Trong cuộc đời chẳng ai hạnh phúc vẹn toàn. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn than thở về nỗi bất hạnh của mình, hay những điều không hài lòng trong cuộc sống. Thật ra, cũng chỉ là tâm lý bình thường của con người, có thể nghe, chấp nhận và bỏ qua những lời than phiền nếu biết thông cảm bởi ai cũng có lúc cần phải tỏ bày để tìm được chia sẻ. Tuy nhiên, không phải tỏ bày nào cũng nhận được sự cảm thông.
Chưa khẳng định bà mẹ này có hạnh phúc hay bất hạnh bởi gần như cả cuộc đời, chỉ mình bà gánh trên vai trách nhiệm lo lắng chính cho gia đình, từ kinh tế cho đến nuôi dạy con cái. Điểm lại, bà thấy hầu như chỉ có mình bà “tả xung hữu đột” trong khi ông chồng lúc nào cũng bình chân như vại.
Công bằng mà nói, những năm đầu mới cưới nhau, chồng bà làm có tiền trang trải chính cho gia đình, khi ấy bà được bạn bè khen là tốt phước, có chồng giỏi giang. Thế nhưng, sau đó anh lâm vào cảnh thất bại này tiếp thất bại kia. Phần vì thoái chí lại thêm tính hơi bướng nên chẳng làm nơi nào được lâu. Hoàn cảnh như thế, bắt buộc bà phải ra tay. Rồi từ đó bà ôm hết mọi thứ. Cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm hồi nào không hay, những đứa con lớn lên chỉ biết có mẹ, từ tiền học cho đến sách vở, quần áo, thậm chí tập xe đạp, tập bơi…
Vào tuổi hoàng hôn, nghiệm lại cuộc đời, bà đâm ra… bực ông chồng. Phải chi năm đó, ông đừng cương với người ta thì vẫn còn làm công ty đó đến khi nghỉ hưu với chức vị khá cao, lương hậu. Những người cùng thời ông làm việc nơi ấy sau này ai cũng khá giả. Cơ quan người ta vẫn tồn tại mạnh mẽ sau từng ấy năm. Rồi bà kết luận, bởi số bà khổ nên chẳng bao giờ cầm được đồng tiền từ tay chồng đưa để rộng rãi mua sắm như người ta.
Bà chia sẻ với con trai, mục đích muốn nói với con rằng sau này có gia đình phải cố gắng làm lụng đừng để vợ con phải khổ. Tưởng sẽ nhận được sự đồng tình, nào ngờ cậu con 22 tuổi buột miệng: “Đó là sai lầm của mẹ”.
Cậu giải thích, thứ nhất, đáng lý mẹ không nên ôm đồm mọi việc, như chuyện học hành của con cái hay tập những kỹ năng sống phải giao hết cho cha. Mẹ đã dạy dỗ, dìu dắt các con, thế nhưng nếu như việc ấy giao cho cha sẽ tốt hơn, với ý nghĩa mạnh mẽ, gắn kết gia đình. Đằng này bởi mẹ ôm hết nên cha thành như thế. Thứ hai, mỗi con người có lựa chọn riêng, quan trọng là họ không hối tiếc. Những năm đó, cha bất đồng với ban lãnh đạo công ty, không thể bắt ép một người có tài, có cá tính vì miếng cơm manh áo phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng.
Chờ con trai nói hết, bà mẹ mới phân tích. Thứ nhất, cho là sai lầm của mẹ, thế nhưng, với người bất đắc chí rồi, không thể nhờ vả họ trong chuyện dạy dỗ con cái được. Hơn nữa, những năm đó, cha dạy con học mà toàn chê con dốt, hay nổi nóng với con… khiến con không muốn hỏi gì nữa. Thứ hai, mỗi người có lựa chọn riêng, nhưng khi đã gánh trách nhiệm với gia đình, vì vợ con, người ta sẵn lòng dẹp bỏ cái tôi để sống, làm việc, ít ra cho một mục đích tích cực là chu toàn nhiệm vụ gia đình.
Rõ ràng, không thể áp đặt suy nghĩ của người mẹ cho đứa con hay hy vọng thay đổi suy nghĩ của bà mẹ, tuy nhiên, tổng hòa lại sẽ thấy vài điểm chung cần thiết.
Thứ nhất, những năm ấy, bà mẹ cứ lờ đi trước việc học hành con cái (nhưng vẫn theo dõi ngầm), chắc chắn người cha sẽ nhận biết vai trò của mình; thêm nữa, nếu là người vợ tâm lý biết cách khai thác khả năng của chồng thì bà sẽ nhẹ bớt trách nhiệm. Vấn đề là bà không được sốt ruột khi con chưa đi được xe đạp hay chưa biết bơi. Trường hợp này do tính hay lo của bà mẹ nên khiến bà phải nặng gánh!
Thứ hai, người đàn ông có cá tính sẽ không bao giờ tạm gọi là “chịu hèn” để kiếm tiền vì vợ con. Trời cho mỗi người mỗi tính. Chuyện qua rồi, bà không nên nhắc lại làm gì, đó là ý kiến của cậu con trai.
Chỉ là một chuyện nhỏ của một gia đình trong xã hội, mới thấy làm sao để con người tìm được hạnh phúc quả là cam go, có khi đến hết đời vẫn không thể. Tại sao bà mẹ này không nghĩ rằng, còn được sống, không bệnh đau, không hoạn nạn, con cái học hành đàng hoàng là quá may mắn hơn nhiều người rồi?