Triển lãm hội họa với tên gọi “Biển cả và mẹ” (Mer et mères) đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 19-5 đến 29-5-2018) là một cuộc gặp gỡ nghệ thuật của các họa sĩ Pháp – Việt với mục đích từ thiện, nhưng đây là một phòng tranh đa dạng về ngôn ngữ và kỹ thuật tạo hình với nhiều tác phẩm rất đáng xem, đặc biệt là từ những người bạn đến từ vùng Bretagne của nước Pháp.
Với sự phối hợp tổ chức của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh và Hội APPEL(*) của thành phố cảng Lorient (tỉnh Morbihan, vùng hành chính Bretagne ở tây bắc nước Pháp), triển lãm “Biển cả và mẹ” có sự góp mặt của mười họa sĩ Pháp, gồm: Cécile Veilhan, Michel Chambon, Isabelle Courtiau, Magalie Bucher, Christian Halna Du Fretay, Valérie Jayat, Gilles Mevel, Eric Le Pape, Virginie Cottin, Philippe Gentils và bốn họa sĩ Đoàn Minh Ngọc, Mai Văn Nhơn, Đặng Văn Long, Nguyễn Viết Thanh của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Lorient là một thành phố dù nhỏ nhưng có vị trí tuyệt hảo (giáp biển, có năm bến cảng và nằm trong một thung lũng), được coi là một thành phố cởi mở, năng động và giàu có về văn hóa; do vậy các họa sĩ đến từ Lorient đã mang theo các tác phẩm tràn ngập không khí náo nức, đầy sinh lực của biển khơi, của những con sóng rạo rực và ánh nắng vầng dương chan hòa trên mặt đại dương xanh thẳm. Đó là Magalie Bucher với kỹ thuật phối hợp giữa pastel và acrylic và cách tạo hình nhân vật ngộ nghĩnh trong Chuyến hải hành, Thủy triều lên, Gió biển; là Philippe Gentils với cách tiếp cận chủ đề mang tính triết lý qua các tác phẩm Cuộc chinh phục của các đại dương, Các chu kỳ nước, Cuộc sống dưới đáy biển được thể hiện bằng ngôn ngữ bán trừu tượng; là Virginie Cottin với cách nhìn biển bí ẩn mà lạ lẫm: hai bức tranh Sóng và Bên bờ biển, đợi chờ của bà tựa những bài thơ về biển.
Ở một cực khác, Eric Le Pape đưa người xem đến vùng biển quê nhà vùng Bretagne của ông qua các tác phẩm Trên bến cảng Lorient, Trở về, Đánh cá đầy màu sắc, mô tả các bến cảng cùng những chuyến tàu trở về với khoang chứa đầy hải sản tươi ngon. Michel Chambon cũng dùng những màu mạnh, tươi nguyên để thể hiện cảm xúc của mình trước biển cả, những tác phẩm Mẹ, Ngược dòng sông Cái, Festival biển của ông còn tạo hiệu ứng thị giác nhờ kết hợp với kỹ thuật xé dán giấy (collage), vò nhàu giấy… Trong khi đó, nữ họa sĩ Isabelle Courtiau kể những câu chuyện về thành phố biển Lorient của bà thật giản dị mà đầy tình cảm qua các bức Mẹ con hải âu, Trước cơn bão, Chú cá già đỏm dáng.
Với họa sĩ cao niên Christian Halna Du Fretay, Chủ tịch Hội họa sĩ TP. Lorient, biển là sự bí nhiệm, là những bài thơ haiku bằng sắc màu có thể lay động cảm xúc người xem: Hiện hữu, Bất chợt, màu xanh và Ánh chiều cuối mùa đông. Còn với nữ họa sĩ Valérie Jayat thì người mẹ chính là hiện thân của biển, là tình thương yêu của người mẹ (“biển mênh mông nhường nào” – thơ Xuân Quỳnh) nên bà vẽ những chú chim biển trong vòng tay của người mẹ: Bản năng người mẹ, Mẹ tôi, Trong ống nghiệm. Ngoài bức Ngược dòng sông Cái của Michel Chambon mô tả dòng sông mẹ, con sông lớn nhất chảy qua TP. Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa, còn có hai bức tranh vẽ biển Việt Nam là Vịnh Hạ Long và Nha Trang buổi sáng của họa sĩ Gilles Mevel với một bảng màu thật ngọt ngào trong cách phối những hòa sắc và khả năng điêu luyện về hình họa.
Về phía các họa sĩ Việt Nam dự triển lãm, có Đặng Văn Long với Biển và con chuồn chuồn, Chiều miền Trung, Trăng trên biển đầy cảm xúc thi vị; Mai Văn Nhơn (đến từ Đồng Nai) với Mỏi trông, Môi trường sống (hai bức cùng tên) thể hiện những câu chuyện về biển Việt Nam thời gian qua: bà mẹ già mỏi ngóng con về từ biển khơi đang cơn bão dữ và mong ước về biển sạch, đầy cá tôm… Đoàn Minh Ngọc có Biển lặng và Cá 1 là hai tranh khắc gỗ hoàn chỉnh về màu và nét, trong khi Biển đợi và Mẹ thiên nhiên của Nguyễn Viết Thanh được thực hiện với kỹ thuật rót màu độc đáo của ông.
Cần nói thêm: toàn bộ lợi nhuận từ việc bán tranh tại triển lãm “Biển cả và mẹ” sẽ được trao tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh để xây dựng Làng Cam tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, trong tương lai sẽ là nơi tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam. Dự án xây dựng Làng Cam đã được khởi động từ tháng 7-2016 với diện tích gần 50.000m2, kinh phí xây dựng lên đến hơn 100 tỉ đồng, từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cũng như từ nhiều hoạt động khác mà cuộc triển lãm “Biển cả và mẹ” là một cách tìm thêm nguồn tài chính.
Triển lãm “Biển cả và mẹ” là một hoạt động trong khuôn khổ lễ hội Bretagne (Fête de la Bretagne) được tổ chức hằng năm tại Pháp và nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam từ 10 năm nay (năm 2018, lễ hội diễn ra từ ngày 18-5 đến 27-5). Đây là một sự kiện nhằm tôn vinh văn hóa vùng Bretagne. Tháng 6-2017, trong Festival Biển Nha Trang, các họa sĩ Lorient cũng đã tham gia triển lãm mỹ thuật Pháp – Việt.
(*) APPEL (viết tắt của Agir Pour la Promotion de l’enfant à Lorient) là một tổ chức đoàn kết quốc tế hướng đến việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, được thành lập năm 1968 tại TP. Lorient, hiện có mặt tại hàng chục quốc gia, nhằm hỗ trợ các đối tác tại địa phương trong các hoạt động liên quan đến trẻ em là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, bệnh tật, đói nghèo và thiên tai. Ở Việt Nam, hoạt động của APPEL – Lorient dựa vào một cách tiếp cận toàn cầu về mặt sức khỏe: kết hợp phương pháp y học với các kỹ thuật về phụ khoa, sản khoa, nhi khoa và phục hồi chức năng, hỗ trợ tổ chức bệnh viện và chính sách y tế gần gũi hơn với thực tế Việt Nam.