỏ, đến bạc, ánh xám, ánh nhũ vàng… Màu kim loại thậm chí còn không giới hạn ở bảng màu thông thường mà gia tăng ánh phản quang, nên trở thành yếu tố tạo sự lấp lánh, điệu đà… để người thiết kế có thể khai thác, nhất là với nội thất biệt thự cầu kỳ, cửa hiệu sang trọng.
Tuy vậy, không chỉ ở kiểu nhà hiện đại, mà nội thất cổ điển cũng dùng rất hiệu quả kim loại và màu kim loại. Nhà thiết kế có thể sử dụng thủ pháp cùng tông màu để tạo sự hài hòa đồng bộ. Còn giải pháp tương phản thì tạo điểm nhấn nổi bật trên nền màu của chất liệu khác như nền trắng, nền đá nhẹ nhàng… Những tông màu ấm của kim loại (vàng nâu, vàng đồng đỏ…) cộng với đặc tính phản chiếu ánh sáng sẽ mang đến cảm giác ấm áp, hài hòa, tươi sáng. Những gam màu xám bạc crom, màu inox… thì tạo ra nét mạnh mẽ, hiện đại, tinh tế. Do đó, các gia chủ trung niên hoàn toàn có thể yên tâm, không sợ dùng kim loại sẽ “Kim khắc Mộc” hoặc thiếu sang trọng, vấn đề là dùng ở đâu, dùng thế nào.
Sảnh đón, không gian đệm, phòng khách… là nơi màu kim loại có thể sử dụng làm tôn lên vẻ trang trọng, gợi sự chú ý, tinh thần vui vẻ, cao quý. Khi đi cùng lan can cầu thang bằng sắt hay đồng có hoa văn phù hợp, màu kim loại giúp nổi bật trục giao thông.
Không gian nghỉ ngơi, phòng ngủ lại khác, nên sử dụng màu của kim loại như là một yếu tố đặc tả ở một số điểm trang trí điệu đà như viền khung gương, đèn ngủ, đầu giường… là đủ, tránh lạm dụng vì gây chói lóa rực rỡ, vì phòng ngủ cần cân bằng thị giác, ổn định về mặt tinh thần nhiều hơn.
Không gian bếp nếu có xuất hiện của kim loại màu ấm sẽ gia tăng không khí ấm áp, trang nhã, thậm chí có thể chọn phong cách tủ bếp hiện đại sáng màu để hài hòa với những mảng thiết bị (tủ lạnh, lò vi sóng) có màu inox, xám bạc hoặc đen.
Đối với phòng vệ sinh, hiện nay có nhiều bộ sưu tập gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh sử dụng kim loại và màu bạc, mạ nhũ vàng, ánh đồng rất bắt mắt, qua các điểm nhấn ở mảng tường, sàn, một số trang thiết bị dễ tạo thu hút như van vặn, khung gương…
Như vậy, một bảng màu kim loại khéo dùng luôn thể hiện vẻ đẹp tự thân bắt mắt với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Đặc trưng bảng màu kim loại cũng không cố định đơn thuần như màu sơn hay màu gỗ, mà có sự tương tác và biến đổi khi nhận ánh sáng, khi đặt cạnh chất liệu khác và xử lý bề mặt sáng bóng hay mờ. Tất nhiên, không gian có tỷ lệ sử dụng kim loại – màu ánh kim quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mỏi mắt, hoa mắt. Nếu dùng quá ít thì mờ nhạt, lạc lõng, không đủ sức thu hút. Ít hay nhiều còn tùy thuộc vào không gian nội thất đó có cần sự hào nhoáng của kim loại màu hay không. Vấn đề tâm lý sử dụng cũng ảnh hưởng đến sự điều tiết mật độ xuất hiện của kim loại.
Công ty TNHH Tư vấn – Thiết kế – Xây dựng Kiến Xanh
D 11 đường 5A, khu dân cư Him Lam, P. Tân Hưng, Q.7, TP.HCM