Lễ tết thường là dịp để người ta thực hiện những thay đổi hoặc sắp xếp lại hoặc trang hoàng nhà cửa để mong đón được nhiều vận may, sinh khí mới. Trong số những cách thức trang trí nơi cư ngụ cũng như địa điểm kinh doanh, nhiều người sử dụng các vật chưng phong thủy, tranh tượng liên quan đến 12 con giáp, cũng là những biểu tượng mang tính văn hóa truyền thống. Vấn đề là sử dụng sao cho đắc lợi, hài hòa nhất.
Các nghiên cứu về lịch pháp, khảo cổ xác nhận xuất xứ của hệ can chi có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước của người Việt cổ (*). Ngày nay các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam như Tày, Mường… vẫn còn lưu giữ cách chia ngày – đêm thành hai nửa bằng nhau theo hai trục tung và hoành. Trục tung là trục Tý – Ngọ được gắn với hai giờ: chuột phá (nửa đêm) và ngựa nghỉ (giữa trưa). Trục hoành là trục Mão – Dậu được gắn với hai giờ: giờ mèo nghỉ (tảng sáng) và giờ gà về chuồng (chập tối).
12 con giáp gắn với 12 địa chi
Về sau này, việc chia ngày đêm ra 12 đoạn bằng nhau, dựa theo trục Tý – Ngọ và Mão – Dậu cũng dựa theo sự quan sát tường tận tập tính của những loài động vật sống quanh con người trong xã hội nông nghiệp xưa, nên có sự diễn giải thông qua thói quen đặc trưng của loài vật. Ví dụ giờ Mùi là giờ dê ăn cỏ; giờ Thân là giờ bầy khỉ theo đàn trở về; Tuất là giờ chó sủa nhiều để giữ nhà… Riêng giờ Thìn, khoảng 7g – 9g sáng là lúc cơ thể nhiều hưng phấn, năng suất lao động cao, được người xưa chọn con rồng làm hình tượng, cũng là giờ bắt đầu ngày làm việc mới theo đúng nhịp sinh học của con người hiện đại.
Tên 12 con vật gắn với tên 12 địa chi, có tính tuần hoàn theo ngày, tháng, năm, trong đó có mặt bảy con vật nuôi (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn), bốn con vật hoang dã (chuột, cọp, rắn, khỉ) và một con vật tưởng tượng (rồng), dễ nhớ và có ý nghĩa thiết thực đối với các xã hội nông nghiệp cổ điển Á Đông. Ngày nay, Dương lịch và Âm lịch vẫn tồn tại song hành không chỉ bởi thói quen lưu truyền văn hóa truyền thống, mà thực sự hệ lịch can chi không hề tách rời với nhịp sinh học và tiết khí, không hề cản trở văn minh công nghiệp mà còn giúp con người cân bằng, điều chỉnh hành vi sống tốt hơn, nhu hòa hơn trong nhịp sống căng thẳng tất bật.
Cũng vì thế ở các nước có ảnh hưởng sâu rộng hệ lịch can chi như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có hệ thống các sản phẩm, lưu truyền, ứng dụng liên quan đến 12 con giáp. Từ trang trí nội thất đến giải đoán vận mệnh, văn hóa sử dụng 12 con giáp hiện đã thấm đẫm trong nhiều mặt của đời sống, với những biến thể phong phú và thú vị.
Đến hình ảnh biểu tượng và liên tưởng đồng âm
Các hình ảnh biểu tượng trong văn hóa truyền thống luôn được gắn liền với các ý nghĩa cầu lành tránh dữ. Ví dụ như tranh “Mã đáo thành công” khá phổ biến hiện nay thuộc dòng sản phẩm kỷ niệm, chúc tụng, thường được tặng vào dịp khai trương nhà mới, cơ sở kinh doanh, với hàm ý chúc người được tặng mau gặt hái nhiều thành quả. Hán – Việt từ điển (1931) của Đào Duy Anh cắt nghĩa “mã đáo thành công” là “thành công tức thì”, hiểu nôm na là thành công đến nhanh như ngựa phi! Một số lưu truyền trong dân gian còn thêm thắt kiêng kỵ tránh treo tranh ngựa phi ra ngoài, hay đếm số ngựa, màu sắc ngựa… mang tính chủ quan. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng, ý nghĩa nội tại của các dạng tranh kiểu “Mã đáo thành công” hay Phúc – Lộc – Thọ chủ yếu là chúc tụng có ý nghĩa “thay lời muốn nói”, vấn đề là hình họa, chất liệu, chất lượng nghệ thuật… có phù hợp để trưng bày hay không. Thực tế có người rất quan tâm đến số lượng ngựa vì tin rằng điều đó gắn liền với may rủi, chẳng hạn tranh có vẽ sáu con ngựa được ưa chuộng vì người ta tin rằng lục (sáu) đồng âm với lộc, hay tranh vẽ tám con ngựa trắng cũng vậy: bát/ tám – sẽ hên, sẽ phát (bát có âm đồng với phát, cũng là sao Bát bạch vượng tài), trong khi lại rất kỵ tranh vẽ bảy con ngựa – thất mã (thất/ bảy = thất/ mất) vì sẽ đem đến sự thất bại, mất mát.
Về mặt văn hóa, các “chỉ định” hay “chống chỉ định” như vậy nảy sinh trong quá trình cư dân truyền tụng nhau theo kiểu liên tưởng đồng âm, thể hiện khá rõ ở vùng văn hóa Nam bộ, nơi có giao lưu nhiều dòng văn hóa Việt, Hoa, Khmer, tiếp thu văn minh phương Tây sớm hơn các vùng khác, nơi trọng tính làm ăn, thiết thực, và có khuynh hướng đơn giản hóa trong biểu trưng ước lệ nghệ thuật (**). Có thể thấy ý nghĩa của mâm ngũ quả Nam bộ gồm mãng cầu, trái sung, trái dừa, đu đủ và xoài là cầu – sung – dừa – đủ – xài (cầu cho sung mãn, vừa đủ tiêu xài), đều là các trái cây rất bình dân dễ kiếm, thể hiện ước vọng năm mới cũng giản dị trong tầm tay, không khoa trương cầu kỳ. Hay tục thờ ông Địa bụng bự xuề xòa, rồi các chạm khắc có hình con dơi (dơi có âm Hán là bức, nghe na ná chữ phúc, hình con dơi treo ngược là phúc đảo, gần với phúc đáo (phúc đến nhà), được trang trí khá nhiều trên hoành phi, tủ thờ cổ… cũng như hình năm con dơi trên cửa là ngũ phúc lâm môn rất được chuộng.
Ngoài ra việc chơi bể cá cảnh, vòi phun nước với mong mỏi tiền vô như nước, hay chưng cây mai/ may mắn, hoặc con hươu nhiều sừng/ đa lộc/ nhiều tài lộc, cũng như chuyện hái lá/ lộc non đầu năm đều là biểu hiện của tư duy coi trọng ý nghĩa biểu tượng qua các phương ngữ dân gian. Thậm chí bên trời Tây, người Pháp cũng có kiểu liên tưởng đồng âm như thế, họ xem con gà trống Gô-loa (coq Gaulois) là biểu tượng của dân tộc mình như một cách chơi chữ ý nhị, do tổ tiên người Pháp là người Gaulois, trong tiếng Latinh (cơ sở của tiếng Pháp hiện đại) là Gallus, đồng nghĩa với “con gà trống” .
Dùng sao cho Thiên – Địa – Nhân hòa
Sự giao lưu văn hóa rộng rãi trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay đã kéo theo suy nghĩ hâm mộ khoa học, thích tư duy phân tích kiểu phương Tây mà làm phai nhạt đi truyền thống văn hóa vốn có. Ở thái cực khác, nhiều người lại tôn sùng quá đáng các ý nghĩa biểu tượng phương Đông mà thiếu ứng dụng linh hoạt vào đời sống hiện đại. Khoa học phong thủy thực chất là vận dụng văn hóa – triết học phương Đông như triết lý âm dương, ngũ hành kết hợp với phương pháp thực nghiệm hiện đại để khai thác phù hợp các kinh nghiệm cổ truyền. Các sản phẩm trang trí nội ngoại thất dạng linh vật như tỳ hưu, tứ linh hay 12 con giáp cũng vậy, để có thể tồn tại phù hợp đều cần bổ sung qua lại cả ba yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Yếu tố Thiên thời là chọn vật hợp tuổi, hợp thời. Cách sử dụng phổ biến hiện nay (tranh ảnh, lịch, tượng… như năm Ngọ có hình ảnh ngựa phổ biến) hay mang tính thời thượng, nhưng mỗi gia đình, mỗi người cần xem xét mình có hợp hay không. Cụ thể, theo lịch can chi thì năm Giáp Ngọ 2014 sẽ xung khắc với các tuổi Mậu Thân, Canh Tý, do Giáp dương Mộc khắc Mậu dương Thổ, Canh dương Kim khắc Giáp dương Mộc, Tý – Ngọ xung khắc theo trục đối nghịch thủy – hỏa bắc – nam(*), đồng thời theo bảng Thiên Khắc Địa Xung thì có thêm Giáp Ngọ kỵ Mậu Tý và Nhâm Tý kỵ Giáp Ngọ nữa. Do đó những tuổi kể trên được khuyến cáo là không nhất thiết phải trưng bày hình ảnh tranh tượng liên quan đến con ngựa trong năm Giáp Ngọ này. Ngoài ra còn có quan niệm chọn tranh tượng trang trí con giáp theo tương hợp sẽ tốt hơn là tranh có con giáp thuộc hệ tương hình, xung, hại với tuổi của gia chủ.
Yếu tố Địa lợi là cần có không gian cụ thể, từ hẹp như một góc phòng, đến rộng như một quảng trường, công viên, nhà hàng… mà nhu cầu trang trí đòi hỏi cần có sản phẩm làm đẹp một cách hợp lý. Nên phân biệt sự khác nhau về không gian rộng hẹp, cao thấp, chung riêng, tĩnh động… để hiểu rằng nhà ở tư nhân khác với không gian công cộng, lại khác với không gian thờ cúng, chùa chiền. Một bức tượng ngựa xinh xắn trang trí trong căn hộ nhỏ không thể tương đồng với tượng ngựa hoành tráng trong đền miếu được.
Yếu tố Nhân hòa luôn mang tính cốt lõi, bởi cho dù có thấy thời thượng, có đủ không gian để trưng bày sắp xếp mà chưa có sẵn tâm thế hoặc gu thẩm mỹ phù hợp thì không nên gượng ép trưng bày. Việc sử dụng hình ảnh, linh vật – con giáp là dạng trang trí theo năm, khá đa dạng với nhiều quan niệm khác nhau, do đó cũng cần có một vài lưu ý trong nội thất để tránh làm sai lệch về không gian cũng như phong thủy, giảm tốn kém lãng phí, cụ thể như sau:
– Lưu ý các khoảng trống và trung cung: số đông người hay chưng đồ trong hoặc trên hệ thống tủ kệ, theo nhóm hay cặp, đối xứng trên các bức tường có tính trang trọng, cố định… mà quên phần thoáng, thường là những khu vực đi lại, khoảng trống giữa các phòng, giếng trời hay trục cầu thang. Chính những vùng này lại là điểm thu hút sinh khí và dẫn dắt tầm nhìn cho nội thất tươi mới hơn, đồng thời do ở khu vực chung nên sẽ ít ảnh hưởng đến tâm lý của người nhìn ngắm, vì có thể với người này là linh vật hay tượng thiêng nhưng người khác lại thấy không thoải mái.
– Lưu ý các vùng chuyển tiếp trong ngoài, như bậc thềm, sảnh vào cửa chính… vốn là nơi nạp khí và thoát khí thường ngày, khi bố trí linh vật nên quan tâm đến sự ổn định và trang trọng bằng các thủ pháp trang trí đúng mức, tránh tạo ra cảm giác tạm bợ. Ví dụ như chậu cây bonsai dáng hươu, dáng ngựa, hoặc tượng linh vật nên dùng bệ vững chãi, có chỗ dựa, tránh để chơi vơi dễ va chạm. Những kiểu trang trí “mềm” như hình dán linh vật, đèn lồng hình con giáp… nên bố trí ở nơi dễ nhận biết, không lạm dụng tràn lan sẽ mất đi vẻ trang trọng. Cần lưu ý yếu tố chiếu sáng và âm thanh tương ứng cho vật trưng bày bằng cách dùng thêm đèn pha, treo phong linh, ống sáo trúc… để tăng tiếng động vui tai, kích thích luân chuyển sinh khí trong nhà, đem lại nhiều tươi vui hơn cho gia đình vào dịp năm mới.
Nguồn tham khảo:
(*) Nguyên lý chọn ngày theo lịch can chi – TSKH Hoàng Tuấn, NXB Hồng Đức, 2011, trang 82, 83: Ý nghĩa của can chi; trang 89, 91, 103: Xung hợp can chi, bảng tương hợp tương khắc năm sinh
(**) Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng – GS TSKH Trần Ngọc Thêm, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2013, trang 235, 236, 237: Tính thiết thực trong văn hóa Nam bộ
- Ảnh Xuân Trang