Bây giờ, với người có tuổi mà lại có điều kiện, thường đặt việc du lịch lên hàng đầu. Có cái để khoe với bạn bè. Khoe ở đây không chỉ điều kiện đi du lịch mà còn ý khoe có sức khỏe để đi.
Nhiều người quan niệm, con cái có phần con cái. Lo cho con ăn học, có việc làm là đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ rồi. Ky bo chắt bóp để dành cho con nữa là không nên. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Hưởng thụ khi còn sức khỏe, để đến khi hết “xái” chỉ tốn tiền cho bác sĩ.
Một chị khoe, hai hộ chiếu của chị đã đóng dấu 38 quốc gia. Một lần trong chuyến du lịch Campuchia, vì lý do gì đó, đoàn yêu cầu mọi người nộp hộ chiếu khi về lấy lại. Chị không đồng ý. Chị sợ mất hộ chiếu không phải vì thủ tục làm lại mà là vì trong hộ chiếu có quá nhiều dấu các nước chị đã đi qua. Cuối cùng, đoàn phải nhượng bộ. Cơn sốt “đóng dấu hộ chiếu” là có thật ở những người có điều kiện. Một chị khác cho rằng, thời trẻ chị “cày cuốc” quá nhiều rồi.
Lo cho con trai học ở Mỹ, ra trường có việc làm xứ người chị mới có thể “thở” đôi chút, nhìn lại thấy bạn bè đi nhiều nước rồi. Họ đi nhanh quá, chị e mình theo không kịp. Và thế là một cuộc chạy đua ngấm ngầm về bộ sưu tập những con dấu trên hộ chiếu. Càng nhiều dấu chẳng những thể hiện “biết chơi” mà còn chứng minh cho bạn bè thấy sức khỏe mình vẫn còn tốt. Những chuyến đi nước ngoài nào cũng trên 10 ngày. Chưa kể trong nước, rồi đưa mẹ đi chơi, càng chứng tỏ bản thân quan tâm đến mẹ, tạo điều kiện cho mẹ hưởng thụ. Và tất nhiên, Facebook là công cụ để khoe.
Tưởng là bình thường vậy mà một ngày, mọi người ngạc nhiên khi thấy chị giăng trạng thái vẻ trách móc, đại ý chị có tiền chị đi chơi, chị không xài tiền ai, đồng tiền sạch chị lao tâm khổ tứ ngày trẻ, sao lại nói sau lưng là chị phung phí, khoe mẽ, có tiền không biết chia sẻ cho tha nhân? Chị quan niệm, việc chia sẻ không nên phô trương. Thứ nhất, có thể khiến người nhận không thoải mái, thứ hai cũng là một việc đánh bóng tên tuổi. Chị không thích điều này nên không bao giờ chị đăng những thông tin về chia sẻ, thiện nguyện trên Facebook của mình. Nếu không thích chị thì hãy hủy kết bạn, nếu cần chặn luôn, đỡ vướng mắt.
Chị này nói đúng quá đi chớ. Tiền chị, chị xài, chị muốn tiêu pha sao tùy ý thích, mắc mớ gì mà có ý kiến? Tuy nhiên, nghĩ sâu hơn một chút, để thấy, không phải đó là những lời góp ý mà đôi khi có thể vì ghen tỵ hay khó chịu khi phải đọc, xem những điều mà người khác không thể hay khó khăn lắm mới có. Thế gian trăm người trăm ý mà. Đâu ai cấm ai được?
Trở lại chuyện đi chơi. Trong một chuyến du lịch, ngồi trên xe, một chị lấy thuốc ra uống, vừa than thở, bệnh tùm lum, một ngày uống 40 viên thuốc, vậy nhưng vẫn ham đi du lịch. Mỗi lần đi phải chuẩn bị như mang theo cả tiệm thuốc tây. Ai nấy bật cười. Để thấy, nhu cầu đi chơi là có thật và nhu cầu khoe, có cơ hội khoe cũng thật luôn.
Nhiều cha mẹ hạnh phúc khi con cái làm có tiền, ủng hộ cha mẹ đi chơi, tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng được vậy, không nói vấn đề sức khỏe. Vậy nên hiểu tâm lý người lớn tuổi, họ rất thích được đi chơi, với bạn bè hay với con cái. Bởi vì nhanh lắm, cái ngày không thể đi được nữa đến lúc nào không hay.
Mới thấy, tâm lý con người không ưa nhau giữa có điều kiện và không có điều kiện là có thật. Không phải ai cũng “biết thân, biết phận” không còn “đứng núi này trông núi nọ” như đời họ đã từng trải qua. Thế nên quanh việc chơi của người lớn tuổi cũng thành chuyện. Có người tế nhị không phô trương khi mình có điều kiện, có người lại thích khoe…
Từ việc khoe và không khoe, tế nhị và không tế nhị, đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Để thấy, đến tuổi nào con người cũng có thể có sai lầm. Tuy nhiên, nếu cứ chăm chăm vào việc e ngại “người ta nói” thì làm sao thoải mái hưởng thụ cuộc sống vốn chẳng còn bao nhiêu thời gian? Đã đến cái tuổi nhìn thấy đáp số cuộc đời rồi, sao cứ phải gò bó, cần phải sống cho mình chứ…
Bởi thế, khi con người biết nhìn cuộc đời bao dung, rộng lượng, thứ tha thì mọi thứ đã muộn. Nhiều người mới khuyên, sống dễ một chút, dễ là dễ cho mình, chứ không phải dễ cho người khác, điều này phải tập từ hồi còn trẻ chứ không đợi đến già!