Hầu hết chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc khi được nhận và cho đi. Tuy nhiên, một số người lại có những mối quan hệ “bị nghiêng về một phía” – chúng ta hoặc nhận quá nhiều hoặc cho quá nhiều, và không có được sự cân bằng giữa cho và nhận. Nếu bạn liên tục tự mình giúp người khác, cuối cùng sự mất cân bằng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Hoặc là chính bạn hay những cá nhân không được hỗ trợ khác trong mạng lưới quan hệ của bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bị bỏ rơi. Có thể bạn được tiếng là người vị tha và điều này trở thành cách ứng xử thông thường của bạn. Nhưng chính từ “vị tha” lại phát đi dấu hiệu cảnh báo; ít quan tâm đến bản thân và quan tâm quá nhiều đến người khác đặt chúng ta trong một tình trạng khó khăn để có thể tiếp tục giúp đỡ mọi người.
Có thể bạn là “người cho đi” một cách tự nhiên hoặc qua sự cho đi, bạn nhận được sự ngợi khen – “Cô ấy tử tế quá. Cô ấy luôn nghĩ cho người khác”. Nhưng phải nhớ rằng bạn cũng nên nhận được sự hỗ trợ khi bạn cần, và nếu như điều này không xảy ra, đó là lúc nên xem xét lý do và bắt đầu lập lại sự cân bằng.
Sẽ là hoàn toàn bình thường khi bạn làm mọi thứ cho con của mình khi chúng mới ra đời và còn đang đi lẫm chẫm. Tuy nhiên, khi chúng lớn lên, việc điều chỉnh tình huống này là điều quan trọng để khuyến khích chúng phát triển và tự mình làm những điều cần thiết. Vì thế, nếu như bạn vẫn còn chạy quanh theo các thiếu niên 15, 16 hoặc 17 tuổi, thì mối quan hệ này là mất cân bằng.
Trường hợp này cũng đúng với tình bạn hoặc cộng sự. Nếu một người bạn đang trải qua giai đoạn đặc biệt căng thẳng, dĩ nhiên bạn sẽ muốn giúp họ. Bạn có thể thậm chí dành thời gian cho họ, gác lại công việc và ước muốn của riêng mình. Nhưng điều này không thể kéo dài mãi, và một khi họ đã ổn trở lại, bạn cần quay lại lịch trình thường ngày của mình. Quan trọng là bạn không được từ bỏ mọi thứ trong cuộc sống, dù cho người mà bạn muốn hỗ trợ đang cần giúp đỡ đến mức nào đi nữa. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ không thể trở lại cuộc sống “bình thường”. Trong khi đó, người kia sẽ đến lúc không cần bạn giúp nữa, có thể vui vẻ trở lại thói quen thường nhật của họ và để bạn lại một mình. Tất nhiên là bạn nên giúp ai đó, nhưng không thể với cái giá quá cao hoặc rồi bạn sẽ nhận ra mình đang trong một mối quan hệ “ký sinh” và không thể duy trì được nữa.
Dạng quan hệ mất cân bằng thứ hai là khi một người liên tục cần giúp đỡ. Có thể người đó lớn lên quen với việc cha mẹ thường làm mọi thứ cho họ và cũng quen luôn được có người chạy theo quanh mình. Nhưng, nên nhớ rằng suốt thời gian họ được người khác “hỗ trợ”, họ không thật sự tự chủ động và sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn kiểm soát cuộc đời mình. Trong một mối quan hệ lành mạnh, điều này cần được thương lượng, thường là vì lợi ích của cả hai bên, chứ không thể là “sự tổn thất” của một phía”.
Trong đa số trường hợp, sự cân bằng là điều mấu chốt. Trong bất cứ mối quan hệ lâu dài nào, luôn có cho và nhận. Tại những thời điểm nhất định, nhu cầu của một người có thể sẽ cao hơn, nhưng trong một quan hệ thông thường, “chiếc quả lắc” tất sẽ xoay trở lại và người được giúp sẽ thành người giúp. Nếu điều này không xảy ra, mối quan hệ sẽ chuyển đổi thành một tình huống không bền vững giữa “vật chủ – ký sinh”. Bạn cần nhìn ra điều này để giúp chính bạn và đối tác của bạn, đồng thời giữ cho mối quan hệ được lành mạnh.
- Theo Psychology Today