Dù là doanh nhân hay một nhân viên chuyên nghiệp, bạn vẫn có những lúc phải đối mặt với những người khó chịu, với áp lực căng thẳng và sự chỉ trích. Bạn quyết đoán, cứng rắn nhưng đồng thời cũng phải biết biểu lộ cảm xúc khi cần thiết – những khả năng này thuộc về trí tuệ cảm xúc.
Theo nhà tâm lý học John Mayer của Đại học New Hampshire (Mỹ), trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết chính xác cảm xúc của mình và của người khác, hiểu được những dấu hiệu xúc cảm được truyền đi từ các mối quan hệ và có thể kiểm soát cảm xúc của chính mình hay người xung quanh. Chính vì vậy, chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao sẽ giúp tăng cơ hội đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Talent Smart – một công ty tư vấn và cung cấp các dịch vụ về trí tuệ cảm xúc, đã nhận thấy 90% những người rất thành công trong công việc có chỉ số EQ – trí tuệ cảm xúc cao, trong khi đó, 80% những người có hiệu quả công việc thấp cũng đồng thời sở hữu chỉ số EQ thấp.
Dù nhiều người thường liên tưởng EQ với sự lạc quan, hăng hái và tự tin, thật ra, EQ giống với khả năng điều chỉnh cảm xúc hơn. Và quan trọng là thông minh cảm xúc khác với “quá dễ xúc động”. Người dễ xúc động, nhiều cảm xúc sẽ phản ứng không kiểm soát khi “bị kích động”, còn người thông minh cảm xúc lại chủ động kiểm soát để có thể phản ứng một cách hợp lý và tạo ảnh hưởng lên môi trường chung quanh họ.
Có nhiều người bẩm sinh đã thông minh cảm xúc, nhưng không như IQ, chỉ số EQ có thể thay đổi đáng kể qua thời gian nhờ sự thực hành và tự cải thiện. Giáo sư Preston Ni, chuyên gia về giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp, đã chia sẻ một vài cách thực hành giúp chúng ta có thể nhanh chóng nâng cao trí thông minh cảm xúc.
Nói “không” với suy nghĩ tiêu cực
Thường thì chính những suy nghĩ tiêu cực đẩy chúng ta vào chỗ phải vật lộn với sự chán nản, chứ không phải là do hành động hay cách cư xử của người khác. Khi thấy khó chịu với cách cư xử của người chung quanh, đừng vội vàng đưa ra kết luận tiêu cực. Chẳng hạn, khi một người nào đó không trả lời điện thoại của bạn, bạn có thể chọn giữa hai cách nghĩ: “cô ta đang lờ mình” hoặc “cô ấy đang rất bận”. Khi nhìn mọi thứ rộng hơn, chúng ta sẽ nhìn nhận biểu hiện của người khác một cách khách quan hơn và tránh được chuyện hiểu nhầm. Hơn nữa, ta cũng nên có vài giải pháp khác nhau cho những tình huống quan trọng để kiểm soát được “nỗi sợ bị từ chối”. “Tôi đang ứng cử ba vị trí hấp dẫn. Nếu nơi đầu tiên không có kết quả tốt, tôi vẫn còn hai cơ hội thích hợp”.
Kiểm soát stress
Mong đợi một cuộc sống hoàn toàn không căng thẳng dường như là chuyện vô vọng và hầu như ai cũng đều trải qua một mức độ stress nào đó. Nhưng ta có giữ được sự tự chủ, điềm tĩnh, trạng thái thăng bằng hay rơi vào tình trạng kiệt quệ, rã rời là do cách xử lý tình huống. Thay vì vội vã quyết định và phản ứng ngay, hãy học cách nhận biết cảm xúc của bạn và tìm hiểu vì sao mình lại trở nên giận dữ như thế. Bạn có thể sử dụng một quyển nhật ký để theo dõi và tìm ra mối liên hệ giữa hành vi và cảm xúc của bản thân hoặc có thể thử “thấu hiểu một ngày đã trải qua” trong lúc đi bộ. Huấn luyện viên Preston Ni có vài mẹo nhỏ giúp chúng ta xử lý các tình huống căng thẳng:
– Nếu thấy hồi hộp, lo âu, hãy vốc nước lạnh lên mặt và cảm nhận sự tỉnh táo. Nhiệt độ lạnh có thể làm giảm mức độ lo âu. Tránh dùng các loại đồ uống có caffeine, chúng có thể làm bạn hồi hộp hơn.
– Nếu thấy lo sợ, chán nản, hãy thử tập aerobic. Môn này sẽ mang lại năng lượng, ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc. Sức sống động từ cơ thể sẽ làm tăng sự tự tin của bạn.
– Nếu thấy mệt mỏi, rối trí hoặc không có cảm hứng, hãy hòa mình vào thiên nhiên, về với màu xanh của lá cây và của biển rộng. Khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, đi bộ và thở sâu sẽ giúp bạn tìm lại sự bình tĩnh, tươi mới.
Hãy chủ động
Đừng để thành kiến và sự giận dữ che mờ khả năng xét đoán của bạn. Chúng ta thường xuyên đối mặt với những người vô lý, cả ở nơi làm việc và trong gia đình. Họ có thể dễ dàng phá hỏng một ngày tươi đẹp. Vì thế, bạn cần học cách giữ thế chủ động trong những tình huống như thế. Nếu giận dữ ai đó, trước khi thốt lên những lời lẽ có thể làm ta phải tiếc nuối sau này, hãy hít thở sâu và đếm từ một đến mười. Thường thì khi đếm đến mười cũng là lúc bạn hình dung được cách tốt hơn để xử lý vấn đề, giúp giảm nhẹ rắc rối chứ không làm cho câu chuyện phức tạp hơn. Nếu vẫn còn bực bội, hãy dành chút thời gian để nghĩ kỹ về chuyện này sau khi đã lấy lại sự bình tĩnh.
Một cách khác để giảm nhẹ phản ứng thái quá là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, dù chỉ là trong chốc lát. Mọi người phản ứng hay hành xử tiêu cực thường là do những vấn đề của chính họ. Vì thế, đừng nên “vơ vào”, biến phản ứng của người khác thành “chuyện của mình”.
Khi mọi người nói chuyện với bạn, hãy dành cho họ sự chú ý trọn vẹn. Họ rất hăng hái hay đang hồi hộp? Họ cần sự cảm thông hay chỉ muốn thỏa cơn bực tức? Đo lường được cảm xúc của người khác sẽ giúp ta chọn được thông điệp để “hạ nhiệt” hay khích lệ hoặc tạo được mối gắn kết có ý nghĩa.
Quả quyết nhưng biết cách bày tỏ cảm xúc
Có thể bạn không cảm thấy thoải mái trong một số tình huống nhất định, khi đó, bạn không cần phải ép buộc mình phải làm vui lòng người khác. Hãy học cách nói lời từ chối mà không bị đè nặng với cảm giác tội lỗi.
Đồng thời, bạn cần biết cách bày tỏ cảm xúc thân mật trong những mối quan hệ thân thiết. Khả năng bày tỏ cảm xúc yêu thương, thể hiện sự trìu mến có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta giữ gìn, bồi đắp những mối quan hệ cá nhân thân thiết. Theo nhà tâm lý học John Gottman, những cảm xúc thân tình này có thể được biểu hiện qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể hoặc hành vi. Ánh mắt tích cực, nụ cười ấm áp, cái vỗ vai thân thiện, một câu xin lỗi hay lời biết ơn, bữa ăn trưa hoặc một món quà thấu hiểu người khác sẽ tạo nên sự gắn kết sâu sắc hơn trong các mối quan hệ.
Khi nhận biết rằng mọi người đều có câu chuyện và trải nghiệm của riêng họ, bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Với các doanh nhân, những quyết định của họ sẽ trở nên dễ dàng hơn, quan hệ trong kinh doanh cũng được cải thiện và họ sẽ là người lãnh đạo nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
- tổng hợp từ Psychology Today